Chủ nhật, 10/11/2024 - 11:11

Công nghiệp Đà Nẵng hướng tới kinh tế tuần hoàn. Bài 2: Sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo

Sản xuất sạch hơn và sử dụng năng lượng tái tạo đang là những giải pháp doanh nghiệp công nghiệp Đà Nẵng lựa chọn hướng đến sản xuất kinh tế tuần hoàn.

Sản xuất sạch hơn, kéo dài vòng đời sản phẩm

Thành phố Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho doanh nghiệp sản xuất. Cụ thể là mô hình thí điểm sản xuất sạch hơn trong công nghiệp với giải pháp "Cải tạo và lắp đặt hệ thống cấp hơi nhiều công đoạn" cho công ty TNHH Sức Trẻ (KCN Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng).

Công nghiệp Đà Nẵng hướng tới kinh tế tuần hoàn (Bài 2): Sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo

Sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giúp doanh nghiệp tăng năng suất, giảm thải ra môi trường, phát triển bền vững

Ông Lê Quang Hà – Giám đốc Công ty cho biết, từ nguồn hỗ trợ khuyến công quốc gia, Công ty đã đầu tư hệ thống cấp hơi nhiều công đoạn với kinh phí 1,83 tỷ đồng. Trong đó, khuyến công quốc gia hỗ trợ 500 triệu đồng, còn lại là vốn đối ứng của doanh nghiệp.

Sau khi đưa vào chạy thử và vận hành đã cho hiệu quả vượt trột, năng suất máy sấy tăng 14 – 15%, lượng hơi thất thoát giảm rõ rệt, lượng nhiên liệu giảm trung bình 1.080 tấn/năm.

Các hỗ trợ từ chương trình khuyến công quốc gia góp phần quan trọng vào việc giảm phát thải khí nhà kính do sản xuất công nghiệp, thực hiện mục tiêu "Đà Nẵng - thành phố môi trường".

Còn tại nhà máy giấy Bao bì Tân Long (KCN Hòa Khánh, thành phố Đà Nẵng), đơn vị thường xuyên đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tối đa lượng rác thải ra môi trường. Theo ông Hà Ngọc Thống – Giám đốc Công ty, khó khăn mà mỗi doanh nghiệp sản xuất hướng theo kinh tế tuần hoàn đó là tư duy đổi mới và công nghệ. Phải thay đổi tư duy sản xuất từ nền kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, và phải mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ. Với đầu vào là giấy đã qua sử dụng, nhà máy hiện đang nhập 50% nguyên liệu từ nước ngoài, 50% trong nước. “Tân Long thường xuyên thay đổi, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để sản phẩm vừa đạt chất lượng cao, vừa sản xuất sạch hơn, tăng tỷ lệ nguyên liệu trong nước, giảm thiểu lượng giấy thải trong nước”, ông Thống chia sẻ và cho biết thêm, hiện nay, mỗi ngày với khoảng 70 tấn giấy sản xuất thành phẩm, công ty chỉ thải ra trung bình là 1,5 tấn rác thải, chủ yếu là băng keo có thể tái sử dụng.

Còn Công ty TNHH MTV Công nghệ sinh học Minh Hồng là một trong những điển hình của doanh nghiệp áp dụng kinh tế tuần hoàn, kéo dài vòng đời của sản phẩm khi thu gom, sản xuất, biến chất thải hữu cơ thành nước rửa chén, nước giặt organic, nước lau sàn….

Công nghiệp Đà Nẵng hướng tới kinh tế tuần hoàn (Bài 2): Sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo

Nhà máy giấy bao bì Tân Long thường xuyên đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ để sản xuất sạch hơn

Sử dụng năng lượng tái tạo

Góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm phát thải nhà kính và phát triển bền vững, trong đề án phát triển điện mặt trời trên địa bàn thành phố đến năm 2025 tầm nhìn 2035, thành phố Đà Nẵng khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà. Đối với khu vực công nghiệp, thương mại – dịch vụ đến năm 2025, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời mái nhà sẽ đạt khoảng 80 MW, đến năm 2035 đạt khoảng gần 200 MW. Trong đó, tập trung phát triển điện mặt trời mái nhà tại các doanh nghiệp sản xuất trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhất là ở các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Trong các loại năng lượng tái tạo, thành phố Đà Nẵng có tiềm năng lớn ở năng lượng điện mặt trời. Tính đến hết năm 2020, toàn thành phố có 2.529 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà với tổng công suất lắp đặt 81,7 MWp.

Ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu Công nghiệp thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị được giao tập trung phát triển năng lượng điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao thành phố. Tuy nhiên, tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố còn khiêm tốn, đến cuối năm 2021 mới chỉ đạt khoảng 8% trong tổng số hơn 500 doanh nghiệp. Lý do bởi vì chưa có nhiều doanh nghiệp quan tâm đầu tư lắp đặt năng lượng tái tạo; hoặc chi phí hoặc nhận thức về sản xuất xanh, sản xuất sạch hơn của một số doanh nghiệp còn hạn chế.

Là một đơn vị sử dụng năng lượng trọng điểm, Công ty CP Cao su Đà Nẵng đã lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà tổng công suất hơn 5MW năm 2021, đáp ứng khoảng 25 – 30% nhu cầu sử dụng năng lượng phục vụ sản xuất của nhà máy. “Dự kiến đến năm 2025, đơn vị sẽ đầu tư để nâng công suất lên 15 MW, đáp ứng 70 – 80% năng lượng phục vụ sản xuất (điện mặt trời cung ứng trong thời gian ban ngày, buổi tối sử dụng nguồn điện của lưới điện quốc gia)”, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt – Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ.

Công nghiệp Đà Nẵng hướng tới kinh tế tuần hoàn (Bài 2): Sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng tái tạo

Thành phổ Đà Nẵng khuyến khích tăng tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời mái nhà tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố

Ông Nguyễn Thanh Phúc – Tổng Giám đốc Nhà máy bia Heineken Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng cho biết, Heineken Việt Nam đang vận hành theo nền kinh tế tuần hoàn, tại thành phố Đà Nẵng, nhà máy đã sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào toàn bộ quá trình nấu bia thay vì sử dụng dầu diesel. “Cam kết của Heineken Việt Nam chúng tôi theo đuổi 3 mục tiêu đầy tham vọng trong phát triển vững. Trong đó, có mục tiêu sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo trong các hoạt động sản xuất vào năm 2025”, ông Phúc khẳng định.

“Ngoài khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp và khu công nghệ cao lắp đặt điện mặt trời mái nhà, trong thời gian tới, Ban quản lý các khu công nghiệp và khu công nghệ cao thành phố sẽ phối hợp với các nhà đầu tư xem xét khả năng đầu tư điện mặt trời mái nhà ngay khi thi công để tăng tỷ lệ lắp đặt điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp và khu công nghệ cao”, ông Phạm Trường Sơn – Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng thông tin.

Trong đề án “Xây dựng Đà Nẵng – thành phố môi trường” giai đoạn 2021 – 2030, ngành Công Thương Đà Nẵng đóng vai trò chính trong thực hiện các mục tiêu về xây dựng khu công nghiệp sinh thái; giảm phát thải nhà kính thông qua thúc đẩy các dự án năng lượng tái tạo, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

Trong đó, Sở Công Thương thành phố sẽ hỗ trợ các mô hình cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm xây dựng mô hình quản lý theo tiêu chuẩn ISO 50001:2018; triển khai các giải pháp sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; lập kế hoạch thực hiện lộ trình di dời các cơ sở sản xuất ở các làng nghề vào các cụm công nghiệp có hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu (làng nghề bánh tráng Túy Loan, làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, làng chiếu Cẩm Nê…). Để thực hiện được các hoạt động này, thành phố dự định huy động 675 tỷ đồng, trong đó, 650 tỷ đồng đến từ xã hội hóa.

 
Lượt xem: 74
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật