Thứ sáu, 22/11/2024 - 21:29

Cần những giải pháp phát huy nội lực, tự chủ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Hôm nay (5/6), tại TP.HCM diễn ra Diễn đàn kinh tế Việt Nam lần thứ 4 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, với chủ đề:“Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập kinh tế sâu rộng trong tình hình mới”.

Tham dự Diễn đàn có Thủ  tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và nhiều chuyên gia, diễn giả trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng: qua 35 năm đổi mới, quy mô kinh tế của Việt Nam đã tăng 12 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng 8,3 lần, tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế. Kinh tế Việt Nam cơ bản vẫn là thâm dụng vốn; vai trò của khoa học công nghệ đóng góp khiêm tốn, chỉ hơn 28,4%; năng lực công nghiệp ở mức thấp, nhập khẩu hầu hết công nghệ, thiết bị. Trong tình hình thế giới có nhiều biến động, thách thức, cần có những giải pháp phát huy nội lực, tự chủ, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Các phiên thảo luận tại diễn đàn tập trung vào những giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trong tình hình mới, đó là: Phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch COVID-19; Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản; Đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Theo nhiều đại biểu, đây là những vấn đề cơ bản nhất trong quản trị của doanh nghiệp, trong quản trị, điều hành đất nước.

Về phát triển chuỗi cung ứng lao động ổn định sau đại dịch, cần xem việc phát triển thị trường lao động là nền tảng, trụ cột của nền kinh tế; đảm bảo quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ và ổn định vì lợi ích chung của người lao động và người sử dụng lao động; coi trọng việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, điều chỉnh quan hệ cung-cầu thị trường lao động, việc làm phù hợp với các chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, nên tăng quy mô và cập nhật chương trình đào tạo, có cơ chế  khuyến khích trong việc đặt hàng, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao. 

Về chuyển đổi số, nhiều đại biểu cho rằng, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội lớn để đẩy mạnh hơn nữa đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Do đó cần có chính sách ưu tiên thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với các dự án đầu tư có công nghệ cao, khuyến khích chuyển giao công nghệ và thúc đẩy lan toả rộng rãi công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại; phân bổ hợp lý nguồn lực cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo hiệu quả, gắn với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh; nâng cao năng lực và tính chủ động của các địa phương, tăng cường liên kết giữa các địa phương, các vùng; hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo. đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp công nghiệp. hướng đến mô hình nhà máy thông minh.

Hiện nay, có nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng chưa xác định được cách chuyển đổi như thế nào.

Ông Trần Chí Dũng, Trưởng Ban Công nghệ và đổi mới sáng tạo Hiệp hội Logistic chia sẻ: “Đổi mới công nghệ là thách thức lớn nhất. Chúng tôi có làm khảo sát và 1 số doanh nghiệp cho biết họ chưa biết theo hướng nào, chưa tìm được công nghệ phù hợp với doanh nghiệp của mình và tương tác được với các doanh nghiệp khác xuyên suốt chuỗi cung ứng mà doanh nghiệp đang phục vụ. Đặc biệt là thiếu nhân lực có chất lượng để triển khai dự án đó”.

Về phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản, nhiều đại biểu cho rằng: sự tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu và sự tăng trưởng "nóng" của thị trường bất động sản thời gian gần đây tiềm ẩn một số rủi ro. Cụ thể là hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu; che giấu thông tin hoặc công bố thông tin sai lệch của doanh nghiệp phát hành trái phiếu; phát sinh rủi ro do hạn chế trong kiến thức pháp luật của một số nhà đầu tư cá nhân… Do vậy thời gian tới, cần có giải pháp kiểm soát thị trường này, hướng tới sự phát triển lành mạnh, minh bạch.

Tại diễn đàn, đại biểu cũng cho rằng, Việt Nam có nền kinh tế mở nhưng chưa thực sự mạnh trong một thế giới chuyển mạnh sang công nghệ cao. Thế giới đang cấu trúc lại nền kinh tế, đối với nền kinh tế mở mà chưa mạnh thì rất nhiều thách thức. Theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, cần định hướng khởi nghiệp là công nghệ số. Kinh tế số và công nghệ cao là giải pháp để đương đầu với những khó khăn, thách thức hiện nay.

“Nếu chúng ta chậm bơm vốn cho doanh nghiệp vì quá sợ lạm phát đều thể hiện khả năng lãng phí cơ hội. Tôi cho rằng trong hoàn cảnh không bình thường như hiện nay, tư duy và giải pháp hành động phải khác thường, không thể theo logic bình thường được. Đây là điều mà Việt Nam cần làm trong bối cảnh  hiện nay” - chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nói.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ Trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng để độc lập, tự chủ về kinh tế thì nền kinh tế phải có sức chống chịu tốt, phải có yếu tố nền tảng, cơ cấu hợp lý và cần có những giải pháp đột phá về thể chế.  

“Cần hoàn thiện về thể chế kinh tế thị  trường  xã hội chủ nghĩa, hình thành phát triển và vận hành hiệu quả, đồng bộ các thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đột phá về hạ tầng, trọng tâm là  hạ tầng có quy mô lớn,  kết nối tạo sức lan tỏa, tăng sức cạnh tranh nền kinh tế” - Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói./.

Lượt xem: 61
Tác giả: Lệ Hằng/VOV-TP.HCM
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật