Phát huy vai trò hệ giá trị văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng
Chia sẻ kết quả nghiên cứu vai trò hệ giá trị văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng
Ngày 8/11, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng”. Dự và chủ trì hội thảo có Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thị Mai cho biết, đây là một sự kiện bàn về 4 hệ giá trị tại các vùng, miền, địa phương được Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp tổ chức trong năm 2023-2024. Hội thảo thu hút các tác giả gửi 28 bài tham luận trao đổi, chia sẻ kết quả nghiên cứu, phân tích làm rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung giải pháp thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Hội thảo thu hút sự tham gia của tổ chức, địa phương, cơ quan, đơn vị, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa ở Hà Nội và 10 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng. Các đại biểu tập trung nêu bật vị trí chiến lược của vùng Đồng bằng sông Hồng trong lịch sử và hiện tại, nhấn mạnh các giá trị văn hóa tinh thần, vật chất của vùng đất địa linh nhân kiệt, địa bàn chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh...
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho rằng Đồng bằng sông Hồng được biết đến là cái nôi văn hóa đầu tiên của người Việt, với giá trị văn hóa lâu đời hội tụ, tạo thành những đặc trưng, bản sắc văn hóa điển hình, có sự khác biệt với các vùng khác trong nước và các quốc gia trên thế giới. Hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu, cụ thể hóa các hệ giá trị theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.
Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam Phan Chí Hiếu nhấn mạnh: Hội thảo nhằm cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn để nhận diện, làm rõ các hệ giá trị ở vùng Đồng bằng sông Hồng, đề xuất giải pháp nhằm quán triệt, triển khai thực hiện và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các hệ giá trị trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời kỳ mới.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Nhung, giảng viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng, tác động đến việc triển khai thực hiện hệ giá trị gia đình ở vùng Đồng bằng sông Hồng hiện nay, như kinh tế, văn hóa, xã hội vùng. Việc bàn luận những yếu tố tác động đến triển khai thực hiện các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị gia đình là câu chuyện đi tìm giải pháp nhằm xây dựng gia đình Việt Nam ấn no, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Khi tìm ra giải pháp hiệu quả để triển khai các giá trị cốt lõi trong hệ giá trị gia đình từng vùng, chúng ta sẽ có niềm tin về việc hiện thực hệ giá trị gia đình Việt.
Tại Hội thảo, các đại biểu đề xuất nhiều giải pháp để giữ gìn, phát triển các hệ giá trị trong thời kỳ mới, chú trọng các mối quan hệ, tập trung nguồn lực phát triển con người, phát triển văn hóa để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng, tạo điều kiện cho văn hóa và con người thực sự là sức mạnh nội sinh hướng tới phát triển bền vững trong thời kỳ mới./.
Thái Hùng