Đón đầu cơ hội phát triển ngành công nghiệp hydrogen xanh
Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh với những mục tiêu chiến lược và cam kết quốc tế rất cao trong đó tập trung phát triển nền công nghiệp về chuyển đổi năng lượng.
“Xanh hóa” nguồn năng lượng
Biến đổi khí hậu đã tác động tiêu cực lên nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, Việt Nam là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu, với những biểu hiện, như: Lũ lụt bất thường, hạn hán, nước biển dâng, hiện tượng thời tiết cực đoan, nhiệt độ tăng cao... Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh việc tập trung phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sản xuất các thiết bị trong nước…
Điều này được cụ thể hóa bằng chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan đến năm 2030, Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải.
Về lĩnh vực năng lượng, Chính phủ Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) theo hướng khai thác tối đa và hợp lý nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp trong nước cho sản xuất điện như nguồn khí tự nhiên, năng lượng tái tạo; Giảm tối đa các nhà máy nhiệt điện than, không phát triển thêm nhà máy nhiệt điện than mới sau năm 2030.
Phát triển nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng là một trong những nhiệm vụ quan trọng |
Bên cạnh các nguồn năng lượng sạch khác, Hydrogen xanh được đánh giá một nguồn nhiên liệu sạch được sản xuất từ công nghệ điện phân nước sử dụng năng lượng tái tạo - sẽ góp phần hướng đến mục tiêu giảm phát thải và phát triển kinh tế. Hydrogen xanh dự kiến sẽ sử dụng trong các ngành công nghiệp vốn sử dụng nhiên liệu hydrogen xám hoặc lam như: dầu khí, hóa chất, công nghiệp sản xuất thép và đặc biệt là giao thông vận tải.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, sản xuất hydrogen xanh nội địa được xem là một trong những giải pháp quan trọng của quá trình chuyển dịch năng lượng. Hydrogen xanh sẽ góp phần đa dạng hóa nguồn năng lượng, giúp gia tăng độ linh hoạt của hệ thống điện, đồng thời có triển vọng cung cấp nhiên liệu trong sản xuất công nghiệp và vận tải.
Phát triển hydrogen được đề cập đến trong một vài chính sách như Quyết định số 1658/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 888/QĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Các chính sách được hình thành theo Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu giảm phát thải của ngành năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp và các ngành khác vào năm 2050 sẽ hình thành nhu cầu tiêu thụ hydrogen xanh và tạo động lực để phát triển ngành công nghiệp này ở Việt Nam.
Triền vọng cho hydrogen xanh tại Việt Nam
Trong tương lai, hydrogen sẽ là nguồn năng lượng sạch đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng toàn cầu và là giải pháp không thể thiếu trong chuyển dịch năng lượng và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam là quốc gia được đánh giá có tiềm năng ứng dụng sản xuất hydrogen từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Nhà máy sản xuất hydrogen xanh đầu tiên sẽ đặt tại tỉnh Bến Tre có tổng vốn đầu tư 19.500 tỷ đồng, dự kiến vận hành chạy thử vào quý I/2024 |
Ông Đặng Thanh Tùng, Ban Chiến lược, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, nhu cầu hydrogen năm 2050 dự báo sẽ tăng 10 lần so với năm 2025 lên 78 EJ, 1 EJ tương đương 7 triệu tấn hydro. Ứng dụng hydrogen ở quy mô này sẽ tạo ra doanh thu khoảng 2.500 tỷ USD/năm, 30 triệu việc làm.
Giá điện và chi phí đầu tư hệ thống điện phân nước chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản xuất hydrogen từ năng lượng tái tạo. Dự báo, giá thành sản xuất hydrogen xanh đến năm 2030 sẽ giảm mạnh (khoảng hơn 50%) do giá điện, chi phí đầu tư sẽ giảm mạnh. Ngoài ra, các yếu tố khác như hiệu suất, tuổi thọ thiết bị, số giờ vận hành tăng lên sẽ góp phần giảm giá thành sản xuất.
Theo đó, giá hydrogen xanh có thể giảm xuống 2 USD/kg vào năm 2030 và 1 USD/kg vào năm 2050 và có thể cạnh tranh được hydro truyền thống, khí tự nhiên. Giá hydro có thể thấp hơn ở các nước có nguồn điện tái tạo rẻ.
Đón đầu xu thế phát triển năng lượng sạch, tại tỉnh Trà Vinh, tập đoàn The Green Solutions hiện đang tiến hành triển khai dự án Nhà máy sản xuất khí hydrogen xanh Trà Vinh tại xã Đông Hải, huyện Duyên Hải theo công nghệ điện phân kiềm. Nguyên liệu đầu vào của dự án là điện năng tiêu thụ 4.940MWh/ngày; lượng nước tiêu thụ 3.000m3 H20/ngày. Sản phẩm đầu ra của dự án nhằm phục vụ nhu cầu nội địa và xuất khẩu tới Nhật, Hàn Quốc, Singapore và Châu Âu.
Còn nhà máy sản xuất hydro xanh Bến Tre do Công ty TNHH TGS Green Hydrogen (thành viên Tập đoàn The Green Solutions) làm chủ đầu tư, được xây dựng tại xã Bảo Thuận, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Theo công bố, dự án sẽ được khởi công cuối tháng 6/2022 và bắt đầu chạy thử vào quý I/2024. Dự án có tổng vốn đầu tư lên tới 19.500 tỷ đồng. Nếu đúng tiến độ, đây sẽ là nhà máy hydrogen xanh đầu tiên tại Việt Nam.
Còn mới đây, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng điện 2 (PECC2) và các đối tác đã có đề xuất triển khai siêu dự án sản xuất điện tái tạo và hydro ở Quảng Trị với quy mô 7,5 tỷ USD, chia thành 3 giai đoạn. Dự án được kỳ vọng trở thành trung tâm năng lượng của miền Trung.