Thứ bảy, 27/07/2024 - 15:48

Học sinh nên được sử dụng tiền lì xì như thế nào?

Nhiều học sinh được cha mẹ cho phép toàn quyền quyết định việc sử dụng tiền mừng tuổi. Đây được xem là cơ hội để các em học về quản lý tài chính, chi tiêu. 

Học sinh nên được sử dụng tiền lì xì như thế nào?

Học sinh Hà Nội được giáo viên lì xì vào ngày đầu đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ảnh: Minh Hà

Học sinh lên kế hoạch chi tiêu tiền mừng tuổi

Kết thúc ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán 2023, Như Quỳnh - học sinh lớp 10, Trường THPT Đông Sơn 2 (Thanh Hoá) - ngồi tính toán số tiền mừng tuổi năm nay. Em nhẹ nhàng mở từng phong bao lì xì, cẩn thận phân chia các mệnh giá tiền và xếp ngay ngắn. Khuôn mặt cô nữ sinh ánh lên niềm vui mừng, háo hức.

Số tiền mừng tuổi năm nay, Như Quỳnh sẽ chia làm 3 phần, 2 phần để đóng học phí, 1 phần để mua đồ dùng học tập.

Nhiều học sinh háo hức khi được toàn quyền quyết định sẽ chi tiêu tiền mừng tuổi như thế nào. Ảnh: Vân Hà

Nhiều học sinh háo hức khi được toàn quyền quyết định sẽ chi tiêu tiền mừng tuổi như thế nào. Ảnh: Vân Hà

"Số tiền đóng học phí, em sẽ gửi mẹ. Phần để mua đồ dùng học tập, em sẽ giữ và tự đi mua. Em tự tay chọn cho mình những món đồ yêu thích với hy vọng năm mới 2023, mình sẽ đạt nhiều may mắn, thành tích trong học tập" - Như Quỳnh chia sẻ.

Hoàng Tuệ Minh - học sinh lớp 8 tại Hà Nội - lại quyết định sử dụng tiền lì xì năm nay để đăng ký lớp học vẽ với hy vọng sẽ phát triển được năng khiếu của bản thân.

"Sau mỗi giờ học căng thẳng, em thường vẽ để giải toả, thư giãn. Vì vậy, em đã dành tiền lì xì năm nay đăng ký học vẽ. Phần còn lại, em sẽ dùng để mua màu, một số dụng cụ phục vụ cho việc học vẽ" - Tuệ Minh chia sẻ. 

Dạy con thông qua việc sử dụng tiền lì xì

Sau Tết, nhiều bậc phụ huynh khéo léo thu tiền lì xì của con vì cho rằng ,con còn nhỏ, chưa biết cách chi tiêu. Tuy nhiên, với gia đình chị Lê Thị Hạnh (Cầu Giấy, Hà Nội), con được toàn quyền sử dụng tiền mừng tuổi.

Theo bà mẹ trẻ, việc để con lên kế hoạch sử dụng tiền mừng tuổi như một cách thức giúp con tự lập hơn, học cách quản lý, chi tiêu đồng tiền từ việc nhỏ nhất.

"Con được lên kế hoạch chi tiêu nhưng dưới sự giám sát của cha mẹ. Với bạn bé, tôi hướng con tới một số việc làm như mua đồ dùng, sách vở... Còn với bạn lớn, con đã vào cấp 3 nên sẽ chủ động hơn trong việc chi tiêu. Con có thể dành tiền đầu tư cho việc học, hay 1 số dự án, hoạt động đầu tư sinh lời...." - chị Hạnh chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Hạnh, anh Nguyễn Văn Sơn (Thanh Hoá) nói rằng, việc sử dụng tiền sớm sẽ giúp con trẻ phát triển trí thông minh, khả năng tính toán, phục vụ cho cuộc sống sau này.

"Nếu con được làm quen với việc chi tiêu từ bé, sau này, khi dời xa vòng tay cha mẹ, con sẽ trở lên độc lập hơn, tự lo được cho cuộc sống của mình sau này" - anh Sơn nói.

Anh Sơn nhận định, việc dạy con tiếp nhận, quản lí, chi tiêu tiền mừng tuổi là rất quan trọng. Tuy nhiên, ở mỗi độ tuổi, trẻ sẽ có nhận thức khác nhau về giá trị của đồng tiền. Vì vậy, cha mẹ cần có hướng dẫn cụ thể đối với từng độ tuổi để giúp con hiểu và trân trọng giá trị đồng tiền. 

Lượt xem: 12
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan