Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:41

Kinh tế TP Hồ Chí Minh bứt tốc mạnh mẽ, hạ tầng giao thông đột phá

Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), TP trải qua 4 đợt dịch COVID-19 đã tác động đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, sự nỗ lực, đồng lòng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp cùng cả hệ thống chính trị đã giúp thành phố vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển kinh tế.

Kinh tế TP Hồ Chí Minh bứt tốc mạnh mẽ, hạ tầng giao thông đột phá

Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn thành cuối năm nay, mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn cho TPHCM. Ảnh: Anh Tú

Kinh tế bật dậy mạnh mẽ sau dịch

Ngay khi TP Hồ Chí Minh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi, chỉ đạo ban hành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025. Nhờ đó, từ mức tăng trưởng âm 6,78% năm 2021, kinh tế thành phố bật dậy và phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 để đạt tăng trưởng 9,03%.

Tuy nhiên, bước sang những tháng đầu năm 2023, những dư âm còn sót lại của COVID-19 và ảnh hưởng những vấn đề kinh tế năm 2022 khiến TP Hồ Chí Minh tăng trưởng quý I chỉ đạt 0,7%. Nhưng một lần nữa chứng minh đầu tàu kinh tế TP Hồ Chí Minh luôn biết cách vượt qua khó khăn, lấy lại đà tăng trưởng trong quý II đạt 5,87%.

Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - một trong các trụ cột giúp kinh tế TP Hồ Chí Minh ngày càng khởi sắc đến từ hàng hóa bán buôn, bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ, du lịch tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng năm 2023 ước đạt hơn 2,5 triệu tỉ đồng, tăng 14,7% so với nửa nhiệm kỳ trước (đạt hơn 2,1 triệu tỉ đồng). Trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt hơn 1,5 triệu tỉ đồng, tăng 16,2% so với quy mô nửa nhiệm kỳ trước, chiếm 60,03% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.

Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021 - 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu (qua cửa khẩu cả nước) ước đạt 111,5 tỉ USD, tăng 32,4% so với nửa nhiệm kỳ 2016 - 2020; tổng kim ngạch nhập khẩu (qua cửa khẩu cả nước) ước đạt 148,7 tỉ USD, tăng 42,5%.

Đột phá hạ tầng giao thông

Đại hội XI của Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra các giải pháp mang tính đột phá nhằm phát triển giao thông, kéo giảm ùn tắc và tai nạn.

Đáng chú ý, đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, TP Hồ Chí Minh dự kiến đầu tư khoảng 454 km các tuyến cao tốc, vành đai, quốc lộ, cầu lớn, trục giao thông chính... với tổng kinh phí trong giai đoạn 2021-2025 khoảng 266.000 tỉ đồng.

Theo ông Lương Minh Phúc - Giám đốc Ban Quản lí dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hồ Chí Minh (Ban giao thông), hơn 2 năm qua, hàng loạt công trình trọng điểm dần được hiện thực hóa giúp tạo đột phá cho ngành giao thông. Trong đó, hàng loạt dự án kết nối cửa ngõ TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận vừa được khởi công cuối năm 2022 là tín hiệu rất vui như mở rộng Quốc lộ 50, xây dựng nút giao An Phú, xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa.

Công trình được người dân mong đợi là dự án Vành đai 3 hiện đang được TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An nỗ lực đẩy nhanh giải phóng mặt bằng để khởi công dự án vào cuối tháng 6 này. Dự án dự kiến cơ bản hoàn thành năm 2025, khai thác năm 2026, kỳ vọng tạo đột phá hạ tầng, mở ra không gian phát triển ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án đường Vành đai 4 cũng được TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Long An, Đồng Nai ký kết quy ước phối hợp triển khai thực hiện, phấn đấu trình Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội thông qua, khởi công trong năm 2024.

“Thành phố đang gấp rút thủ tục để khởi công tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, xây dựng cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4 và 2 tuyến đường trên cao… là cơ hội để đón chào thời cơ mới” - ông Phúc nói.

Ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết, sau nhiều năm triển khai, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) dài gần 20 km sẽ hoàn thành cuối năm nay và khai thác thương mại năm 2024. Tuyến đường sắt đô thị đầu tiên này sẽ mở ra phương thức vận chuyển mới với khối lượng lớn, giải quyết nhu cầu đi lại của người dân từ khu trung tâm đến cửa ngõ phía Đông.

Tin liên quan