Thứ hai, 05/05/2025 - 20:26

TPHCM sẽ chuyển trụ sở dôi dư thành trường học, bệnh viện

Các trụ sở dôi dư sau sáp nhập, tinh gọn bộ máy sẽ được TPHCM ưu tiên chuyển đổi công năng, sử dụng làm cơ sở giáo dục và y tế, đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân.

TPHCM sẽ chuyển trụ sở dôi dư thành trường học, bệnh viện

Trụ sở UBND Quận 9 cũ (nay là TP Thủ Đức) bỏ hoang hơn 4 năm qua. Ảnh: Minh Quân

Trụ sở công bỏ hoang, thiếu trường học, bệnh viện

Năm 2021, thực hiện Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, TPHCM đã thành lập TP Thủ Đức và tiến hành sáp nhập 19 phường thuộc các quận 2, 3, 4, 5, 10, Phú Nhuận thành 9 phường. Tuy nhiên, sau 4 năm, vẫn còn 75 trụ sở công đang bị bỏ trống, gây lãng phí.

Điều đáng nói là dù hàng chục trụ sở công đang bỏ không, TPHCM vẫn đang thiếu trầm trọng trường học và bệnh viện.

Quận 12, được tách ra từ huyện Hóc Môn từ năm 1997, hiện có gần 800.000 dân với tốc độ đô thị hóa nhanh.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chánh Văn phòng UBND quận 12 - cho biết, đến năm 2030, quận dự kiến có hơn 129.000 học sinh. Để đáp ứng nhu cầu học hai buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới, địa phương cần tới 3.761 phòng học. Trong đó, trước mắt cần xây thêm 705 phòng và từ nay đến năm 2030 phải bổ sung thêm 468 phòng.

Dù nhu cầu cấp bách, quỹ đất lại là bài toán nan giải. Do đó, Quận 12 đã kiến nghị thành phố thu hồi nhiều khu đất công có diện tích hàng chục nghìn mét vuông hiện đang bỏ trống hoặc hết thời hạn sử dụng để chuyển sang xây dựng trường học.

Không chỉ ngành giáo dục, y tế TPHCM cũng đang oằn mình trước tình trạng quá tải. Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TPHCM, được xây dựng từ năm 1985 với 500 giường bệnh, hiện đã quá tải trầm trọng. Sau gần 40 năm hoạt động, số lượt bệnh nhân nhập viện đã tăng gấp 680 lần, còn lượt khám ngoại trú cũng tăng hơn 660 lần.

Mặc dù thành phố từng có kế hoạch xây mới bệnh viện tại huyện Bình Chánh với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), nhưng sau 15 năm "giẫm chân tại chỗ", dự án đã chính thức bị dừng.
Tình trạng xuống cấp cũng đang diễn ra tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM - nơi được mệnh danh là “bệnh viện xấu nhất thành phố”. Cơ sở chính tại Quận 5 chỉ có 50 giường nội trú, trên diện tích vỏn vẹn 1.700m². Hai cơ sở khác tại huyện Bình Chánh và quận Phú Nhuận cũng chật hẹp, xuống cấp, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả điều trị.

Trụ sở công dôi dư sẽ thành trường học, bệnh viện

Hiện TPHCM có 22 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 16 quận, 1 thành phố và 5 huyện) và 273 đơn vị hành chính cấp xã (210 phường, 5 thị trấn, 58 xã). Trong thời gian tới, thành phố sẽ bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã, giảm xuống còn 102 phường, xã.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Được cho biết, trong bối cảnh thiếu trường học và bệnh viện, các trụ sở dôi dư sẽ được ưu tiên chuyển đổi thành cơ sở y tế, giáo dục cấp phường, xã, phục vụ trực tiếp cho người dân.

Ông Đỗ Đăng Ái - Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM - thông tin, thành phố đã chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ nhà, đất công. Những trụ sở không còn sử dụng sẽ được ưu tiên bố trí cho các cơ quan, đơn vị mới thành lập. Trường hợp vẫn còn dôi dư, thành phố sẽ giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường) tổ chức đấu giá, cho thuê hoặc giao Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng (thuộc Sở Xây dựng) quản lý, khai thác theo quy định.

Việc xử lý trụ sở dôi dư sau sắp xếp được UBND TPHCM nhận diện sẽ gặp nhiều khó khăn. Một số trụ sở có thể đưa ra đấu giá, nhưng gặp vướng mắc trong việc kêu gọi doanh nghiệp đầu tư do phải thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và đảm bảo phù hợp quy hoạch. Một số cơ sở hạ tầng như trụ sở, trạm y tế... dôi dư khó được giải quyết hợp lý, gây lãng phí, trong khi nhiều nơi khác vẫn cần đầu tư mới với kinh phí lớn.

Theo TS Phạm Viết Thuận - Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TPHCM - việc chuyển đổi các trụ sở công thành trường học, công viên, nhà văn hóa là hướng đi đúng đắn, đảm bảo lợi ích công cộng. Ông Thuận đề xuất thành lập một Ban chỉ đạo chuyên trách, có nhiệm vụ đánh giá tiến độ xử lý từng trụ sở dôi dư theo tháng, quý và phân nhóm rõ ràng để giải quyết dứt điểm các vướng mắc.

Đồng quan điểm, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, việc chuyển đổi công năng các trụ sở công sau sáp nhập để làm trường học là hoàn toàn hợp lý.

“Nơi dân cư đông đúc mà thiếu trường học thì cần tận dụng quỹ đất công sẵn có, tránh tình trạng đầu tư mới trong khi tài sản công thì để hoang. Đây là cách sử dụng hiệu quả tài sản của xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân” - ông Thắng nói.

Lượt xem: 7
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật