Thủ tướng Chính phủ: Công tác phòng ngừa cháy nổ phải bảo đảm sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết
Sáng ngày 12/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về công tác phòng cháy, chữa cháy và sơ kết 5 năm thực hiện quy định công tác cứu hộ, cứu nạn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định: "Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân".
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại hội nghị (ảnh VGP) |
Thời gian qua, tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn diễn biến phức tạp, khó lường, tần suất ngày càng cao, nhất là các vụ cháy tại các khu dân cư, chung cư cao tầng, khu công nghiệp, chợ, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kinh doanh… và đặc biệt là các cơ sở kinh doanh karaoke. Nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke tại quận Cầu Giấy, Hà Nội ngày 1/8/2022 làm 3 chiến sĩ cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh; vụ cháy kho xưởng khiến 3 mẹ con tử vong ở Thanh Oai, Hà Nội ngày 10/9/2022; vụ cháy quán karaoke tại Bình Dương ngày 6/9/2022 làm nhiều người chết, tối 11/9 xảy ra vụ cháy tại Đồng Nai…
Thủ tướng một lần nữa gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia sẻ hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.
"Những vụ việc nghiêm trọng, thương tâm trên là cảnh báo và cho thấy tình hình là khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ, tư duy, cách tiếp cận mới cho công tác phòng ngừa, ứng phó với các sự cố, tai nạn, hỏa hoạn, để bảo đảm an toàn tài sản và nhất là tính mạng con người; đặt sức khỏe, tính mạng người dân lên trên hết, trước hết", người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã yêu cầu: Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan, chỉ đạo điều tra, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương, cơ quan cấp phép, kiểm tra và các cá nhân liên quan, bảo đảm tính khách quan. Đồng thời, tổ chức hội nghị để kiểm điểm, đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83/2017/NĐ-CP quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng phòng cháy, chữa cháy.
Theo Thủ tướng, phòng cháy, chữa cháy và công tác cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay bởi: Kinh tế, xã hội nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nhà và công trình cao tầng ngày càng nhiều; hoạt động lao động, sản xuất, kinh doanh gia tăng; nhu cầu sử dụng năng lượng, hóa chất lớn, dẫn tới nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn về cháy, nổ, sự cố, tai nạn…
Trong khi đó, nhận thức, hành vi, thói quen về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn của mọi người còn có những lúc, những nơi hạn chế; kỹ năng xử lý, ứng phó khi có sự cố là chưa cao; việc thực thi quy định pháp luật và hoạt động quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, bất cập.
Thủ tướng lấy ví dụ, việc quy hoạch phải làm sao để khi sự cố xảy ra thì các phương tiện chữa cháy tiếp cận được nhanh chóng? Hay nhiều vụ cháy xảy ra do chập điện, vậy quy định như thế nào về quản lý từ công tơ điện tới cơ sở, gia đình sử dụng điện?
Trong khi đó, báo cáo tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy và kiểm điểm kết quả sau 5 năm thực hiện Nghị định 83 quy định công tác cứu hộ, cứu nạn của lực lượng PCCC cho biết: Về tình hình cháy, 5 năm qua, toàn quốc xảy ra 17.055 vụ cháy (gồm 15.484 vụ cháy nhà dân, cơ sở, phương tiện giao thông và 1.571 vụ cháy rừng), làm chết 433 người, bị thương 790 người, thiệt hại tài sản ước tính trên 7 nghìn tỷ đồng và trên 7.500 ha rừng.
Xảy ra 149 vụ nổ, làm 64 người chết, 190 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính nhiều tỷ đồng.
Địa bàn xảy ra cháy chủ yếu ở thành thị chiếm khoảng trên 60%. Cháy và thiệt hại do cháy gây ra tập trung trong khu vực dân cư, nhà dân, kết hợp với sản xuất kinh doanh (chiếm trên 40% tổng số vụ cháy) và tại các cơ sở sản xuất, kho tàng (chiếm khoảng 30% tổng số vụ cháy), trong đó đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chủ yếu là do sự cố về hệ thống, sự cố về thiết bị điện, chiếm khoảng 45%.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an báo cáo đánh giá công tác phòng cháy, chữa cháy (ảnh VGP) |
Về tình hình công tác cứu nạn, cứu hộ: 5 năm qua, triển khai nhiệm vụ CNCH, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã điều động trên 235.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 30.000 lượt phương tiện tham gia tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với gần 18.000 vụ cháy, nổ, sự cố; trực tiếp cứu được 6.786 người, hướng dẫn thoát nạn được hàng chục nghìn người và tìm được 3.350 thi thể nạn nhân do đuối nước, cháy...
Đối với công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bảo đảm điều kiện an toàn, phòng, chống sự cố, tai nạn: Bộ Công an đã ban hành Kế hoạch chỉ đạo lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ mở 02 đợt cao điểm tuyên truyền, trong đó đã chỉ rõ các nhiệm vụ cần thực hiện và tổng kiểm tra an toàn phòng chống cháy nổ, cứu hộ, cứu nạn đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Đã tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các điều kiện bảo đảm an toàn về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trên 23 triệu lượt đối với hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh; vận động 2,8 triệu hộ gia đình chủ động tạo lối thoát nạn thứ hai, tự trang bị dụng cụ, phương tiện tại hộ gia đình phục vụ việc thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố, tai nạn xảy ra. Đã phát hiện trên 1.100.000 tồn tại, thiếu sót; xử phạt gần 50.000 trường hợp với tổng số tiền 520 tỷ đồng; tạm đình chỉ 1.368 trường hợp, đình chỉ 1.013 trường hợp. Qua kiểm tra đã hướng dẫn khắc phục những hạn chế, thiếu sót, góp phần loại trừ nhiều nguy cơ phát sinh cháy, nổ sự cố, tai nạn.
Hiện có 11 địa phương chưa công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức và người dân cùng tham gia giám sát gồm: Hải Phòng, Bình Phước, Kon Tum, Lạng Sơn, Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long, Ninh Bình, Trà Vinh, Lai Châu, Hà Giang (theo yêu cầu của Chính phủ phải thực hiện từ năm 2020).
Quán triệt mục tiêu kiềm chế sự gia tăng cả về số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn gây ra đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII; để thực hiện có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an xin đề xuất các nhiệm vụ như:
Thứ nhất, đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong công tác phòng cháy, chữa cháy phải xác định quan điểm: Lấy phòng ngừa là chính, phòng là xây, chữa là chống; lấy phòng là"cơ bản, chiến lược, lâu dài"; làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy và phương châm: Từng nhà an toàn - Từng khu phố an toàn - Từng xã, phường an toàn để xây dựng thế trận phòng cháy chữa cháy.
Đối với công tác chữa cháy phải xác định "thời điểm vàng" để chữa cháy, không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy cũng ở trong dân.
Đại diện các bộ, ngành tham dự hội nghị |
Thứ hai, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 630 và Quyết định số 1492 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, cụ thể:
Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ để sửa đổi, bổ sung ban hành mới, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại Việt Nam trong thời kỳ hiện nay. Sớm hoàn thành các quy chuẩn an toàn cháy đối với nhà ở riêng lẻ, các cơ sở kinh doanh đặc thù, nhạy cảm như karaoke, vũ trường, quán bar…
Bộ Công Thương khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về sử dụng điện để bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở, hộ gia đình để giảm thiểu các nguy cơ cháy, nổ, sự cố.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đưa việc phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn trong chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa trong các cơ sở giáo dục vào chương trình học năm 2022-2023.
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, bổ sung công việc phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nghiên cứu, đề xuất tăng mức phụ cấp đặc thù cho lực lượng.
Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sản phẩm điện theo quy định.
Ba là, đối với các bộ, ngành, địa phương chưa xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị định 83 của Chính phủ, đề nghị khẩn trương bám sát các quy định, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại Nghị định để cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ tại địa phương mình.
Bốn là, đề nghị Ủy ban nhân dân các địa phương khẩn trương ban hành các nghị quyết, chỉ thị về tăng cường chỉ đạo công tác phòng cháy, chữa cháy, có chế tài xem xét trách nhiệm đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan có chức năng quản lý về phòng cháy, chữa cháy nếu thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, kiên quyết thu hồi giấy phép, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của các cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, kể cả pháp luật hình sự đối với các cơ sở kinh doanh không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy cố tình hoạt động để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng; công khai các dự án, công trình vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trên phương tiện thông tin đại chúng để các cơ quan, tổ chức, người dân cùng tham gia giám sát; sớm tham mưu Hội đồng nhân dân ban hành Nghị quyết về mức chi ngân sách cho hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; mức chi hỗ trợ thường xuyên cho đội trưởng, đội phó đội dân phòng theo quy định; quan tâm chỉ đạo kiện toàn về nhân lực, cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị cho các lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là đối với các lực lượng dân phòng, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; chỉ đạo, giám sát các cơ sở phải thành lập đội phòng cháy chữa cháy chuyên ngành, đội phòng cháy chữa cháy cơ sở khẩn trương thành lập và tổ chức hoạt động hiệu quả, thực chất theo đúng quy định của pháp luật.
Toàn cảnh hội nghị |
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, sau hội nghị cần có sự chuyển biến thực chất trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn trên phạm vi toàn quốc. Thủ tướng đề nghị các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, thẳng thắn, tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đặc biệt là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc, làm rõ nguyên nhân (khách quan, chủ quan), rút ra những bài học kinh nghiệm, trong đó tập trung vào các vấn đề như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật; khâu tổ chức thực hiện và công tác quản lý Nhà nước; nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn; hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý vi phạm; tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn (nhất là về con người, công nghệ, trang thiết bị…) và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan.