Thứ sáu, 20/09/2024 - 07:44

Thu hẹp khoảng cách cung - cầu lao động

Đến nay, thị trường lao động đang trên đà phục hồi, dẫn đến sự thiếu hụt lao động cục bộ ở một số địa phương, ngành nghề. Bên cạnh đó, thị trường này đang tồn tại nghịch lý là người lao động khó tìm được công việc ưng ý trong khi doanh nghiệp rất chật vật để tuyển đủ nhân sự.

Thu hẹp khoảng cách cung - cầu lao động

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Ảnh: AT

Doanh nghiệp kêu khó

Đến phiên giao dịch việc làm huyện Đông Anh (Hà Nội), anh Nguyễn Trọng Tiến (29 tuổi, ở Hải Bối, huyện Đông Anh) cho biết mong muốn tìm kiếm công việc phù hợp với khả năng bản thân. 2 tháng qua, dù đã tìm kiếm trên nhiều kênh khác nhau song anh Tiến vẫn chưa gặp công việc nào ưng ý.

Trước đây, anh Tiến làm kế toán cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Khu công nghiệp Thăng Long. Sau nhiều năm làm việc, tích lũy được nhiều kinh nghiệm, kỹ năng nên anh muốn thử sức ở vị trí quản lý hoặc cấp cao hơn với mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng.

Tại phiên giao dịch việc làm, anh Tiến tìm được một vị trí phù hợp. Sau khi tìm hiểu kỹ về vị trí việc làm cũng như môi trường làm việc tại công ty, anh sẽ tham gia phỏng vấn, nộp hồ sơ ứng tuyển.

Nhằm đẩy mạnh mở rộng sản xuất, kinh doanh đáp ứng đơn hàng cuối năm, Công ty TNHH Bao bì công nghiệp Nam Anh cũng có nhu cầu tuyển thêm 50 lao động. Đại diện công ty cho biết, bên cạnh tham gia tìm kiếm nhân sự tại các phiên giao dịch việc làm, công ty còn đăng tin tuyển dụng trên các chuyên trang, mạng xã hội và giới thiệu từ nhân viên.

Đại diện công ty đánh giá thời điểm này tuyển dụng lao động khá khó khăn. Để tuyển đủ số lượng lao động, bên cạnh đưa ra mức lương ổn định, còn phải có những chế độ đãi ngộ hấp dẫn người lao động.

Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, từ nay đến cuối năm, nhu cầu việc làm bán thời gian và toàn thời gian của các đơn vị, doanh nghiệp tăng lên. Nhu cầu tuyển dụng dự báo tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước.

Dự kiến trong quý IV.2022, số lượng việc làm tại Hà Nội đáp ứng cho khoảng 4,1 triệu lao động, tăng 2,5% so với cùng kỳ 2021. Nhu cầu tuyển dụng khoảng 100.000-120.000 lao động do nhu cầu doanh nghiệp tăng mạnh, sinh viên từ nhiều nơi về nhập học tại Hà Nội, nhiều lao động trở lại làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo ông Thành, sau đại dịch, thu nhập của người lao động tăng do doanh nghiệp ưu tiên tăng lương giữ chân người lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi. Do đó, nếu chế độ tiền lương không đảm bảo thì doanh nghiệp sẽ rất khó tuyển dụng được lao động.

Đi tìm lời giải

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, thị trường lao động phục hồi mạnh mẽ, cơ bản các khu công nghiệp, khu chế xuất, các vùng kinh tế trọng điểm đã duy trì được lực lượng lao động ổn định. Đến nay, các doanh nghiệp có lượng lao động tương đối dồi dào. Những vùng kinh tế trọng điểm như: TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút FDI tốt, hiện tình trạng thiếu lao động cục bộ chỉ diễn ra ở một vài nơi.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh nêu quan điểm, hiện còn một lượng lớn lao động trở về khu vực nông thôn nhưng chưa kịp quay lại nơi làm việc; hoặc không muốn quay lại nơi làm việc vì đã tìm được việc làm phù hợp ở quê nhà.

Cùng với đó, sau khi nghỉ việc, một bộ phận người lao động muốn chuyển sang ngành nghề khác cho thu nhập cao hơn… Để giải quyết tình trạng thiếu hụt người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang có chính sách đẩy mạnh đào tạo người lao động; tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm việc.

Tình trạng thiếu hụt lao động tạm thời, cục bộ tập trung vào các doanh nghiệp có thâm dụng lao động trong ngành dệt may, da giày… gắn với nhu cầu các đơn hàng tăng. Tuy nhiên, mức lương còn thấp, điều kiện lao động chưa cao, thời gian làm việc dài, khiến các doanh nghiệp khó khăn trong tuyển dụng lao động.

Trao đổi về vấn đề nhiều doanh nghiệp kêu khó trong tuyển dụng lao động, ông Lê Quang Trung - nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, nguyên nhân do trình độ của người lao động chưa phù hợp với nhu cầu công việc, đòi hỏi của doanh nghiệp. Mặt khác, thời gian trước đây bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, người lao động đã chuyển hướng, tự tổ chức sản xuất tại quê nhà nên nguồn cung lao động bị hạn chế.

“Một nguyên nhân nữa ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động là do thông tin dự báo về thị trường lao động ở các cấp còn hạn chế. Nhu cầu sử dụng lao động trong tương lai cần phải tăng cường đánh giá, dự báo” - ông Trung nói.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, người lao động luôn mong muốn làm việc đơn giản, nhưng mức thu nhập lại cao. Vì vậy, người lao động cần biết được năng lực, trình độ của mình và nhu cầu của thị trường lao động hiện nay.

Với những lý do trên, sẽ xuất hiện việc lệch pha giữa cung-cầu trong thị trường lao động. Để giải quyết vấn đề này, ông Trung cho rằng khi tuyển dụng lao động, doanh nghiệp cần chú ý đến những nhu cầu của người lao động. Bên cạnh đó, cần tổ chức đào tạo, nâng cao trình độ của họ trong doanh nghiệp, phù hợp với công việc dự kiến.

Ngoài ra, các trung tâm dịch vụ việc làm cần tăng cường dự báo cung cầu lao động, kết nối việc làm cho người lao động và cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Các hoạt động của đơn vị này hiệu quả sẽ góp phần thu hẹp sự lệch pha trên.

Lượt xem: 43
Nguồn:laodong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan