Thứ bảy, 23/11/2024 - 21:43

Sổ liên lạc điện tử: Thừa thãi, lãng phí

Sổ liên lạc điện tử là một phương tiện để nhà trường cập nhật về tình hình học tập và các thông tin về quá trình theo học của học sinh tới phụ huynh. Tuy nhiên, trải qua cả thời gian giãn cách vì dịch bệnh cho đến nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa thấy tính thiết thực, hiệu quả của sổ liên lạc này.

Sổ liên lạc điện tử là phần mềm do các công ty công nghệ cung cấp. Hầu hết các trường học tại Hà Nội, TP.HCM đều đang triển khai sử dụng sổ liên lạc điện tử.

Chị Nguyễn Thị Minh, một phụ huynh có con học tiểu học và trung học cơ sở tại Đống Đa, Hà Nội cho biết, từ lâu, chị đã nhận thấy sự kém hiệu quả của sổ liên lạc điện tử: "Khi con mới vào tiểu học mình đã được hướng dẫn dùng eNetViet nhưng thông tin trên ấy không nhiều, khi hết học kỳ 1 và học kỳ 2 mới có thông tin, còn lại thì không cập nhật thường xuyên hàng ngày. Sau 2,3 năm cài đặt cái app đó thì mình hầu như không sử dụng, còn không mở ra được".

Trong khi đó, chị Thu Loan, một phụ huynh ở quận Long Biên cũng chia sẻ, thông tin từ sổ liên lạc điện tử eNetViet chủ yếu là các thông báo từ nhà trường còn để nắm bắt, trao đổi thông tin học tập, sinh hoạt hàng ngày của con tại trường, bố mẹ phải sử dụng các kênh khác như qua Zalo: "Đó chỉ là cái đánh giá chung thôi, còn mình có thắc mắc gì ở thời điểm ấy thì không thể trao đổi qua eNetViet được mà chủ yếu trao đổi với cô thông qua zalo nhiều hơn".

 

Nhiều phụ huynh cho biết thêm, các chức năng trên sổ liên lạc điện tử eNetViet như: điểm danh, xin nghỉ học, thời khóa biểu, nhiệm vụ, bài tập, đăng ký, khảo sát; bảng điểm học tập; nhiệm vụ học tập; hoạt động hàng ngày đều không hiệu quả bởi tất cả những thông tin đó thì giáo viên chủ nhiệm đã thông tin hàng ngày, hàng giờ trên các nhóm chat miễn phí cho phụ huynh nên nhiều người hầu như không còn sử dụng nữa.

 

so lien lac dien tu thua thai, lang phi hinh anh 1

Nhiều phụ huynh kiến nghị bỏ sổ liên lạc điện tử thu phí trong nhà trường. Ảnh minh họa: Lao động

Từ phía giáo viên, nhiều người cũng cho biết, hiện nay ở hầu hết các lớp đều có nhóm kết nối ứng dụng miễn phí như zalo, viber, facebook…Giáo viên và phụ huynh tương tác trên những nhóm này vừa kịp thời, thuận tiện, sâu sát hơn so với việc chỉ nhận thông tin một chiều từ sổ liên lạc điện tử.

"Nó chỉ để cuối năm cho phụ huynh xem điểm, còn bình thường chúng tôi dùng zalo hết, còn cái này chỉ để điểm danh học sinh, báo cáo lên cơ sở dữ liệu. Giáo viên cũng chỉ vào đó để điểm danh"

"Thực ra eNetViet mấy năm Covid vừa rồi cũng không sử dụng, đến năm nay mới sử dụng lại. Hai năm vừa rồi, một số trường đã không dùng eNetViet nữa".

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích, so với việc sử dụng các nền tảng mạng xã hội thì sổ liên lạc điện tử mất phí, nhẽ ra phải hiệu quả hơn, hữu dụng hơn.Tuy nhiên, thực tế không được như vậy, sổ liên lạc điện tử đang thông báo một chiều, gần như không có tương tác và nội dung nghèo nàn, không cập nhật. Do đó, các trường nên lựa chọn hình thức liên lạc nào thuận tiện, tiết kiệm hơn.

"Việc chúng ta mất công, mất tiền để duy trì sổ liên lạc điện tử tôi thấy là không cần thiết, các nhà trường nên rà soát lại hình thức nào được nhiều phụ huynh áp dụng thì tiếp tục phát huy. Các nhà trường không nên quy định cứng nhắc bắt buộc sử dụng sổ liên lạc điện tử mà nó không hiệu quả bằng cách hình thức khác. Hình thức liên lạc nào phù hợp xu thế, mang lợi sự tiện lợi nhất thì chúng ta ứng dụng", bà Nga cho biết.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, ứng dụng công nghệ vào quản lý học sinh, kết nối giữa nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh là xu thế, nhưng cần được thể hiện đầy đủ các tính năng hiện diện để tránh gây lãng phí.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mới đây đã khẳng định, nhà trường, giáo viên không được phép ép buộc phụ huynh sử dụng sổ liên lạc điện tử eNetViet; phụ huynh nào đã đăng ký sử dụng sổ liên lạc điện tử có quyền thôi sử dụng nếu cảm thấy không hiệu quả.

Tuy vậy, theo phản ánh của phụ huynh, các trường thường rải các thông báo: một số thông tin thì qua nhóm chat, một số khác lại qua eNetViet. Do đó, các phụ huynh muốn bỏ dùng ứng dụng này cũng không được mà miễn cưỡng phải dùng. Mặt khác, họ cũng không được hỏi ý kiến để chủ động đăng ký từ đầu năm, mà thường do nhà trường cứ tự động triển khai rồi thông báo nộp tiền ứng dụng./.

Lượt xem: 40
Tác giả: Nguyễn Yên-Quách Đồng/VOV Giao thông
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật