Phối hợp xử lý gần 3.400 thông tin, vụ việc người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường
Để tiếp tục phát huy vai trò của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường, trong thời gian quan cơ quan quản lý đã phối hợp xử lý gần 3.400 thông tin, vụ việc do người dân phản ánh về ô nhiễm môi trường ở các địa phương.
Theo thông tin từ ông Nguyễn Hưng Thịnh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), từ tháng 1/2018 đến ngày 23/5/2022, đường dây nóng về ô nhiễm môi trường của đơn vị này đã tiếp nhận 2.355 thông tin, vụ việc phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường.
Cụ thể, trong năm 2018 tiếp nhận 926 thông tin, vụ việc; Năm 2019 tiếp nhận 493 thông tin, vụ việc; Năm 2020 tiếp nhận 345 thông tin, vụ việc; Năm 2021 đã tiếp nhận 450 thông tin, vụ việc; năm 2022 (tính đến ngày 23/5/2022), đã tiếp nhận 141 thông tin, vụ việc phản ánh về ô nhiễm môi trường qua đường dây nóng. Trong đó, 100% thông tin, vụ việc đều được chuyển đến đường dây nóng của địa phương để xác minh và xử lý theo thẩm quyền.
Số vụ việc phản ánh thông qua đường dây nóng của Tổng cục Môi trường được tiến hành xử lý tăng dần qua các năm, cụ thể: Năm 2018, đã tiến hành xử lý 398 vụ việc, chiếm tỷ lệ 43%; năm 2019, đã tiến hành xử lý 300 vụ việc, chiếm tỷ lệ 61%; năm 2020, đã tiến hành xử lý 245 vụ việc, chiếm tỷ lệ 71%; 6 tháng đầu năm 2021, đã tiến hành xác minh 120 vụ việc, chiếm tỷ lệ 93%.
Riêng trong 10 tháng năm 2022, đường dây nóng trên đã tiếp nhận gần 500 vụ việc phản ánh. Trong đó, có 296 vụ việc đã được hướng dẫn người dân thực hiện theo quy định của pháp luật; 150 vụ việc chuyển về các địa phương để xác minh, xử lý. Trên cơ sở đó, có tới 394 vụ việc đã được xác minh, xử lý (chiếm 88%); 58 vụ việc (chiếm 12%) đang được các địa phương xử lý theo thẩm quyền.
“Đường dây nóng về ô nhiễm môi trường được thành lập nhằm tiếp tục phát huy vai trò của người dân và cộng đồng về bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu quả tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị. Đến nay, hệ thống đường dây nóng đã và đang trở thành kênh thông tin hữu ích, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin phản ánh kịp thời về các hành vi gây ô nhiễm môi trường, các điểm nóng môi trường trên địa bàn đến các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Hệ thống này cũng đã giúp cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường nắm bắt, phát hiện kịp thời các vấn đề, điểm nóng về môi trường để có giải pháp xử lý các hành vi, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các điểm nóng về môi trường phát sinh trên từng địa bàn,” ông Nguyễn Hưng Thịnh cho hay.
Theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin thông qua đường dây nóng, Bộ phận tiếp nhận thông tin của Tổng cục Môi trường đã thực hiện việc tiếp nhận, trả lời hơn 900 câu hỏi, kiến nghị của công dân về các vấn đề môi trường trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ TN&MT; mỗi năm thực hiện việc rà soát, cập nhật hơn 5.000 thông tin, tổng hợp khoảng 50 bản tin liên quan đến tình hình ô nhiễm môi trường được phản ánh trên báo chí, phương tiện thông tin đại chúng để báo cáo Lãnh đạo Tổng cục, Lãnh đạo Bộ nắm bắt thông tin và chỉ đạo các đơn vị tham mưu, xử lý kịp thời những vụ việc, vấn đề về môi trường được dư luận và xã hội quan tâm.
Một số vụ việc điển hình được phản ánh qua phương tiện thông tin đại chúng như: Ô nhiễm môi trường trên hệ thống sông Bắc Hưng Hải; ô nhiễm nguồn nước tại Suối Ngòi Lâu tại Yên Bái; nguồn phát thải khiến sông Cầu ô nhiễm bắt nguồn từ sông Ngũ Huyện Khê, Bắc Giang; hàng chục lồng nuôi cá lồng trên sông Thái Bình, Hải Dương xảy ra tình trạng cá chết bất thường với khối lượng lên đến gần trăm tấn; cá chết đã nổi trắng kênh Phú Lộc; cá lồng trên sông Chu, Thanh Hóa bất ngờ chết hàng loạt, đổ trộm hoá chất xuống sông,… đã được Tổng cục Môi trường kịp thời nắm bắt, chỉ đạo các Cục Bảo vệ môi trường vùng phối hợp với Sở TN&MT và chính quyền địa phương nhanh chóng kiểm tra, xác minh và xử lý kịp thời.
Đến nay, Tổng cục Môi trường và Sở TN&MT các địa phương đã thực hiện phản hồi thông tin cho tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin đối với 3.328/3.918 thông tin tiếp nhận (chiếm tỷ lệ khoảng 85%) thông qua các hình thức phù hợp như điện thoại, email và văn bản,… một số vụ việc được Tổng cục Môi trường thực hiện công khai thông tin trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Môi trường.
Đối với các vụ việc về ô nhiễm môi trường theo phản ánh của các cơ quan báo chí, Tổng cục Môi trường đã nắm bắt thông qua công tác rà soát, điểm tin môi trường và kịp thời chỉ đạo các Cục Bảo vệ môi trường vùng phối hợp với Sở TN&MT nhanh chóng kiểm tra, xử lý và phản hồi thông tin cho cơ quan báo chí theo quy định./.