Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:23

Phát huy sự chủ động, tích cực của chi đoàn trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Trong thời đại 4.0 hiện nay, giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để đảm đương được trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trực tiếp phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và hội nhập quốc tế. Tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” đang cho thấy những hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện tốt công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

* Nhiều điểm sáng trong thực hiện phong trào

Theo số liệu thống kê, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 204 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, với gần 300.000 học sinh đang theo học các hệ đào tạo. Thành phố cũng có hơn 232.000 đoàn viên là học sinh hệ trung cấp -  một lực lượng đông đảo, quan trọng của đoàn viên, thanh niên khu vực trường học.

Việc triển khai phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” gồm: rèn luyện đạo đức, tác phong, rèn luyện tay nghề, rèn luyện kỹ năng, thể lực đã trở thành giải pháp hiệu quả về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường lao động trong bối cảnh mới. Các cấp bộ đoàn Thành phố đã sáng tạo, kiên trì các giải pháp để tạo môi trường cho học sinh tham gia phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”, có thể kể đến như các hội thi kiến thức chuyên ngành, hội thi tay nghề giỏi, ngày hội hướng nghiệp và việc làm, các hoạt động trang bị kỹ năng thực hành xã hội, các hoạt động hỗ trợ học tập ngoại ngữ, hành trình trang bị “Tác phong công nghiệp”, hành trình “Tiếp lửa yêu nghề”..., gắn với các tiêu chí rèn luyện đã góp phần đưa phong trào đến gần hơn với mỗi học sinh.

Từ năm 2022 đến nay, trung bình mỗi năm có gần 1.100 hoạt động của cấp cơ sở tạo môi trường cho học sinh tham gia phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” các cấp. Các hoạt động nổi bật, trở thành điểm nhấn của phong trào tại cơ sở, có thể kể đến như: Cuộc thi tìm hiểu tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh - Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức,...; chương trình “Thắp sáng ước mơ” - Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Nguyễn Hữu Cảnh, Chương trình “Chắp cánh tương lai” - Trường Trung cấp nghề Nhân đạo…

Tại Hà Nội, hiện có 304 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Năm học 2023-2024, các cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tuyển sinh được 246.100 người, trong đó trình độ cao đẳng là 37.778 người; trung cấp là 33.699 người; sơ cấp và dưới 3 tháng là 174.623 người.

Các phong trào do Đoàn cấp trên phát động được các Chi đoàn tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội kịp thời triển khai thực hiện, như: phong trào “Thanh niên tình nguyện”, “Tuổi trẻ sáng tạo”, “Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số”. Bên cạnh đó, Chi đoàn các trường cũng chủ động tổ chức nhiều các phong trào như: về nguồn, thăm di tích của Thủ đô; vệ sinh tạo cảnh quan “xanh - sạch - đẹp” xung quanh khuôn viên; tham gia các chương trình tình nguyện xanh, hiến máu nhân đạo; tổ chức công tác từ thiện tại các bệnh viện trên địa bàn,.. Việc bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho đoàn viên được quan tâm, thực hiện tốt.

Em Nguyễn Gia Long học sinh Trường Cao đẳng nghề kỹ thuật công nghệ cho biết, em rất thích tham gia hoạt động thanh niên tình nguyện. Đây là một hoạt động  bổ ích, mang đến cho em nhiều trải nghiệm về cuộc sống, cũng như kỹ năng mềm để giải quyết các vấn đề trong giao tiếp.

* Phát huy thế mạnh thanh niên

Tuy nhiên, công tác định hướng lối sống cho đoàn viên, thanh niên trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng còn tồn tại một số hạn chế, bất cập như: học sinh, sinh viên trong các nhà trường thời gian chủ yếu tập trung cho việc học văn hóa, học nghề do đó thời gian giành cho các hoạt động phong trào còn hạn chế. Các hoạt động phong trào trong các nhà trường chưa thật sự hấp dẫn, lôi cuốn nên chưa khơi dậy được sự nhiệt huyết của tuổi trẻ. Đội ngũ cán bộ Đoàn trong các nhà trường phần lớn làm kiêm nhiệm do vậy trong việc triển khai các nội dung, hình thức sinh hoạt đôi khi còn lúng túng. Các buổi sinh hoạt chi đoàn ít đổi mới, thiếu tính sáng tạo, còn nặng về hình thức, do đó chưa thật sự hấp dẫn, chưa phát huy hết tiềm năng của thanh niên.

Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết cho biết, công tác Đoàn và phong trào thanh niên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Các nội dung của công tác giáo dục về chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống chưa có nhiều giải pháp cụ thể, đặc sắc và tạo đột phá. Các hoạt động tại các cơ sở chưa có nhiều sự đầu tư về quy mô và tính thu hút đoàn viên còn thấp.

Để thúc đẩy phong trào “Học sinh 3 rèn luyện” một cách thực chất, hiệu quả, cần tăng cường vai trò chủ động, tích cực của chi đoàn trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Trung ương Đoàn cần xem xét, chỉ đạo các cơ sở Đoàn trong và ngoài nước hỗ trợ học sinh, sinh viên trong quá trình thực tập tại doanh nghiệp. Điều này nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, trách nhiệm, tác phong công nghiệp trong lao động, cũng như bồi đắp tinh thần cống hiến, rèn luyện, phát triển bản thân, giúp họ phát huy sức trẻ và tinh thần tiên phong khi làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp.

Đồng thời, Ban Giám hiệu các trường cao đẳng, trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cần chú trọng, nâng cao chất lượng đào tạo, cũng như các chương trình, kế hoạch, đề án và phong trào của tổ chức Đoàn tại cơ sở, xây dựng đội ngũ cán bộ Đoàn, Hội chất lượng nhằm triển khai hiệu quả hơn phong trào “Học sinh 3 rèn luyện”.

UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo cần chú ý hơn đến các chính sách dành cho học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Điều này giúp khai thác tối đa các nguồn lực tinh thần, sức mạnh từ thanh niên, cũng như tiến hành khen thưởng và động viên kịp thời những cá nhân đạt danh hiệu “Học sinh 3 rèn luyện” tiêu biểu./.

HQ

Lượt xem: 4
Tác giả: Lê Thị Hạnh Quyên
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan