Thứ năm, 19/09/2024 - 22:59

Nguồn gốc vững chắc quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Hiếm có quốc gia - dân tộc trong thế giới đương đại lại có tình hữu nghị vĩ đại, liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt như Việt Nam và Lào.

Hiếm có quốc gia - dân tộc trong thế giới đương đại lại có tình hữu nghị vĩ đại, liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt như Việt Nam - Lào; quan hệ đặc biệt đó không phải tự nhiên có, mà đó là kết quả của sự vận động chín muồi của điều kiện khách quan với nhân tố chủ quan và được Chủ tịch Hồ Chí Minh luận giải sâu sắc.

Điểm tương đồng về tự nhiên - xã hội là tiền đề đầu tiên cho quan hệ thân thiện lâu đời giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào. Trong lịch sử, cả hai bên đều chung sức, chung lòng tận dụng được lợi thế tự nhiên hiếm có của dãy Trường Sơn hùng vĩ, kết hợp với biển cả, đất đai, tài nguyên thiên nhiên quý giá khác; khơi dậy tối đa tinh thần gan góc, ý chí đấu tranh quật cường, sáng tạo của hai cộng đồng dân tộc trong một khối thống nhất bền chặt, đấu tranh vì độc lập, tự do và phát triển của hai nước.

Vì vậy, trong Lời phát biểu trong buổi chiêu đãi đoàn đại biểu Chính phủ Vương quốc Lào, ngày 28/8/1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Từ xưa đến nay, hai nước Việt và Lào là láng giềng, và hai dân tộc ta là anh em”. Đặc biệt, Người giải thích: “Quan hệ giữa ta và Miên, Lào thế nào? Vì mọi quan hệ khăng khít về địa lý, quân sự, chính trị... mà ta với Miên, Lào cũng như môi với răng. Hai dân tộc Miên, Lào hoàn toàn giải phóng, thì cuộc giải phóng của ta mới chắc chắn, hoàn toàn. Cho nên nhiệm vụ của ta lại phải ra sức giúp đỡ kháng chiến Miên, Lào một cách tích cực, thiết thực hơn. Đó là nhiệm vụ quốc tế của chúng ta”.

Hai dân tộc có chung một kẻ thù và mục tiêu chiến đấu là điều kiện thúc đẩy sự đoàn kết chặt chẽ giữa hai dân tộc. Với âm mưu “chia để trị” thực dân Pháp và đế quốc Mỹ luôn tìm “trăm phương, ngàn kế” thâm độc để chia rẽ hai dân tộc, phá hoại sự nghiệp cách mạng của hai nước. Về vấn đề này, trong Lời chào mừng trong buổi đón tiếp vua Lào Xri xavang Vátthana ngày 10/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh ôn lại lịch sử: “Hai dân tộc Việt và Lào từ lâu đời đã có những quan hệ anh em khăng khít với nhau. Nhưng gần một thế kỷ, bọn đế quốc đã cướp nước chúng ta, chia rẽ nhân dân hai nước chúng ta. Chúng ngăn cản, không để nhân dân Việt - Lào gần gũi giúp đỡ nhau. Chúng làm cho nhân dân hai nước chúng ta: Bức tường nô lệ chắn ngang/Tuy trong gang tấc, gấp ngàn quan sơn”.

Đồng thời, Người nhấn mạnh: “Sau cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, nhân dân hai nước Việt - Lào đã anh dũng vùng lên, chiến đấu oanh liệt chống thực dân cướp nước, và ủng hộ lẫn nhau trong sự nghiệp giành lại tự do, độc lập cho nước mình. Ngày nay, hai nước chúng ta đã độc lập. Chúng ta có đủ mọi điều kiện để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị giữa hai nước chúng ta và với các nước bầu bạn khác, để giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng đất nước phồn thịnh và cải thiện đời sống của nhân dân chúng ta. Ngày nay chúng ta dễ dàng đi lại thăm viếng lẫn nhau: Bấy lâu cách trở quan hà/Từ nay Lào - Việt rất là gần nhau.

Sự lãnh đạo của Đảng mácxít - lêninnít chân chính là điều kiện tiên quyết cho mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào. Từ quan hệ láng giềng, truyền thống nay phát triển đột biến thành quan hệ đặc biệt vào năm 1930, khi sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Lào được tiến hành theo con đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc vạch ra, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Sự kiện đặc biệt này đã trở thành điểm khởi xướng, bước ngoặt trong tình đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc, hai nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính tình đoàn kết thân ái là điều kiện căn bản cho cuộc thắng lợi của cách mạng hai nước.

Trong Điện mừng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Chính phủ kháng chiến Lào đăng trên Báo Cứu quốc, số 2142, ngày 13/8/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Thắng lợi của nhân dân Lào cũng là thắng lợi của nhân dân Việt Nam, là thắng lợi chung của khối liên minh Lào - Miên - Việt đoàn kết chiến đấu đánh đuổi kẻ thù chung là thực dân Pháp và can thiệp Mỹ”. Bản chất của quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước chân chính kết hợp với chủ nghĩa quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân; tình đoàn kết thủy chung và niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà hai dân tộc Việt Nam, Lào dành cho nhau; sự giúp đỡ đến mức cao nhất nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tương lai của hai dân tộc theo đúng tinh thần: “Quan Sơn muôn dặm một nhà, bốn phương vô sản đều là anh em”. Vì vậy, trong Lời phát biểu trong buổi lễ tiễn Vua Lào, ngày 13/3/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Hôm nay, Nhà vua và các vị rời đất nước chúng tôi, song những hình ảnh đẹp đẽ của cuộc đi thăm vẫn lưu lại lâu dài trong lòng chúng tôi. Thật là:

Thương nhau mấy núi cũng trèo,

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua.

Việt - Lào, hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long”

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xây đắp bằng tình cảm cá nhân của Bác Hồ với Đảng, Nhà nước và Nhân dân các bộ tộc Lào. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là người vạch đường, cho sự nghiệp giải phóng và phát triển của hai dân tộc Việt Nam, Lào, cũng là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng, phát triển quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam và tự mình nêu tấm gương sáng về đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư trong xử lý mối quan hệ quốc gia, quốc tế Việt Nam - Lào.

Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào vun đắp, phát triển bằng sức cảm hóa sâu sắc của quan điểm “giúp bạn là mình tự giúp mình” do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn. Đây là quan điểm cô đọng, giàu ý nghĩa chính trị, nhân văn, mở ra phương hướng xử lý hài hòa lợi ích của hai dân tộc; là vũ khí sắc bén chống tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ban ơn và Người căn dặn: “Lào và Việt là hai nước anh em. Mối quan hệ giữa hai dân tộc rất là mật thiết. Đối với kiều bào ta làm ăn sinh sống ở đất nước Lào thì Lào lại như là một Tổ quốc thứ hai.

Nguồn gốc vững chắc quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp và nói chuyện thân mật với đồng chí Kaysone Phomvihane, Trưởng Đoàn đại biểu Đảng và Mặt trận Lào yêu nước sang thăm hữu nghị Việt Nam (1966)_Ảnh: Tư liệu

Tục ngữ có câu: “Bán bà con xa, mua láng giềng gần” ý nghĩa là như thế. Vậy nên sự đoàn kết chẳng những bao gồm đồng bào Việt, mà bao gồm cả đồng bào Việt với đồng bào Lào. Đoàn kết chặt thì lực lượng to. Lực lượng to thì quyết thắng lợi”. Đánh giá về tình cảm đặc biệt ấy của Bác Hồ, Tổng Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Kaysone Phomvihane khẳng định: “Tư tưởng và tình cảm của Bác Hồ là ngọn đuốc soi đường, là nguồn cổ vũ sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi. Từ ngày cách mạng Lào còn trứng nước cho đến lúc đã trưởng thành, Bác Hồ luôn luôn quan tâm dẫn đường chỉ lối”.

Mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào được xây đắp, nuôi dưỡng bằng công sức, của cải, xương máu của nhiều thế hệ cách mạng người Việt Nam và Lào mang tính xuyên suốt, toàn diện và bền vững. Trải qua rất nhiều gian nan, thử thách khắc nghiệt, quan hệ đó vẫn vẹn nguyên, không hề bị rạn nứt và phá vỡ cho dù các thế lực thù địch dùng nhiều thủ đoạn chống phá, chia rẽ. Mỗi thời kỳ lịch sử tương ứng với một nhiệm vụ chiến lược cách mạng của hai nước và gắn liền với sự vận động của quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam trên các lĩnh vực tư tưởng, chính trị, quốc phòng - an ninh, ngoại giao, kinh tế, xã hội, văn hoá. Tuy mỗi thời kỳ có những nhiệm vụ trọng tâm, song nhìn tổng thể, vẫn nhận rõ tính toàn diện, phong phú mang bản chất cách mạng, nhân văn trong tư tưởng và hoạt động thực tiễn.

Như vậy, tất cả nhân tố trên đều lắng đọng, kết tinh và qua kiểm nghiệm trên nhiều bước đường gian khó, hiểm nghèo đã biến quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam thành giá trị văn hoá nhân văn trường tồn và phát triển cùng thời gian. Trong lịch sử thế giới từ xưa tới nay, đã xuất hiện nhiều hình thức liên minh, đồng minh, hợp tác hoặc hình thành các cộng động quốc gia. Nhưng xét về mọi phương diện, chỉ có mối quan hệ Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam mang đầy đủ các yếu tố ưu việt về cách mạng và nhân văn dựa trên cơ sở lý luận đúng đắn và nguyên tắc, phương pháp hợp lý về xây dựng phát triển mối quan hệ quốc gia - quốc tế, được lãnh đạo hai Đảng, Nhà nước và Nhân dân hai nước đồng thuận và cùng chung sức thực hiện, mang lại những thành tựu to lớn và tiến bộ vượt bậc về mọi mặt cho cả hai dân tộc. Tất cả hợp thành một tấm gương mẫu mực, thủy chung, trong sáng, bền vững, chưa từng có trong quan hệ giữa các dân tộc trên thế giới.

Nguồn gốc vững chắc quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Bounnhang Vorachith thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, ngày 19/12/2017, tại Thủ đô Hà Nội_Ảnh: TTXVN

Trước đây, hiện nay và muôn đời sau, các thế hệ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quân, dân hai nước do thấm nhuần và thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguồn gốc vững chắc quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào để tiếp tục vun đắp, củng cố và tăng cường điều kiện khách quan với nhân tố chủ quan để hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước “vừa là đồng chí, vừa là anh em” vượt qua mọi gian nguy để giành nhiều thắng lợi, kết thúc vẻ vang các chặng đường cách mạng và đang vươn tới những thắng lợi mới.

Về vấn đề này, chúng tôi nhắc lại lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào (5/9/1962-5/9/2022); 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022) khi nhấn mạnh: “Nhìn lại những chặng đường lịch sử hào hùng mà hai dân tộc đã cùng đi qua, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về mối quan hệ mẫu mực, vô cùng trong sáng, hết mực thủy chung giữa hai Đảng, hai Nhà nước và Nhân dân hai nước Việt Nam và Lào. Quan hệ đặc biệt Việt - Lào đã được các Lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong trực tiếp đặt nền móng; được dày công gây dựng, giữ gìn, vun đắp bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của các thế hệ quân và dân hai nước; thực sự trở thành tài sản vô giá, mối quan hệ “có một không hai” trong lịch sử thế giới. Đúng như Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã khẳng định: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở đâu và chưa bao giờ có sự đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như vậy”./.

 
Lượt xem: 107
Tác giả: TS Hà Sơn Thái
Tin liên quan