Văn hóa đã trở thành trung tâm trong các chính sách phát triển của Hà Nội
Đối với Thủ đô thì văn hóa đã trở thành trung tâm trong chính sách phát triển. Thành phố sẽ chỉ đạo để có một đề án hoặc kế hoạch cụ thể về các thiết chế văn hóa, thể thao.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu giải trình |
Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã khẳng định như vậy khi đăng đàn trả lời các vấn đề cử tri quan tâm tại phiên giải trình của HĐND TP Hà Nội sáng nay (25/4), về đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố.
Theo Chủ tịch UBND TP, về cơ bản, 4 nhóm vấn đề cử tri quan tâm đã được các Sở, ban, ngành thành phố và các đồng chí lãnh đạo UBND TP trực tiếp báo cáo, trả lời khá đầy đủ, chi tiết. Đặc biệt một số đồng chí đã thể hiện cam kết lộ trình giải quyết khắc phục.
Đối với những vấn đề các vị đại biểu HĐND TP trao đổi trực tiếp nhưng cần có thời gian rà soát để cung cấp những số liệu cụ thể, biện dẫn những quy định còn chưa thống nhất trong hệ thống cơ chế, chính sách vướng mắc, UBND TP sẽ chỉ đạo và yêu cầu các thành viên UBND TP nghiêm túc trả lời bằng văn bản, kịp thời gửi đến các vị đại biểu HĐND TP trong thời gian sớm nhất.
Chủ tịch UBND TP nêu rõ, trong những năm gần đây, Hà Nội đã luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và có những chủ trương, chính sách để xây dựng đời sống văn hóa, trong đó có xây dựng phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.
Trên cơ sở các cơ chế thực hiện xã hội hoá của thành phố, hàng năm, các cấp, các ngành đã chủ động kêu gọi các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá, thể thao tham gia đầu tư các thiết chế văn hoá, thể thao nhằm đa dạng hoá các loại hình hoạt động, phục vụ nhu cầu của các tầng lớp Nhân dân, tiêu biểu như: Thành phố đang triển khai 45 dự án công viên và khu vui chơi 25.600 tỷ đồng; 44 dự án thể thao 9.824 tỷ. Trong giai đoạn 2021-2025 dự kiến triển khai thực hiện các dự án xã hội hóa: Nhà hát Opera và khu văn hóa đa năng Quảng An (tổng mức đầu tư 11.996 tỷ đồng), Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy (tổng mức đầu tư 4.968 tỷ đồng). Các rạp chiếu phim hiện đại trong các trung tâm thương mại.
Chủ tịch UBND TP chỉ rõ, một số quận, huyện có cách làm sáng tạo như: Quận Cầu Giấy xây dựng khá đồng bộ hệ thống thiết chế văn hóa từ quận đến tổ dân phố, đầu tư khu vui chơi giải trí cho trẻ em trong công viên Cầu Giấy, công viên Nghĩa Đô và 3 Trung tâm văn hóa thể thao phường. Quận Long Biên có 90% tổ dân phố có nhà văn hóa và đã có 57 điểm được lắp đặt một số dụng cụ thể thao cơ bản tại các nhà văn hóa, vườn hoa, khu công cộng theo hình thức mở để Nhân dân được tự do luyện tập vào tất cả thời gian.
Hầu hết diện tích đất xen, kẹt giáp ranh khu vực dân cư hoặc giáp các dự án đã được quận đầu tư để xây dựng vườn hoa, sân chơi vừa làm đẹp đô thị vừa quản lý đất đai, vệ sinh môi trường đồng thời là chỗ vui chơi, luyện tập cho Nhân dân. Tại quận Hoàn Kiếm, nhiều tổ dân phố không có nhà văn hóa nhưng quận đã vận dụng kết hợp với đình, đền làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Nhiều huyện mặc dù còn khó khăn nhưng đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng nhà văn hóa ở thôn như Đông Anh đạt 99,2%, Ứng Hòa đạt 97,9%, và rất nhiều sáng tạo khác từ cơ sở.
Nhấn mạnh các nguyên nhân chủ quan, khách quan đã được nhận diện rõ, Chủ tịch UBND TP yêu cầu các đơn vị phải có biện pháp xử lý gắn với trách nhiệm, lộ trình thực hiện ngay.
Trong đó, với dự án Công viên Kim Quy thì trách nhiệm UBND TP chậm trễ có lịch sử liên quan nhưng thời gian qua cơ bản các vướng mắc đã được tháo gỡ.
Với dự án công viên văn hóa thể thao vui chơi Đống Đa, Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch- Kiến trúc cùng các Sở, ngành, quận liên quan ở quận dứt điểm điều chỉnh quy hoạch xong trong hai tháng nữa…Với 40 công trình các nhà văn hóa còn lại, thành phố sẽ tổng hợp, xem xét cụ thể....
“Đối với Thủ đô thì văn hóa đã trở thành trung tâm trong chính sách phát triển của thành phố. Thành phố sẽ chỉ đạo để có 1 đề án hoặc kế hoạch cụ thể”
Chủ tịch UBND TP cũng nêu rõ, 6 giải pháp trọng tâm trong thời gian tới. Cụ thể: Theo tinh thần chỉ đạo Thủ tướng và thành phố các đơn vị phải rà soát, cập nhật quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung để xử lý dứt điểm khâu quy hoạch sớm nhất; Quan tâm dành quỹ đất cho các thiết chế văn hóa và thể thao; Dành nguồn lực từ đầu tư công, thực hiện chính sách xã hội hóa; Xây dựng các chính sách đặc thù xung quanh là con người; Bố trí ngân sách trong kế hoạch hàng năm để đầu tư xây dựng (bao gồm cả đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị, bồi dưỡng nghiệp vụ) và nâng cao chất lượng, hiệu quả, đa dạng hóa, tăng cường quy chế quản lý sau đầu tư .
“Nơi làm tốt thì nhân rộng mô hình. Việc đầu tư, quản lý có lộ trình cụ thể thì sẽ khai thác một cách hiệu quả”, Chủ tịch UBND TP nói.