Thứ tư, 11/12/2024 - 20:11

Quảng Bình đề xuất, kiến nghị gì để phát triển hạ tầng du lịch?

Là địa phương có nhiều danh thắng nổi tiếng, tuy nhiên việc phát triển không đồng bộ về hạ tầng du lịch đã hạn chế du khách đến với tỉnh Quảng Bình.

Cần nâng cấp, đầu tư hạ tầng du lịch

Tỉnh Quảng Bình hội đủ các điều kiện về giao thông, có quốc lộ 1A xuyên suốt, tuyến cao tốc qua địa bàn sắp hoàn thành, tuyến đường sắt ổn định và có kế hoạch nâng cấp, có sân bay Đồng Hới, có cảng biển… Hạ tầng lưu trú, vui chơi, mua sắm được đầu tư, nâng cấp; các điểm tham quan mở rộng, nhiều sản phẩm du lịch mới thu hút du khách...

Quảng Bình đề xuất, kiến nghị gì để phát triển hạ tầng du lịch?
Mở rộng và nâng cấp sân bay Đồng Hới sẽ kéo du khách gần hơn với tỉnh Quảng Bình

Tuy vậy, để hướng đến trung tâm du lịch thu hút du khách trong và ngoài nước thì tỉnh Quảng Bình cần được đầu tư hạ tầng du lịch chuyên nghiệp, bài bản và căn cơ hơn, có cơ chế chính sách phù hợp để thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Bình cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ - du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, nếu hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, kết nối tốt với các địa điểm du lịch trong và ngoài nước, chắc chắn du khách sẽ đến với Quảng Bình nhiều hơn.

Theo ông Kỳ, hiện nay hạ tầng du lịch về giao thông ở Quảng Bình rất thuận lợi, đặc biệt là đường bộ. Tuy nhiên, về đường sắt, đường biển và đường hàng không cần được nâng cấp, sửa chữa để kết nối thông suốt hơn.

Cụ thể, cần nâng cấp tuyến đường sắt qua địa bàn; tiếp tục đầu tư hạ tầng cảng biển để đón được dòng du khách đi theo đường biển trong thời gian tới. Về sân bay Đồng Hới, theo Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Bình Nguyễn Văn Kỳ, cần hiện đại hoá, mở rộng sân bay để kết nối được với các đường bay nội địa có tiềm năng về du lịch như khu vực miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên…, có ưu đãi về giá cả đối với các hãng bay để vừa kết nối với các sân bay nội địa, cũng như quốc tế.

Đặc biệt, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách tạo điều kiện nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế để thu hút du khách nước ngoài đến với Quảng Bình thuận lợi hơn.

“Khó khăn lớn nhất của chúng tôi hiện này là việc vận chuyển khoảng cách đường ngắn trên địa bàn tỉnh có giá thành quá cao. Như chi phí vận chuyển từ sân bay tới khách sạn, từ khách sạn đi các điểm tham quan cao, qua đó ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh của các doanh nghiệp. Do đó, UBND tỉnh Quảng Bình cần tăng cường công tác quản lý, khuyến khích giao thông đường ngắn phát triển với những phương tiện mới, an toàn; ngành giao thông nên tạo điều kiện và hướng dẫn giao thông cho các loại hình xe du lịch được thuận lợi hơn; giảm phí tham quan… Đồng thời, doanh nghiệp cần tính toán giá cả phù hợp cho các chuyến xe di chuyển đường ngắn để thu hút, cạnh tranh”, ông Kỳ nêu kiến nghị.

Ông Hoàng Minh Thắng - Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cho rằng, giá trị tài nguyên du lịch tại Phong Nha - Kẻ Bàng rất tốt. Tuy nhiên cơ sở hạ tầng về đường sá, nhà hàng khách sạn, sau thời gian dịch bệnh bị xuống cấp rất trầm trọng.

“Do vậy, để đảm bảo phát triển du lịch trong thời gian tới, bối cảnh mới, tại khu vực Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng cần khẩn trương sửa chữa hệ thống giao thông, như thảm nhựa, làm hệ thống thoát nước… trục đường 20 đi qua khu du lịch; sửa chữa, nâng cấp các nhà hàng, khách sạn. Đặc biệt, nâng cao các điểm dịch vụ như tạo các điểm vui chơi về ban đêm, điểm trưng bày các mặt hàng lưu niệm, nông sản đặc sản của địa phương, sắp xếp, nâng cấp chợ Phong Nha để trở thành nơi mua sắm, điểm đến của du khách”, ông Thắng nói.

Đề xuất, kiến nghị từ doanh nghiệp, nhà đầu tư…

Ông Trần Ngọc Thái - Phó Tổng giám đốc đầu tư và phát triển quỹ đất Công ty Cổ phần Đất Xanh Miền Trung cho biết, thời gian qua với việc hình thành và xây dựng những dự án du lịch chất lượng cao, đặc sắc trên địa bàn tỉnh Quảng Bình sẽ góp phần xây dựng hình ảnh, điểm đến cho du khách trong và ngoài nước.

Quảng Bình đề xuất, kiến nghị gì để phát triển hạ tầng du lịch?
Regal Legend- một sản phẩm độc đáo tại Bảo Ninh- Quảng Bình

“Ngành du lịch Quảng Bình cần có thêm những sản phẩm du lịch đặc sắc như hình thành không gian khu phố đêm, phố đi bộ, các gian hàng mua sắm thời trang, chăm sóc sức khoẻ và nhà ở… Các lễ hội được tổ chức một cách thường xuyên hơn và có chiều sâu, lan toả để không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn khách quốc tế đến và quay trở lại Quảng Bình một cách liên tục”, ông Thái chia sẻ.

Bà Võ Thị Phương Anh - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Trường Thịnh nhấn mạnh, Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi cho những thắng cảnh du lịch bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, để du lịch phát triển xứng tầm với những tiềm năng vô cùng quý giá mà thiên nhiên ban tặng thì hạ tầng và cơ sở vật chất đóng vai trò “xương sống” của ngành du lịch.

Theo bà Phương Anh, thời gian tới tỉnh Quảng Bình cần đẩy nhanh tiến độ nâng cấp sân bay Đồng Hới thành sân bay quốc tế. Có những chính sách hỗ trợ mở đường bay mới tạo đà thu hút khách du lịch từ những thị trường tiềm năng. Có những chính sách khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư xây dựng các khu dịch vụ du lịch phức hợp, các dự án du lịch quy mô lớn và các trung tâm giải trí chất lượng cao. Đẩy mạnh, phát triển loại hình du lịch MICE, (Meeting Incentive Conference Event), loại hình du lịch kết hợp sự kiện, hội nghị, hội thảo, khen thưởng, có thể mang lại nguồn doanh thu lớn, thuận lợi để tạo sức lan tỏa về điểm đến.

“Xử lý dứt điểm tình trạng thi công chậm tiến độ làm mất mỹ quan đô thị, hệ thống thoát nước. Đồng thời cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, thuận lợi, bình đẳng cho các nhà đầu tư và cộng đồng kinh doanh du lịch. Đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường phát triển du lịch văn minh, thân thiện… Quan tâm việc đảm bảo môi trường, đặc biệt là các bãi biển đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng”, bà Phương Anh đề xuất.

Lượt xem: 15
Tác giả: Nguyễn Tuấn - Thành Long
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật