Chủ nhật, 24/11/2024 - 06:02

Khai phá tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với TP Nice và Công quốc Monaco

Có các lĩnh vực dịch vụ phát triển, Công quốc Monaco và thành phố Nice ở miền Nam nước Pháp mang đến những cơ hội hợp tác kinh tế đa dạng hơn cho các doanh nghiệp và bộ ngành Việt Nam muốn mở rộng hoạt động trong thời kỳ hậu Covid-19.

Nằm bên đường bờ biển Côte d’Azur nổi tiếng là một trong những trung tâm du lịch sang trọng hàng đầu thế giới, thành phố Nice của Pháp và Công quốc Monaco tạo thành một vùng kinh tế-dịch vụ lớn ở miền Đông Nam nước Pháp. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và các nước đều đang chuyển mình tìm các động lực phát triển mới thời kỳ hậu đại dịch Covid-19, việc khai phá các tiềm năng hợp tác mới giữa Việt Nam với Công quốc Monaco và thành phố Nice, vùng Côte d’Azur là ưu tiên được cả hai bên hướng tới.

Đây cũng chính là mục tiêu của chuỗi sự kiện quảng bá đầu tư, xúc tiến thương mại được Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, các cơ quan đại diện của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Khoa học Công nghệ Việt nam tại Pháp tổ chức từ ngày 2/5 đến 4/55 tại Nice và Monaco.    

Trong buổi toạ đàm tại Nice, ông Christophe Gamon, Chủ tịch Uỷ ban Quốc tế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Nice Côte d’Azur khẳng định, Việt Nam luôn là một điểm đến hấp dẫn các doanh nghiệp tại Nice bởi từ lâu nay giữa Nice và Việt Nam luôn có sự gắn bó về văn hoá thông qua cộng đồng người Việt tại Nice. Ông Gamon cũng cho rằng, sau các sự kiện cấp cao gần đây trong quan hệ Việt Nam - Pháp, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đến Pháp vào tháng 11/2021, có một sự quan tâm lớn từ phía các doanh nghiệp Nice và vùng Côte d’Azur đối với thị trường Việt Nam.

Trao đổi với các doanh nghiệp Nice và vùng Côte d’Azur, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, ông Đào Quốc Cương, đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam tại Pháp đã thông tin nhiều về sự phát triển kinh tế của Việt Nam, các chính sách thu hút đầu tư và các lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên hợp tác phát triển. Ngoài ra, thông tin về lộ trình cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ Hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA) cũng được cung cấp chi tiết cho các doanh nghiệp Nice. Các doanh nghiệp Nice đã bày tỏ sự quan tâm lớn đến cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch, y tế, du lịch tại Việt Nam.         

Đánh giá về tiềm năng và cơ hội hợp tác với Việt Nam, Phó Thị trưởng thành phố Nice, ông Philippe Pradal cho rằng, Nice và Việt Nam có một nền tảng rất tốt để gia tăng hợp tác, đó là sự hiểu biết chung về văn hoá, thông qua cộng đồng người Việt đã hiện diện lâu đời tại Nice cũng như đặc điểm cởi mở và có tính tiếp nhận đa dạng văn hoá cao của Nice.

Ông Pradal đánh giá, cả Nice lẫn Việt Nam đều có thế mạnh về du lịch biển nên từ đó có thể phát triển hợp tác về du lịch, y tế nghỉ dưỡng, đào tạo nhân lực, đổi mới sáng tạo. Phó Thị trưởng Nice cũng chia sẻ kinh nghiệm mở cửa lại du lịch của Nice, trong bối cảnh cả Nice và Việt Nam đều đang nỗ lực thu hút khách du lịch trở lại sau 2 năm đại dịch.

“Chúng tôi chuẩn bị cho giai đoạn hậu đại dịch ngay khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra, với mục tiêu cao nhất là không để các nhân tố chính của ngành công nghiệp du lịch biến mất. Chúng tôi đã hỗ trợ các doanh nghiệp, các nhà hàng. Tiếp đến, chúng tôi duy trì sự hiện diện khắp nơi trên thế giới, để chuyển thông điệp rằng ngay khi mọi người có thể đi du lịch, Nice sẽ vui mừng chào đón. Chúng tôi cũng đang dần mở trở lại từng bước tất cả các tuyến hàng không đến sân bay Nice để đón tiếp tất cả các du khách từ châu Á, trong đó có Việt Nam”, ông Philippe Pradal nói.

Chia sẻ thêm về các lĩnh vực khác mà Nice và các địa phương Việt Nam có nhiều điểm tương đồng để hợp tác, đại diện Uỷ ban di sản của thành phố Nice cho biết, năm 2020 khi Nice làm hồ sơ ứng cử làm Di sản thế giới của UNESCO, các chuyên gia Nice đã có những so sánh rất chi tiết với thành phố Nha Trang của Việt Nam, thành phố mà nhiều người Pháp gọi là “Nice của Việt Nam” và thấy rằng cả hai có những thế mạnh giống nhau, đó là du lịch biển, di sản kiến trúc, cảnh quan thiên nhiên. Từ đó, các chuyên gia di sản Nice cho rằng Nice có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam thông qua việc đẩy mạnh các ý tưởng về “du lịch biển mùa Đông”, “thành phố Xanh”.

Nằm ngay sát cạnh Nice, Công quốc Monaco cũng là một địa danh nổi tiếng thế giới về du lịch, dịch vụ tài chính. Trong nhiều năm qua, kể từ khi Việt Nam và Công quốc Monaco thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2007, hợp tác giữa hai bên đã được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực hải dương học.

Ông Michel Dotta, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Monaco (MEB) cho biết hiện tại Monaco đang có doanh nghiệp Siam Cedap đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm nhựa tại Việt Nam. Phía Monaco cũng đã hợp tác giúp đỡ chính quyền thủ đô Hà Nội xây dựng và tổ chức giải đua xe Công thức 1 (Formula 1 Grand Prix). Tuy nhiên, là người có hiểu biết cá nhân nhiều về Việt Nam, ông Michel Dotta đánh giá tiềm năng hợp tác giữa hai bên còn đa dạng hơn.

“Tôi hiểu rõ về các khả năng của Việt Nam. Bản thân tôi đã tham gia phát triển một số doanh nghiệp tại Việt Nam cùng một số tập đoàn lớn nên tôi biết rõ rằng có một số doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ rồi một số doanh nghiệp khởi nghiệp đang phát triển rất mạnh. Đây là lĩnh vực mà Monaco có thể đồng hành bởi chúng tôi có chương trình Monaco mở rộng với mục đích thu hút các dự án khởi nghiệp công nghệ, biến Monaco thành quốc gia công nghệ mới”, ông Michel Dotta, cho biết.

Trong buổi toạ đàm kinh tế tổ chức sáng 4/5 tại Công quốc Monaco, gần 60 doanh nghiệp Monaco đã tham gia tìm hiểu các cơ hội đầu tư, hợp tác kinh doanh với Việt Nam. Trong hơn 2 tiếng toạ đàm, các doanh nghiệp Monaco đã thể hiện rõ sự quan tâm đến cơ hội tại thị trường Việt Nam khi đặt rất nhiều câu hỏi về về thủ tục đầu tư, lĩnh vực ưu tiên đầu tư tại Việt Nam, về lộ trình cắt giảm thuế quan của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn, về các mô hình khu cảng thuế quan-thương mại, về du lịch, dược phẩm, kinh tế số.

Tổng Giám đốc điều hành Hội đồng Kinh tế Monaco, ông Guillaume Rose nhận định, các doanh nghiệp Monaco chia sẻ đánh giá của Đại sứ Đinh Toàn Thắng cùng các đại diện Bộ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Công thương Việt Nam rằng Việt Nam có tiềm năng lớn về nhân lực, sự ổn định chính trị cũng như đã vượt qua được giai đoạn đại dịch để giữ được vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, qua đó có thể đáp ứng tốt các nhu cầu khác nhau của nhiều nhà đầu tư quốc tế./.

Lượt xem: 210
Tác giả: Quang Dũng-VOV/Paris   
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật