Thứ năm, 19/09/2024 - 09:11

Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 686/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định, phạm vi, ranh giới quy hoạch của tỉnh Long An bao gồm phần lãnh thổ tỉnh Long An với tổng diện tích tự nhiên là 4.494,8km2.

Mục tiêu là trung tâm phát triển kinh tế năng động khu vực phía Nam

Mục tiêu phấn đấu của Long An đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam; Trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL); Kết nối chặt chẽ với TP HCM và vùng Đông Nam Bộ; Đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia.

Long An hình thành được các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; Thích ứng với biến đổi khí hậu; Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

6 tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế

Mục tiêu phấn đấu của Long An đến năm 2030 là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam

Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 61,8%; Khu vực dịch vụ khoảng 24,2%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5%.

Tầm nhìn đến năm 2050, Long An là tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu của cả nước, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL, có trình độ phát triển tương đương các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. "Một trung tâm, hai hành lang kinh tế, ba vùng kinh tế - xã hội, sáu trục động lực"

Long An phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 3%/năm thời kỳ 2021 - 2030; Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng tái tạo; Tập trung phát triển một số ngành công nghiệp chủ yếu như sản xuất kim loại và sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; Cơ khí chế tạo; Chế biến thực phẩm; Các sản phẩm điện tử; Hóa chất và sản phẩm hóa chất; Sản phẩm từ cao su và plastic; Dược phẩm; Dệt may; Năng lượng.

Đối với ngành dịch vụ, Long An phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có ngành dịch vụ phát triển ngang bằng với nhóm các tỉnh phát triển khá của vùng Đông Nam Bộ. Long An sẽ phát triển thương mại theo hướng văn minh, hiện đại; Phát triển dịch vụ logistics thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, đưa Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBCSL với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và thị trường Campuchia; Đầu mối xuất khẩu nông sản của vùng ĐBSCL.

Trong quy hoạch, Long An phân ra 3 vùng kinh tế - xã hội gồm vùng đô thị và công nghiệp: Bao gồm các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, một phần huyện Tân Trụ, TP Tân An, một phần huyện Thủ Thừa và huyện Châu Thành; Tập trung phát triển đô thị và công nghiệp tổng hợp, tạo thành hành lang phát triển đô thị trung tâm ở Bến Lức - Tân An và các đô thị công nghiệp ở các huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Cần Đước; Phát triển khu kinh tế ở các huyện Cần Giuộc, Cần Đước; Phát triển nông nghiệp ven đô, chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao tại huyện Châu Thành, Tân Trụ và TP Tân An.

Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch và kinh tế cửa khẩu: Bao gồm thị xã Kiến Tường và các huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, một phần huyện Thủ Thừa; Phát triển dịch vụ, công nghiệp tại khu kinh tế cửa khẩu; Phát triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan đặc trưng của vùng Đồng Tháp Mười, phấn đấu đưa thương hiệu du lịch Đồng Tháp Mười là thương hiệu quốc gia gắn kết chặt chẽ với du lịch của tỉnh; Phát triển thị xã Kiến Tường là trung tâm vùng Đồng Tháp Mười.

Vùng đệm sinh thái: Bao gồm huyện Đức Huệ, một phần huyện Thủ Thừa và một phần huyện Tân Trụ; Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dành quỹ đất hợp lý cho phát triển công nghiệp, đô thị sinh thái, khu trung chuyển nội tỉnh.

Sáu trục động lực kinh tế gồm: Trục động lực Vành đai 3 - Vành đai 4 (kết nối tỉnh Long An với vùng Đông Nam Bộ - TP HCM); trục động lực Quốc lộ 50B (kết nối TP HCM - Long An - Tiền Giang); Trục động lực song hành Quốc lộ 62 (kết nối TP Tân An - khu kinh tế cửa khẩu Long An - vùng Đồng Tháp Mười); Trục động lực Mỹ Quý Tây - Lương Hoà - Bình Chánh (kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây - vùng đô thị, công nghiệp ở huyện Bến Lức và TP HCM); Trục động lực Quốc lộ N1 (kết nối Long An với vùng ĐBSCL - vùng Đông Nam bộ - vùng Tây Nguyên); Trục động lực Đức Hòa (kết nối cửa khẩu Quốc gia Mỹ Quý Tây và các khu công nghiệp, đô thị vùng huyện Đức Hoà, Bến Lức với TP HCM).

Đến năm 2030, phương án quy hoạch các khu chức năng, Long An sẽ phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Long An tại thị xã Kiến Tường, các huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng; Xây dựng Khu kinh tế Long An tại huyện Cần Giuộc và huyện Cần Đước trở thành động lực tăng trưởng mới theo hướng hệ sinh thái công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và trung tâm logistics của tỉnh khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

Mục tiêu phát triển đến năm 2030, toàn tỉnh có 51 khu công nghiệp với tổng diện tích là 12.433ha; Quy hoạch mới 28 cụm công nghiệp với tổng diện tích là 1.808ha, tổng số các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 72 cụm với tổng diện tích là 3.989ha.

Lượt xem: 12
Tác giả: Hoàng Lân
Tin liên quan