Thứ ba, 17/09/2024 - 03:02

Tiếp tục hoàn thiện dự thảo Danh mục nguồn nước dưới đất

Để có cơ sở ban hành Danh mục nguồn nước dưới đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có Văn bản số 4116/BTNMT-TNN gửi các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đơn vị có liên quan về việc góp ý dự thảo Danh mục nguồn nước dưới đất.

Luật Tài nguyên nước số 28/2023/QH15 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. Theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 79 Luật Tài nguyên nước số 8/2023/QH15, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm ban hành Danh mục nguồn nước dưới đất.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Luật Tài nguyên nước 2023 thì Danh mục nguồn nước (trong đó bao gồm cả Danh mục nguồn nước dưới đất) là căn cứ để thực hiện nội dung quản lý, điều tra cơ bản, quy hoạch, bảo vệ, điều hòa, phân phối, phục hồi, phát triển, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục tác hại do nước gây ra theo lưu vực sông, nguồn nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương rà soát, tổng hợp và xây dựng hồ sơ Danh mục nguồn nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc.

Theo dự thảo, Danh mục nguồn nước dưới đất gồm 59 tầng chứa nước (9 tầng chứa nước lỗ hổng, 5 tầng chứa nước khe nứt - lỗ hổng, 33 tầng chứa nước khe nứt và 12 tầng chứa nước trong các thành tạo karst). Danh mục nguồn nước dưới đất phân chia theo lưu vực sông liên tỉnh; danh mục nguồn nước dưới đất phân chia theo vùng kinh tế - xã hội; danh mục nguồn nước dưới đất phân chia theo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Để có cơ sở ban hành Danh mục nguồn nước dưới đất phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và các địa phương, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị các cơ quan góp ý kiến bằng văn bản đối với dự thảo Danh mục nguồn nước dưới đất trước ngày 15/7/2024 để tổng hợp ý kiến và tiếp tục hoàn thiện dự thảo Danh mục trước khi ban hành theo thẩm quyền.

Để triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 274/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai thi hành Luật Tài nguyên nước 2023. Theo đó, việc thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý lý tài nguyên nước chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng Chiến lược tài nguyên nước quốc gia trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2025; Xây dựng, trình Bộ trưởng công bố kịch bản nguồn nước trên lưu vực sông thuộc danh mục lưu vực sông liên tỉnh phải lập quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh.

Cục Quản lý tài nguyên nước xây dựng, vận hành mạng quan trắc tài nguyên nước đối với các nguồn nước mặt liên tỉnh, nguồn nước mặt liên quốc gia, nguồn nước dưới đất theo quy định tại Điều 51 của Luật Tài nguyên nước và Mục 2 Chương VI của Nghị định số 53/2024/NĐ-CP ngày 16/5/2024 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; xây dựng nhiệm vụ thực hiện điều tra, lập danh mục nguồn nước dưới đất trình Bộ trưởng phê duyệt; điều tra, đánh giá tình hình suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước và lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm cần phục hồi trên các lưu vực sông trình Bộ trưởng phê duyệt; rà soát danh mục các đập, hồ chứa phải vận hành theo quy trình vận hành liên hồ chứa và tổ chức xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trình Bộ trưởng xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường giao Cục Quản lý tài nguyên nước triển khai thực hiện việc kiểm kê tài nguyên nước theo quy định; Điều tra, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp đối với hồ, ao, đầm, phá thuộc nguồn nước mặt liên tỉnh trình Bộ trưởng phê duyệt; đôn đốc và tổ chức thẩm định, trình Bộ cấp giấy phép khai thác tài nguyên nước đối với các công trình thủy lợi đã khai thác và xây dựng trước ngày 1/1/2013 mà chưa có giấy phép trước ngày Luật Tài nguyên nước năm 2023 có hiệu lực thi hành; thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước và các nhiệm vụ khác theo phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Để Luật Tài nguyên nước năm 2023 đi vào cuộc sống, trong tháng 5/2024, Chính phủ đã liên tiếp ban hành 2 Nghị định hướng dẫn quan trọng. Đó là Nghị định số 53/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước và Nghị định số 54/2024/NĐ-CP quy định việc hành nghề khoan nước dưới đất, kê khai, đăng ký, cấp phép, dịch vụ tài nguyên nước và tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành 3 Thông tư quy định chi tiết thi hành Luật (Thông tư số 03/2024/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Thông tư số 04/2024/TT-BTNMT quy định việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về tài nguyên nước và thẩm định, nghiệm thu kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước; Thông tư số 05/2024/TT-BTNMT quy định việc di chuyển, thay đổi vị trí, giải thể trạm quan trắc tài nguyên nước dưới đất).../.

Nguyễn Hồng Điệp

Lượt xem: 10
Tác giả: Nguyễn Thị Hồng Điệp
Nguồn:TTXVN Sao chép liên kết
Tin liên quan