Thứ năm, 05/12/2024 - 01:13

Hà Nội: phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, kích cầu tiêu dùng

Ngành công thương Hà Nội triển khai nhiều giải pháp để hướng đến phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng thương mại Thủ đô

Huyện Thanh Trì có 22 chợ, trong đó có hai chợ hạng một; 20 chợ hạng ba; hai chợ tạm tại thôn Tả Thanh Oai, xã Tả Thanh Oai và thôn Triều Khúc, xã Tân Triều đang hoạt động. Thời gian qua, công tác quản lý hoạt động chợ có chuyển biến tích cực. Các xã, thị trấn thường xuyên tổ chức giải tỏa các điểm bán hàng rong không đảm bảo quy định; xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ hoạt động tại các chợ về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy, tuyên truyền, vận động người dân kinh doanh đúng nơi quy định...

Hà Nội: phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, kích cầu tiêu dùng
Tổ hợp Lotte Mall Tây Hồ tọa lạc tại đường Võ Chí Công thuộc quận Tây Hồ, Hà Nội

Nhờ đó, đến năm 2023, huyện đã có năm chợ đạt tiêu chí chợ văn minh thương mại, an toàn thực phẩm. Việc hình thành mạng lưới thương mại đã góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động.

Một số chợ kinh doanh tốt, số người buôn bán trong chợ tăng lên so với các năm trước đây, như chợ Quỳnh Đô, Thanh Liệt, Cầu Bươu..., làm tăng mức lưu chuyển hàng hóa, tăng thu cho ngân sách địa phương, góp phần tích cực trong phát triển thương mại dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Trong kế hoạch kế hoạch thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024-2025, huyện Thanh Trì đầu tư xây dựng mới ba chợ, gồm chợ Triều Khúc tại thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, chợ Nội Am tại xã Liên Ninh và chợ Huỳnh Cung tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp.

Theo đại diện UBND huyện Thanh Trì, cả ba chợ nằm trong kế hoạch đầu tư xây dựng mới đều huy động xã hội hóa. Địa điểm, diện tích dự kiến, nguồn vốn đầu tư, quy mô đầu tư, tiến độ thời gian, nguồn gốc đất đai... đã được xác định cụ thể, rõ ràng. Thời gian tới, UBND huyện sẽ tập trung hoàn thành kế hoạch phát triển chợ đúng tiến độ, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; bảo đảm thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.

Đề cập đến việc cải tạo hệ thống chợ, ông Hà Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa (Hà Nội) - cho biết, quận đã ban hành kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn giai đoạn 2021-2025. Quận Đống Đa phấn đấu đến hết năm 2025, 100% các chợ trên địa bàn được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng, nội quy hoạt động, phương án bố trí, sắp xếp ngành hàng. Quận Đống Đa phấn đấu 100% các chợ sẽ được xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa, bảo đảm tiêu chuẩn chợ an toàn thực phẩm theo quy định, đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy. Trong giai đoạn 2021-2025, quận đầu tư xây dựng mới lại 3 chợ đã được TP. Hà Nội phê duyệt gồm chợ Ngã Tư Sở, Kim Liên, Khâm Thiên.

Xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh

Hiện nay, trên địa bàn Thành phố có 455 chợ, trong đó có: 15 chợ hạng 1, 59 chợ hạng 2, 350 chợ hạng 3, 31 chợ chưa phân hạng. Trong đó, có 02 chợ đầu mối (gồm: Chợ đầu mối Minh Khai; Chợ đầu mối phía Nam) và 05 chợ đang hoạt động có tính chất đầu mối.

Hà Nội: phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại, kích cầu tiêu dùng
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại chợ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước về chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, từ đầu năm đến nay, ngành Công Thương Hà Nội đã tiếp tục phối hợp, đôn đôn đốc các quận, huyện, thị xã trong công tác phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2024; Góp ý hoàn thiện Dự thảo Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo chợ; rà soát các dự án xây mới, cải tạo chợ trên địa bàn Thành phố;….

Phối hợp với các huyện: Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng về việc rà soát, đánh giá các tiêu chí xây dựng huyện thành Quận; Phối hợp với các Sở, ngành cho ý kiến tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện đầu tư, xây dựng cải tạo các chợ: Chợ Ngã Tư Sở (quận Đống Đa); chợ Trát Cầu, chợ Kệ, chợ Vồi (huyện Thường Tín);…

Về khảo sát, nghiên cứu khả thi dự án xây dựng chợ đầu mối quốc tế nông sản tại thành phố Hà Nội, trên cơ sở kết quả nghiên cứu khả thi dự án, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan, triển khai công tác kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo quy định.

Về trung tâm thương mại, siêu thị, Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố. Tiếp nhận hồ sơ, chấp thuận phân hạng và phê duyệt nội quy hoạt động đối với 05 siêu thị theo đề nghị của doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Kết quả, có 06 chợ đã hoàn thành công tác đầu tư xây dựng đã được phân hạng và đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị phân hạng; 2 chợ đang hoàn thiện nốt hạng mục công trình; 03 chợ đang thi công xây dựng; 05 chợ đang giải phóng mặt bằng; 15 chợ đã hoàn thành thủ tục đầu tư chuẩn bị đầu tư năm 2024 hoàn thành năm 2025; Các chợ còn lại đang trong giai đoạn: hoàn thành báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; báo cáo thông qua HĐND; nghiên cứu xây dựng phương án đầu tư, cân đối ngân sách…

Có 18 chợ đã hoàn thành tải tạo, nâng cấp; 06 chợ đang trong giai đoạn thi công; 06 chợ chuẩn bị khởi công, dự kiến hoàn thành năm 2024; 14 chợ chuẩn bị đầu tư dự kiến khởi công và hoàn thành năm 2025; 09 chợ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến khởi công năm 2025; Các chợ còn lại đang trong giai đoạn thẩm định, hoàn thiện báo cáo đầu tư, cân đối ngân sách.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hệ thống bán lẻ của Hà Nội hiện nay vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Hầu hết cơ sở vật chất hệ thống chợ xuống cấp nên không đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm và phòng cháy chữa cháy; một số địa bàn xã, phường không có chợ.

Để phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, ngành công thương Hà Nội đang kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại. “Ngành công thương Hà Nội luôn hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng thương mại trên địa bàn TP nhất là các huyện ngoại thành”, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội cho hay.

Đồng thời khuyến khích các tổ chức mở rộng mạng lưới kinh doanh dịch vụ hiện đại gồm: Trung tâm thương mại, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, bán hàng qua mạng, máy bán hàng tự động… qua đó hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại theo hướng đồng bộ, văn minh để xây dựng Thủ đô không chỉ trở thành trung tâm thương mại lớn của cả nước, mà còn của khu vực Ðông Nam Á.

Kế hoạch thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2024 - 2025 trong Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đặt mục tiêu, năm 2024 sẽ đầu tư xây dựng hoàn thành 5 chợ; năm 2025 hoàn thành 12 chợ; đồng thời cải tạo, sửa chữa và nâng cấp 21 chợ.
Lượt xem: 9
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật