Thứ hai, 25/11/2024 - 15:46

Khai thác tiềm năng kinh tế thủy sản hồ chứa

Cả nước hiện có hơn 7000 hồ chứa, trong đó khoảng 1.250 hồ chứa có nuôi thủy sản. Một số tỉnh có nhiều hồ chứa kết hợp nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ như: Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Thọ, Đăk Lăk...

Ngày 27/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị "Phát triển kinh tế thủy sản hồ chứa".

Tại Việt Nam, hồ chứa được phát triển với mục đích chính là phục vụ cho sản xuất điện, kiểm soát lũ, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Trước đây, việc quản lý và phát triển nghề cá hồ chứa chủ yếu là khai thác thủy sản, được giao cho các đơn vị Quốc doanh. Hiện nay nghề cá hồ chứa có bước thay đổi nhờ chính sách tận dụng tiềm năng mặt nước để nuôi cá lồng, bè. Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng các loại thủy sản hồ chứa có giá trị kinh tế như: cá tầm, cá lăng, cá chiên, nheo mỹ, cá lóc, rô phi....

khai thac tiem nang kinh te thuy san ho chua hinh anh 1

Mô hình lồng nuôi thủy sản bằng vật liệu HDPE trên hồ Hòa Bình

Theo thống kê, cả nước có 6.750 hồ chứa thủy lợi do Bộ NN&PTNT quản lý và khoảng 550 hồ thủy điện do Bộ Công thương quản lý. Trong đó, khoảng 1.250 hồ chứa có hoạt động nuôi thủy sản trong lòng hồ, có 13 hồ chứa có diện tích trên 5.000 ha.

Nhằm thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản lồng bè nuôi hồ chứa nước ngọt, ngay từ đầu năm 2023, Cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT đã tham mưu cho Bộ ban hành 5 văn bản hướng dẫn, chỉ đạo địa phương và người nuôi về: mùa vụ, quản lý sản xuất, phòng chống nắng nóng, mưa lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, tăng cường chỉ đạo sán xuất để đảm bảo hiệu quả, an toàn và hoàn thành kế hoạch đặt ra; hướng dẫn tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản lồng bè, nuôi hồ nước ngọt.

Ông Ngô Thế Anh, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nuôi trồng Thủy sản, Cục Thủy sản cho biết: 10 tháng năm 2023, tổng cộng có khoảng 29.000 lồng nuôi thủy sản trên sông, hồ chứa; sản lượng ước 36.5000 tấn, đạt 102% so với cùng kỳ năm ngoái và 100% kế hoạch đề ra.

Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản hồ chứa thủy lợi, thủy điện cả nước là rất lớn, tuy nhiên diện tích mặt nước được khai thác chưa nhiều. Việc nuôi trồng thủy sản là hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi phải được cấp phép, thẩm quyền thuộc UBND tỉnh. Để được cấp phép thì hoạt động này phải có trong Quy hoạch Thủy lợi được phê duyệt; trong khi, đến nay hầu hết các địa phương đều chưa phê duyệt quy hoạch bổ sung nội dung nuôi trồng thủy sản cho các hồ chứa.

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi đề xuất Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan hướng dẫn triển khai quyết định 2177/QĐ-TTg ngày 23/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ NN&PTNT; trong đó có nội dung về “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi được giao, cho thuê đất  để nuôi trồng thủy sản hoặc giấy phép hoạt động nuôi trồng thủy sản trong phạm vi bảo vệ công trình thủy điện”.

khai thac tiem nang kinh te thuy san ho chua hinh anh 2

Hội nghị phát triển kinh tế hồ chứa

Thủy sản hồ chứa cũng đang gặp nhiều khó khăn về hạ tầng và dịch vụ hậu cần nghề cá. Hầu hết các hồ chứa chưa có hệ thống điện phục vụ cho nuôi cá thâm canh và bán thâm canh. Có rất ít nhà máy chế biến sản phẩm thủy sản từ hồ chứa. Đa số sản phẩm thủy sản của hồ chứa được tiêu thụ tươi sống hoặc một phần cấp đông. Chưa có sự liên kết theo chuỗi giá trị, nên phần lớn sản phẩm tiêu thụ qua các chợ nhỏ lẻ, giá bán bấp bênh.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, phát triển nuôi thủy sản hồ chứa là giải pháp phù hợp với Chiến lược phát triển ngành thủy sản theo hướng giảm dần khai thác, tăng nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Hiện nay, dư địa nuôi cá hồ chứa rất lớn, với khoảng hơn 80% diện tích chưa khai thác. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, tới đây Bộ NN&PTNT sẽ tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy định, cơ chế chính sách một cách đồng bộ để phát triển hệ sinh thái nuôi trồng thủy sản hồ chứa đi vào chuỗi chế biến sâu, phát triển đa dạng mục tiêu, đa dạng sản phẩm…

Lượt xem: 15
Tác giả: Hương Giang/VOV1
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật