Thứ sáu, 20/09/2024 - 02:30

Thừa Thiên Huế: Đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Bảo hiểm Xã hội tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Cục Thuế tỉnh phối hợp thực hiện đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Bảo hiểm Xã hội Thừa Thiên Huế cho biết, đến ngày 18/11/2022, trên địa bàn tỉnh có 412 doanh nghiệp chậm đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền gần 74 tỷ đồng.

Thừa Thiên Huế: Đôn đốc, thu hồi nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Vì vậy, cơ quan Bảo hiểm Xã hội đề nghị Cục Thuế tỉnh trong quá trình thực hiện công tác thanh kiểm tra về thuế yêu cầu đơn vị chuyển nộp kịp thời cho cơ quan bảo hiểm xã hội số tiền còn nợ và đưa nội dung yêu cầu đơn vị thực hiện chuyển nộp đầy đủ số tiền phát sinh hàng tháng và số tiền còn nợ cho bảo hiểm xã hội tỉnh vào kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế.

Đồng thời, hàng tháng, thông báo cho bảo hiểm xã hội tỉnh kết luận thanh tra, kiểm tra của cơ quan thuế đối với doanh nghiệp về lộ trình chuyển trả số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp nói trên.

Bảo hiểm Xã hội Thừa Thiên Huế cũng đề nghị Cục Thuế tỉnh chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, khu vực, TP. Huế phối hợp với bảo hiểm xã hội các huyện tăng cường công tác phối hợp đối chiếu dữ liệu và công tác thanh kiểm tra tại các doanh nghiệp nhằm chấn chỉnh, xử lý các sai phạm trong công tác thu nộp tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị SDLĐ.

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã xử phạt hành chính hơn 140 triệu đồng đối với Công ty Cổ phần May mặc Triệu Phú (tại thị trấn Sịa, huyện Quảng Điền).

Cụ thể, Công ty Cổ phần May mặc Triệu Phú đã có nhiều vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính, công ty chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội với tổng số tiền 363.615.056 đồng. Trong đó, số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội là 360.643.576 đồng, số tiền chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp là 2.971.480 đồng.

Công ty Cổ phần May mặc Triệu Phú còn có hành vi đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. 28 người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định nhưng đơn vị không lập hồ sơ tham gia. Số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp phải đóng đối với 28 người lao động tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính là 80.958.853 đồng.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số: 3511/BHXH-TST, 3513/BHXH-TST gửi bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các giải pháp thực hiện, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế những tháng cuối năm 2022.

Trong đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề nghị Bảo hiểm Xã hội địa phương phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan Công an trong việc điều tra, xử lý đối với doanh nghiệp cố tình trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và các ngành chức năng để đề xuất UBND tỉnh các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, thu hồi số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại các doanh nghiệp nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động; tăng cường công tác tuyên truyền, đối thoại bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với chủ sử dụng lao động và người lao động…

Lượt xem: 29
Tác giả: Bảo Thoa
Tin liên quan