Thông tư về cải cách tiền lương có hiệu lực từ tháng 2.2025
Kể từ ngày 7.2.2025, Thông tư mới quy định về thu chi ngân sách nhà nước đối với việc cải cách tiền lương chính thức có hiệu lực.
Thông tư 88/2024/TT-BTC ngày 24.12.2024 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, trong đó có quy định về thu chi ngân sách nhà nước năm 2025 đối với cải cách tiền lương.
Theo đó, Thông tư nêu rõ từ ngày 1.7.2024 được mở rộng phạm vi sử dụng nguồn tích lũy cho cải cách tiền lương của ngân sách trung ương để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và tinh giản biên chế; sử dụng nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương để thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành và tinh giản biên chế.
Các địa phương sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư các dự án kết nối vùng, kết nối quốc gia, các công trình trọng điểm quốc gia thực hiện tại địa phương theo quy định của cấp có thẩm quyền trong trường hợp địa phương có nguồn dư lớn, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi trình HĐND cùng cấp ban hành nghị quyết, có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ cam kết bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2030 và không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ.
Tổng hợp một phần thu chuyển nguồn cải cách tiền lương của ngân sách địa phương đến hết năm 2024 còn dư sang bố trí dự toán chi ngân sách địa phương năm 2025 để giảm áp lực cân đối ngân sách trung ương phải bố trí bổ sung cho ngân sách địa phương thực hiện cải cách tiền lương.
Việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương, tỉ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách địa phương thực hiện theo đúng nghị quyết của HĐND cấp tỉnh đã quyết định đối với năm trong thời kỳ ổn định ngân sách.
Đối với năm 2025, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp căn cứ khả năng ngân sách quyết định số bổ sung cân đối ngân sách cho ngân sách cấp dưới để đảm bảo các nhu cầu chi ngân sách địa phương.
Trường hợp đặc biệt có phát sinh nguồn thu từ dự án mới đi vào hoạt động làm ngân sách địa phương tăng thu lớn, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định theo quy định tại khoản 7 Điều 9 Luật ngân sách nhà nước 2015.
Đồng thời, ngân sách cấp tỉnh bổ sung cho ngân sách cấp dưới để thực hiện cải cách tiền lương theo nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và quyết định của UBND cùng cấp.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 7.2.2025 và áp dụng đối với năm ngân sách 2025.
Theo báo cáo kết quả hoạt động năm 2024 của Bộ Nội vụ, việc tham mưu thực hiện 4/6 nhiệm vụ về cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW năm 2018 của Trung ương là một trong những kết quả nổi bật của bộ này trong năm 2024.
Theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, đến nay vẫn còn 2 nhiệm vụ về cải cách tiền lương chưa thực hiện gồm: Các bảng lương mới (bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương); cơ cấu lại và sắp xếp thành 9 chế độ phụ cấp mới.