Thứ năm, 19/09/2024 - 08:59

Ngành Logistics: Cơ hội “vàng” sau đại dịch

Để đón những vận hội mới từ quá trình hội nhập sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) logistics cần khẩn trương xây dựng giải pháp, chiến lược trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao năng lực nội tại, hướng đến cung cấp dịch vụ logistics mang tính chuyên nghiệp, theo các chuẩn mực quốc tế.

Tiềm năng lớn

Với lợi thế nằm ở trung tâm khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trên tuyến hàng hải quốc tế, thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.

Ngành Logistics: Cơ hội “vàng” sau đại dịch

Việt Nam hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ logistics

Thực tế, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển khá nhanh, tăng trưởng bình quân hàng năm từ 12-15%, hiện có hơn 4.000 doanh nghiệp logistics hoạt động chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ logistics quốc tế. Cả nước có 69 trung tâm logistics quy mô lớn và vừa, phân bổ tập trung ở một số khu công nghiệp. Thời gian qua, các trung tâm này tiếp tục có sự chuyển đổi từ trung tâm logistics truyền thống sang trung tâm logistics thế hệ mới, áp dụng công nghệ 4.0.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp logistics Việt Nam đã có kinh nghiệm thích nghi và vượt qua năm thứ hai khó khăn nhất của dịch Covid-19, do đó thời gian tới sẽ là lúc logistics bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Theo đó, ngành logistics Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Thậm chí, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lĩnh vực logistics Việt Nam đang đứng trước cơ hội “vàng” sau đại dịch Covid-19.

Cụ thể, việc phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp phụ trợ, hoạt động thương mại điện tử gia tăng sẽ khiến logistics trở thành một lĩnh vực thu hút đầu tư và có nhiều cơ hội phát triển. Các Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới có hiệu lực đã và sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi từ việc đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa.

Ngoài ra, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp logistics cũng đang rộng mở khi kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng trưởng cao bất chấp những tác động tiêu cực của đại dịch, đạt trên 668 tỷ USD trong năm 2021 và sẽ cán mốc 1.000 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong thời gian không xa.

Một vài hạn chế

Dù có bước phát triển nhanh và tăng trưởng bình quân hàng năm ở mức khá, tuy nhiên phải thẳng thắn nhìn nhận, ngành dịch vụ logistics vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Tại phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021 do Bộ Công Thương tổ chức cuối năm 2021, bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới Việt Nam chỉ rõ, trong năm 2021 dưới tác động của đại dịch Covid-19, chi phí dịch vụ logistics tại Việt Nam còn khá cao. Bên cạnh đó, thiếu sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, năng lực cạnh tranh còn thấp, việc tiến ra thị trường nước ngoài chưa đáng kể; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics thiếu cả về số lượng, chất lượng và tính chuyên nghiệp...

Do đó, các doanh nghiệp logistics Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với việc cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài. Các chuyên gia quan ngại, doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 95%, nhưng đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cung cấp các dịch vụ chưa có giá trị gia tăng cao. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.

Đặc biệt, Việt Nam vẫn rất thiếu các trung tâm logistics hiện đại, quy mô lớn, nhất là các trung tâm logistics để sơ chế, chế biến, bảo quản nhằm giảm thiểu hư hỏng, bảo đảm điều kiện để xuất khẩu. Điều này có thể thấy rõ trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, hoạt động vận tải giao thông trên toàn cầu bị ảnh hưởng, chi phí logistics bị đẩy lên, ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.

Logistics không chỉ đem lại nguồn lợi to lớn đối với quốc gia, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc đổi mới mô hình tăng trưởng và bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế bền vững thời kỳ hội nhập.

Đi tìm giải pháp

Để tạo nên sự đột phá cho logistics Việt Nam trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, còn rất nhiều việc phải làm như tập trung phát triển kết cấu hạ tầng logistics, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logistics... Trong đó, việc phát triển hạ tầng giao thông vận tải nói chung và đường biển nói riêng là yêu cầu cấp bách bảo đảm duy trì chuỗi cung ứng, lưu thông hàng hóa, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

Việc này đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương, để khơi thông những điểm nghẽn, hình thành các trung tâm logistics có trình độ tự động hóa, hiện đại hóa lớn, tham gia dịch vụ vận tải đa phương thức quốc tế, dịch vụ logistics xuyên biên giới.

Các trung tâm logistics phải được kết nối với các phương tiện vận tải theo hướng đa phương thức và với cảng biển bằng hệ thống đường sắt hiện đại theo mô hình cảng biển - đường sắt - các trung tâm logistics - đường ôtô - khách hàng. Đồng thời, sớm đưa vào vận hành các trung tâm logistics trên các hành lang kinh tế, đặc biệt ưu tiên các hành lang kinh tế qua các cửa khẩu quốc tế với Trung Quốc, Lào, Campuchia.

Thứ trưởng Bộ Công Thương TRẦN QUỐC KHÁNH:

Để ngành logistics vượt qua thách thức và tận dụng được cơ hội phát triển, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách về logistics và các lĩnh vực có tác động đến sự phát triển của ngành; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thông qua các hoạt động kết nối giao thương (kể cả trực tuyến), đăng cai và tham dự các hội nghị, triển lãm quan trọng của ngành logistics quốc tế.

Ngân Thương
 
Lượt xem: 137
Tác giả: admin1
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan