Thứ sáu, 22/11/2024 - 10:10

Hỗ trợ doanh nghiệp logistics chuyển đổi xanh

Logistics trở thành ngành dịch vụ quan trọng, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nhưng đang đối mặt với thách thức mới phải chuyển đổi xanh.

Các khách mời tham dự  tọa đàm.

Chia sẻ về tình hình phát triển ngành logistics của Việt Nam trong hoạt động xuất nhập khẩu hiện nay tại tọa đàm "Thích ứng Logistics xanh - Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp" do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 9/9, bà Đặng Hồng Nhung, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, cùng với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư và sự bùng nổ của thương mại điện tử, logistics Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng khoảng 15% và có quy mô thị trường từ 40 - 42 tỷ USD/năm. 

Tham gia thị trường logistics Việt Nam hiện nay có trên 40.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải và kho bãi như: DHL, CJ logistics và Maersk Lines, Transimex, Sotran, Tân Cảng Sài Gòn... Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Ngân hàng Thế giới, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam hiện nay xếp thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, Việt Nam đứng trong tốp 5 ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng hạng với Philippines. 

Báo cáo năm 2023 của Agility cho thấy, Việt Nam cũng nằm trong Top 10 thị trường logistics mới nổi và đứng thứ 4 về Chỉ số cơ hội logistics quốc tế, cho thấy tiềm năng của thị trường logistics Việt Nam rất lớn. Logistics đã đóng góp không nhỏ trong kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam, năm 2010 kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ hơn 150 tỷ USD, con số này đã tăng 3,6 lần lên trên 680 tỷ USD vào năm 2023.

Bà Đặng Hồng Nhung thông tin, logistics đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của kinh tế toàn cầu nói chung, Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, logistics cũng là một ngành có phát thải lớn và mức độ tiêu hao năng lượng cao. Vì vậy, logistics là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất bởi xu hướng chuyển đổi xanh, xu hướng này sẽ tác động đến ngành logistics bởi hai khía cạnh, vừa tạo áp lực, vừa là cơ hội.

Bên cạnh những áp lực về việc tuân thủ quy định của Chính phủ và các tổ chức quốc tế, áp lực cũng đến từ phía khách hàng. Bởi các nhà nhập khẩu lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản đều là những khách hàng khó tính và có yêu cầu cao về các tiêu chí xanh. Nếu như trước đây các tiêu chí này chỉ áp dụng đối với sản phẩm, nghĩa là sản phẩm phải xanh, hiện nay tiêu chí này áp dụng với quy trình sản xuất ra sản phẩm đó, quy trình sản xuất ra sản phẩm phải xanh. Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành cơ chế chuyển đổi biên giới carbon là CBAM, năm 2026 sẽ chính thức có hiệu lực. 

Theo cơ chế này, EU sẽ áp thuế carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu của Việt Nam và thuế này sẽ tùy thuộc vào lượng phát thải của quá trình sản xuất ra sản phẩm đó ở nước xuất khẩu. Hoa Kỳ sắp tới cũng đang dự kiến sẽ áp dụng thuế carbon đối với hàng nhập khẩu, yêu cầu quá trình sản xuất ra hàng hóa ở các nước xuất khẩu phải xanh. 

Theo bà Đặng Hồng Nhung, logistics với vai trò là hoạt động kết nối toàn bộ quá trình sản xuất, từ sản xuất cho đến người tiêu dùng đang đứng trước đòi hỏi phải xanh hóa và nếu không đáp ứng được sẽ đứng ngoài cuộc chơi.  

Về lâu dài, chuyển đổi xanh sẽ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí và chuyển đổi xanh cũng sẽ tạo ra những cơ hội kinh doanh mới như: Các dịch vụ vận tải với lượng carbon thấp hoặc các dịch vụ đóng gói thân thiện với môi trường.  

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Mai Trần Thuật, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Logistics dược phẩm Đông Á đã chủ động chuyển đổi xanh bằng việc thực hiện các giải pháp trong các khâu hoạt động. Trước đây, những vật tư đóng gói có thể sử dụng là xốp nổ, nilon không tái sử dụng được, hiện công ty tái chế những thùng carton, những vật liệu đóng gói để có thể tái sử dụng...

Bà Trần Thị Thu Hương, Trưởng bộ môn Logistics và chuỗi cung ứng, Trường Đại học Thương mại cho hay, Việt Nam hiện có khoảng gần 30 tập đoàn logistics lớn trên thế giới và hơn 34.000 các doanh nghiệp logistics của Việt Nam. Tuy nhiên phần lớn doanh nghiệp logistics của Việt Nam mới chỉ đóng vai trò vệ tinh, cung cấp các dịch vụ logistics vệ tinh cho các công ty logistics nước ngoài.

Điều này sẽ tạo nên áp lực cho doanh nghiệp Việt Nam khi các tập đoàn lớn, công ty logistics điều hành chuỗi logistics toàn cầu chuyển đổi xanh và yêu cầu doanh nghiệp logistics Việt Nam phải đáp ứng yêu cầu xanh hóa chuỗi logistics. Song, điều đó cũng sẽ tạo cơ hội và thúc đẩy doanh nghiệp logistics Việt Nam chuyển đổi nhanh hơn. 

Lượt xem: 7
Nguồn:doanhnhanvn.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật