Thứ ba, 17/09/2024 - 02:36

Quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người lao động yên tâm công tác

 Theo kế hoạch, năm 2022, thành phố Hà Nội phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 160.000 lao động; Giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,2%. Tuy nhiên, trong 9 tháng qua, thành phố Hà Nội đã giải quyết việc làm cho trên 168.000 lao động, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Thống kê của Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho thấy, số lao động được giải quyết việc làm qua cung ứng dịch vụ việc làm của các doanh nghiệp và qua các hình thức khác là trên 98.700 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm, tăng trên 51.500 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng 44% so với 9 tháng năm 2021.

Riêng trong tháng 9, toàn Thành phố giải quyết việc làm cho trên 14.900 lao động. Như vậy, sau 9 tháng số lao động được tạo việc làm mới của thành phố Hà Nội đã vượt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, thị trường lao động tại Hà Nội cũng như cả nước sẽ tiếp tục "ấm lên", bởi trong thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp chú trọng vào việc hoàn thiện kế hoạch từ đầu năm về hoạt động sản xuất kinh doanh; Hoàn thiện các đơn hàng đã được triển khai trong thời gian qua.

Quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người lao động yên tâm công tác

Người lao động tìm kiếm việc làm qua các phiên giao dịch việc làm tại Hà Nội

Ngoài ra, hoạt động sản xuất gia tăng (đặc biệt là sản xuất hàng tiêu dùng) nhằm đáp ứng những ngày lễ lớn như dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán cổ truyền. Cũng như mọi năm, cuối năm là thời điểm, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tăng lên và số lượng doanh nghiệp đến đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội cũng gia tăng.

Với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc. Mới đây, Trung tâm tiếp nhận đơn hàng từ một doanh nghiệp với hàng chục nghìn lao động làm việc ở khu vực phía Bắc, tập trung chủ yếu ở nhóm ngành nghề xây dựng. Qua đó thấy rằng, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp tăng lên, lực lượng lao động tìm kiếm việc làm cũng gia tăng. Đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động trong thời gian tới.

Theo ông Vũ Quang Thành, để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, thời gian qua, bên cạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm định kỳ, hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội ngày càng đa dạng các hình thức tổ chức, đặc biệt là đẩy mạnh triển khai những phiên giao dịch việc làm lưu động tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Hoạt động của hệ thống này đã góp phần cung cấp thông tin về thị trường, kết nối cung cầu, thúc đẩy sự phát triển thị trường lao động Thủ đô.

Trong thời gian tới, để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, UBND thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tiếp tục có những chỉ đạo kết nối cung - cầu lao động dưới nhiều hình thức. Đồng thời, từng bước nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, tạo cầu nối tin cậy giữa người lao động và người sử dụng lao động trong giải quyết việc làm và cung ứng nguồn lao động có chất lượng cho doanh nghiệp.

Quan tâm, tạo môi trường làm việc thuận lợi để người lao động yên tâm công tác

Dự báo từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy thị trường lao động như rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính; Định hướng đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người lao động khi bị mất việc làm; Triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho vay vốn tạo việc làm, xuất khẩu lao động, phát triển sản xuất; khôi phục và phát triển các ngành nghề thủ công nghiệp truyền thống…

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tuyển dụng lao động không khó mà "giữ chân" người lao động mới khó. Do đó, để hạn chế tình trạng người lao động bỏ việc, "nhảy việc" và để người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp thì người sử dụng lao động phải đi sâu, đi sát, nắm được tâm tư nguyện vọng của người lao động. Với những doanh nghiệp có cơ chế làm thêm giờ thì cần chú trọng đến lương, thưởng để khuyến khích họ làm việc, sáng tạo.

Đồng thời, cần tạo một môi trường làm việc thân thiết, năng động; Chú trọng đào tạo tay nghề kỹ thuật cho cán bộ, công nhân viên, từ đó người lao động yên tâm với việc có thể gắn bó lâu dài với doanh nghiệp…

Lượt xem: 138
Tác giả: THANH TÙNG
Tin liên quan