Thứ bảy, 27/07/2024 - 09:52

TS. Lê Đăng Doanh đánh giá cao Bộ Công Thương trong điều hành giá xăng dầu

Việc điều chỉnh giá xăng dầu sớm 2 ngày so với quy định cho thấy Bộ Công Thương đã rất linh hoạt trong công tác điều hành giá xăng dầu.

Đó là nhận định của chuyên gia kinh tế, TS Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sau kỳ điều hành xăng dầu ngày 30/1/2023.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh
Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh

Thay vì điều hành giá xăng dầu vào ngày 1/2/2023, 19 giờ ngày 30/1/2023, Bộ Công Thương đã chủ động xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến. Ông nhìn nhận như thế nào về nỗ lực này của Bộ Công Thương trong bối cảnh nhiều cây xăng đóng cửa thời gian qua vì kinh doanh thua lỗ?

Như tôi đã từng chia sẻ, thị trường xăng dầu thế giới điều chỉnh theo ngày, tại Việt Nam, do nhiều yếu tố tác động nên chúng ta chưa thể điều hành giá xăng dầu theo ngày được. Tuy nhiên, nếu chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu cách quá xa biến động giá dầu trên thị trường thế giới thì khi điều hành sẽ không theo kịp với các biến động từng giờ, rất khó dự đoán của giá thị trường thế giới, điều đó sẽ gây ra những bất lợi cho quản lý mặt hàng xăng dầu và hoạt động nhập khẩu, điều chỉnh giá mặt hàng này phù hợp với biến động trên thị trường thế giới.

Để hạn chế những tác động đó đến thị trường, việc Bộ Công Thương ngay trong những ngày nghỉ Tết đã chỉ đạo các đơn vị chức năng, có văn bản trình Chính phủ cho phép điều chỉnh giá xăng dầu vào 19 giờ ngày 30/1/2023 thay cho thời điểm vào ngày 1/2/2023, tức là sớm hơn 2 ngày đã cho thấy sự chủ động, linh hoạt của Bộ Công Thương trong việc điều hành giá xăng dầu.

Theo ông, việc điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn 2 ngày so với quy định sẽ có tác động như thế nào đối với doanh nghiệp và nền kinh tế trong bối cảnh hiện nay?

Việc điều hành thị trường xăng dầu theo hướng chủ động, linh hoạt của Bộ Công Thương sẽ đem lại những tác động tích cực đối với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nói riêng, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung.

Bởi nếu điều hành giá xăng dầu phù hợp sẽ đem lại những ưu điểm rõ rệt, giúp chấm dứt tình trạng nhiều doanh nghiệp xăng dầu dừng bán hàng để chờ tăng giá như đã từng xảy ra tại một số địa phương trên cả nước.

Đặc biệt, nếu hiện tượng doanh nghiệp xăng dầu dừng bán hàng chờ tăng giá xảy ra sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Nhiều doanh nghiệp sẽ không có xăng để hoạt động vận tải và vật tư không đến được với những doanh nghiệp đang có nhu cầu, hay hàng hóa doanh nghiệp sản xuất ra không thể vận chuyển đến bến cảng để xuất khẩu hay đến người tiêu dùng, điều đó sẽ ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng lưu thông của nền kinh tế.

Do đó, việc tiếp tục điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng linh hoạt, nhạy bén rất cần được áp dụng và thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Giá xăng dầu bán lẻ trong kỳ điều hành ngày mai (3/1) được dự báo tăng do giá xăng dầu thế giới và thuế bảo vệ môi trường với xăng tăng.
Bộ Công Thương đã chủ động xin ý kiến Chính phủ điều chỉnh giá xăng dầu sớm hơn 2 ngày so với dự kiến

Bên cạnh việc điều chỉnh giá xăng sớm 2 ngày, cơ quan điều hành đã nhất trí chi Quỹ Bình ổn nên giá xăng đã tăng thấp hơn 1.000 đồng so với dự báo ban đầu. Ông có đánh giá gì về việc linh hoạt trong sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu thời gian qua?

Thời gian qua, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã có phát huy tác động, kiềm chế sự tăng giá mạnh của mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp. Cụ thể như lần điều chỉnh ngày 30/1 vừa qua, nhiều dự báo cho rằng giá xăng có thể tăng lên 2.000 đồng một lít, với mức tăng này, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ đối mặt với những thách thức, nhưng nhờ sử dụng Quỹ Bình ổn mà chỉ tăng gần1.000 đồng.

Điều đó sẽ tạo ra những tác động tích cực đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Khi mà cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn và nền kinh tế năm 2023 dự báo tăng trưởng đối mặt với nhiều thách thức.

Tuy nhiên, theo tôi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đã được sử dụng đến giới hạn của nó, và sắp tới đây cần xem xét Quỹ Bình ổn phát huy tác động đến đâu để có phương án sử dụng nó phù hợp với cơ chế thị trường, phù hợp với những cơ chế cải cách mà Việt Nam đang thực hiện.

Ngay trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường đã ra quân xử lý nghiêm tình trạng một số cây xăng dừng bán hàng. Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của B Công Thương trong việc kiểm tra, kiểm soát thị trường xăng dầu?

Theo tôi nhận thấy, thời gian qua Bộ Công Thương đã rất nỗ lực trong điều hành thị trường xăng dầu, tôi hoan nghênh những nỗ lực đó của Bộ Công Thương, bởi ngay cả ngày Tết Nguyên đán, các cơ quan của Bộ vẫn theo sát biến động và có những quyết định sớm hơn thông lệ nhằm ổn định thị trường xăng dầu. Đó được coi là điển hình của điều hành kinh tế theo sát và kịp thời của biến động thị trường.

Việc quản lý kịp thời, nhắc nhở những cây xăng vi phạm và xử phạt những cây xăng dừng bán hàng sẽ giúp doanh nghiệp xăng dầu có ý thức hơn trong việc tuân thủ tốt hơn những quy định đề ra, từ đó tạo sự ổn định cho thị trường xăng dầu và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế.

Xin cảm ơn ông!

Lượt xem: 21
Tác giả: Nguyễn Hoà (thực hiện)
Tin liên quan