Đồng bộ từ chính sách đến hành động
Ông Vũ Văn Công - Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo Điện Biên cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Điện Biên đã ban hành đầy đủ hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện trên tinh thần kịp thời, đồng bộ và bám sát thực tiễn địa phương.
Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Chương trình từ cấp tỉnh đến cấp xã được kiện toàn, hoạt động theo quy chế rõ ràng, cụ thể, với sự phân công trách nhiệm rõ ràng cho từng cấp, từng ngành.
Đồng thời áp dụng cơ chế phân cấp mạnh mẽ, trao quyền cho cơ sở và người dân, tạo điều kiện phát huy vai trò chủ thể của đồng bào dân tộc trong xây dựng và thực hiện chính sách. Các cơ quan chuyên môn và UBND các huyện, xã đều xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết, cụ thể hóa từng mục tiêu và chỉ tiêu theo từng năm.
Nhiều chương trình, dự án được tỉnh Điện Biên triển khai đầu tư, nhằm giúp đỡ cho các gia đình, đối tượng đặc biệt khó khăn thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.
Công tác thông tin, truyền thông về chương trình được chú trọng, lan tỏa thông qua nhiều kênh như: báo chí, truyền hình, phát thanh, mạng xã hội, loa truyền thanh cơ sở, đến cả những buổi sinh hoạt thôn bản. Hơn 10.000 lượt cán bộ, người dân đã được tập huấn, cung cấp thông tin về chương trình, góp phần tăng cường hiểu biết và sự chủ động tham gia của cộng đồng.
Điểm nổi bật là sự tham gia đồng bộ, hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và người dân, nhất là người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Họ không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là những “cầu nối” giúp chính sách đến gần với cuộc sống.
Chuyển biến tích cực, lan tỏa đa chiều
Theo báo cáo của UBND tỉnh Điện Biên, tổng vốn huy động cho Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 lên tới hơn 4.510 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách Trung ương chiếm hơn 4.000 tỷ. Tỉnh Điện Biên đã giải ngân trên 3.047 tỷ đồng, đạt hơn 68% kế hoạch – một tỷ lệ ấn tượng trong bối cảnh nhiều khó khăn.
Điểm sáng rõ nét là tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh giảm còn 21,29% (giảm 13,61% so với năm 2021), riêng hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 44,95% xuống còn 27,39%. Hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm nghèo mà Thủ tướng Chính phủ giao (bình quân trên 5%/năm).
Cùng với đó, hệ thống hạ tầng vùng dân tộc thiểu số được đầu tư mạnh mẽ. 100% xã có đường ô tô được rải nhựa hoặc bê tông; 290 km đường giao thông nông thôn được cứng hóa; 66 công trình nước sinh hoạt tập trung và hàng chục nghìn hộ dân được hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán. Gần 70 trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú và có học sinh bán trú được tăng cường cơ sở vật chất; hàng chục lớp xóa mù chữ được mở, giúp 3.300 lượt người tiếp cận lại con chữ.
Nhiều cây cầu mới được xây dựng tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Điện Biên.
Ngoài ra, các dự án sản xuất theo chuỗi giá trị bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tỉnh Điện Biên đã triển khai 110 dự án liên kết sản xuất với các mặt hàng như mắc ca, quế, cà phê, gà bản, cá đặc sản, chè... tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng chục nghìn hộ. Hơn 42.000 lao động được giải quyết việc làm, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 75–78%.
Nét nổi bật nữa là các hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần đồng bào được thực hiện đồng bộ. Tỉnh Điện Biên đã phục dựng 8 lễ hội truyền thống, tổ chức hàng trăm lớp truyền dạy văn hóa dân gian, hỗ trợ thiết chế văn hóa cho hơn 250 điểm tại vùng cao. Bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, phòng chống tảo hôn, xóa bỏ hủ tục… cũng được lồng ghép hiệu quả trong các chương trình, dự án.
Hiệu quả của chương trình không chỉ thể hiện ở những con số thống kê, mà còn hiện hữu sinh động trong từng bản làng, từng số phận người dân.
Tại xã Phình Giàng (Điện Biên), một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn, chương trình đã giúp hàng trăm hộ dân từng sống rải rác, thiếu nước sinh hoạt được bố trí lại nơi ở, có hệ thống cấp nước phân tán đến từng cụm dân cư.