Thứ tư, 15/01/2025 - 17:03

Bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ

Sáng ngày 8/12, tại Hà Nội, diễn ra hội thảo với chủ đề: Thực trạng và giải pháp phát triển kinh tế xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ.

Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ bao gồm 14 tỉnh, dân số khoảng 12,5 triệu người, trong đó hơn 7 triệu là người dân tộc thiểu số, chiếm trên 56% dân số của vùng và chiếm gần 50% số người dân tộc thiểu số của cả nước.

Bàn giải pháp phát triển kinh tế - xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ
Hội thảo thu hút sự quan tâm của các địa phương, chuyên gia, nhà khoa học, bộ ngành liên quan

Một số tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, chiếm trên 80% dân số như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Lạng Sơn, Điện Biên (trong đó tỉnh Cao Bằng có tới trên 92% dân số là người dân tộc thiểu số). Các dân tộc thiểu số có quy mô dân số lớn như: dân tộc Tày 1,565 triệu người, dân tộc Mông có 1,248 triệu người, dân tộc Thái có 1,134 triệu người...

Bên cạnh đó, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ còn là địa bàn có nhiều dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù, như: Dân tộc Cống, Mảng, Cờ Lao, Lô Lô, Pu Péo, Si La... Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng được thể hiện qua ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, ẩm thực, phong tục tập quán...

Sự phân bố dân cư vùng Trung du và miền núi Bắc bộ mang tính đặc thù của vùng núi cao, vùng sâu, vùng xa, địa hình bị chia cắt mạnh, mật độ dân cư thưa thớt; nhiều dân tộc thiểu số có quan hệ sắc tộc, dòng họ và một số đặc điểm chung về văn hóa với các dân tộc bên kia biên giới; đa số đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn có điều kiện đặc biệt khó khăn, kinh tế - xã hội có xuất phát điểm thấp, cơ sở hạ tầng yếu kém, giao thông đi lại vất vả, chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai; đời sống vật chất và tinh thần còn khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung của cả nước.

Đến nay, vùng Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước: Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững. Theo số liệu năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là 21,92%, cao nhất và khác biệt lớn so với các Vùng trên địa bàn cả nước.

Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; nơi ở không ổn định và có nguy cơ ảnh hưởng bởi thiên tai; phát triển nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; phát triển sản xuất đã có nhiều khởi sắc nhưng còn mang tính tự cung tự cấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; hàm lượng khoa học công nghệ trong sản xuất còn hạn chế... dẫn tới giá trị sản phẩm chưa cao.

Tính kết nối trong phát triển kinh tế - xã hội nội vùng và giữa vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với các vùng khác trên địa bàn cả nước còn yếu, dẫn đến một số sản phẩm sản xuất ra nhưng tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, Hội thảo này là cơ hội để các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ chia sẻ thực trạng và có những đề xuất đến cơ quan chức năng, nhằm thực hiện tốt hơn nữa công cuộc giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, hòa cùng với sự phát triển chung của cả nước đúng với tinh thần “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 
Lượt xem: 58
Tác giả: Thanh Tâm
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật