Chủ nhật, 05/01/2025 - 01:01

Loay hoay giải bài toán thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia

Mục tiêu của các Chương trình mục tiêu Quốc gia là nâng cao đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều địa phương vẫn gặp khó khăn trong triển khai do vướng phải các quy định.

Loay hoay giải bài toán thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia

Nhiều diện tích trồng cà phê tại huyện Điện Biên Đông chết đến gần 60% sau hơn 1 tháng triển khai. Ảnh: Quang Đạt

Hỗ trợ cây gì, con gì cũng khó

Cách đây gần 1 năm, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh liên quan đến những bất cập khi triển khai dự án cấp bò giống thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia tại tỉnh Điện Biên. Sau đó, tất cả các huyện đang triển khai hỗ trợ bò giống đều phải tạm dừng dự án và tìm những con giống, cây trồng khác phù hợp hơn.

Nguyên nhân phải dừng dự án là giá con giống bị đẩy lên quá cao do yêu cầu con giống phải có nguồn gốc xuất xứ, phải tuân thủ những quy định theo Luật Chăn nuôi... Trong khi đó, các doanh nghiệp địa phương đều không đủ năng lực để cung ứng con giống theo quy định. Còn các doanh nghiệp có đủ điều kiện pháp lý thì không có đủ con giống để cung cấp cho dự án.

Hiện nay, một số huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã chuyển hướng sang các dự án hỗ trợ khác như: Nuôi gà, vịt thương phẩm; trồng cà phê... Tuy nhiên, quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, khi đối tượng được hưởng đều là hộ nghèo, cận nghèo, nhận thức chưa đồng đều, chưa áp dụng được kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, dẫn đến tình trạng vật nuôi chết nhiều, cây trồng kém phát triển.

Gia đình anh Hờ A Cải - Bản Tìa Ló A, xã Nong U, huyện Điện Biên Đông đã tham gia trồng 2ha cà phê từ cuối tháng 9.2024 theo dự án hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia. Tuy nhiên, sau đó đã xảy ra tình trạng cây bị chết hàng loạt. Nguyên nhân được cho là do giống cây được phát quá muộn và thời tiết khắc nghiệt nên đã có gần 60% số cây bị chết chỉ sau hơn 1 tháng.

“Để trồng 2ha cà phê, tôi đã bỏ ra 30 triệu đồng để thuê người dân địa phương đào hố, trồng cây. Bây giờ đã chết gần 60% thì vài tháng nữa có khi cây sẽ chết sạch khi trải qua mùa Đông và mùa gió Lào” - anh Cải nói.

Ông Vũ Ngọc Hoành - Chủ tịch UBND huyện Điện Biên Đông - cho biết, trồng cây cà phê trước tháng 9 thì mới đúng vụ, ngoài tháng 9 là hết thời vụ trồng, huyện không cho trồng.

“Trước tình trạng cây chết nhiều, UBND huyện đã ban hành văn bản chấn chỉnh trong quá trình triển khai hợp đồng của các xã (chủ đầu tư) với các đơn vị nhà thầu. Khi triển khai phải đúng thời vụ và phải có điều khoản đảm bảo tỉ lệ cây sống” - ông Hoành nói.

Sau khi dừng dự án hỗ trợ bò giống, nhiều huyện tại tỉnh Điện Biên đã chuyển hướng sang hỗ trợ gà, vịt và cây giống. Ảnh: Quang Đạt

Sau khi dừng dự án hỗ trợ bò giống, nhiều huyện tại tỉnh Điện Biên đã chuyển hướng sang hỗ trợ gà, vịt và cây giống. Ảnh: Quang Đạt

Loay hoay tìm lời giải

Đầu năm 2024, Mường Ảng cũng là một trong những huyện phải dừng dự án cấp bò giống sau loạt bài phản ánh của Báo Lao Động. Sau đó đã chuyển nguồn sang thực hiện các dự án nuôi gà, vịt và trồng cây cà phê... Tuy nhiên, chỉ sau hơn 1 tháng triển khai cả gà, vịt và cây cà phê cũng đều xảy ra tình trạng chết nhiều.

Với 8 dự án được triển khai tại 8 xã trên địa bàn huyện Mường Ảng, dự toán kinh phí thực hiện trên 3,9 tỉ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 2,7 tỉ đồng còn lại là đối ứng). Theo đó, mỗi con gà được ngân sách nhà nước hỗ trợ trên 120.000 đồng. Nếu tính cả tiền đối ứng của các hộ dân tham gia (công lao động phổ thông), mỗi con gà có giá trên 175.000 đồng.

Theo ông Tạ Mạnh Cường - Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, khi triển khai hỗ trợ gà, vịt, nhiều hộ dân không mặn mà tham gia vì có tâm lý muốn hỗ trợ trâu bò để có một tài sản giá trị cao hơn.

"Mường Ảng là vùng đất thế mạnh để trồng cây cà phê, tuy nhiên đối với những hộ không có đất để trồng cây cà phê thì huyện hỗ trợ con giống gà hoặc vịt. Sau khi dự án kết thúc dự án, người dân có thể tiếp tục phát triển đàn gà, vịt để lấy trứng hoặc sử dụng số tiền từ việc bán gà, vịt để xoay vòng”.

Nói về tính hiệu quả khi triển khai dự án này, ông Lù Văn Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Ảng - cũng cho biết: “Sau khi trừ đi phần ngân sách nhà nước hỗ trợ, người dân có thể thu về ít nhất 30% lợi nhuận. Nếu kỹ thuật chăn nuôi tốt, con số này còn có thể cao hơn".

Còn về thực tế cây, con giống chết hàng loạt, ông Cường cho biết, đã cử cán bộ phụ trách dự án cùng với chính quyền các xã, bản kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chăm sóc. Tiếp đến, sẽ có giải pháp cấp bổ sung các trường hợp có gà, vịt và cây cà phê bị chết nhiều để cấp bổ sung theo quy định.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật