Thứ tư, 16/04/2025 - 05:27

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Chuyên gia khuyến nghị gì?

Ưu tiên thúc đẩy, kiên định mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 từ 8% trở lên là nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra. Nhiều giải pháp đã được chuyên gia hiến kế.

Kiên định mục tiêu tăng trưởng

Theo báo cáo của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2025 tăng 6,93%; trong đó, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,74%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,42 phần trăm, đóng góp 2,87 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,70%, đóng góp 3,83 điểm phần trăm.

Cần các giải pháp hỗ trợ về chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển
Cần các giải pháp hỗ trợ về chính sách thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh minh họa

Mức tăng trưởng 6,93% trong quý I/2025 mang nhiều ý nghĩa quan trọng, phản ánh sự phục hồi tích cực của nền kinh tế, đồng thời tạo tiền đề cho tăng trưởng của các quý tiếp theo của năm 2025.

Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những biến động lớn, nhanh chóng, phức tạp và khó dự báo..., kiên định mục tiêu tăng trưởng kinh tế (GDP) năm 2025 từ 8% trở lên được Chính phủ đặt ra. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng cao gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế...

Nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, GS.TS Phạm Thế Anh - Trưởng khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU), Kinh tế trưởng Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) - cho rằng, để đạt được triển vọng tăng trưởng trong thời gian tới, xét về góc độ vĩ mô, muốn đạt được tăng trưởng cao, trên 8%, trong bối cảnh thị trường quốc tế không thuận lợi như hiện nay, những nỗ lực thúc đẩy khu vực trong nước cần phải cao hơn. Các giải pháp cần được đưa ra đó là tháo bỏ các thủ tục hành chính, rào cản kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS. Vũ Thành Tự Anh - giảng viên cao cấp, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam - trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị và cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, nội lực thị trường trong nước trở nên rất quan trọng. Trong đó, cần nhấn mạnh vai trò của khu vực kinh tế tư nhân và tiêu dùng nội địa.

Tuy nhiên, trong điều kiện như hiện nay, người dân sẽ thắt chặt hơn trong việc chi tiêu, doanh nghiệp tư nhân cũng thận trọng hơn trong các dự án đầu tư lớn và dài hạn. Do đó, vai trò của đầu tư công cần đặc biệt nhấn mạnh. Tuy nhiên, hai việc mà khu vực đầu tư công cần phải làm đó là hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân, thúc đẩy họ và giảm bớt rủi ro cho họ. Bên cạnh đó, cần mở rộng chính sách tài khóa và tiền tệ nhưng vẫn phải đảm bảo giữ được sự ổn định nền kinh tế vĩ mô.

Tự tin về những mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đã đặt ra cho năm nay, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân - cho hay, mục tiêu này chắc chắn năm nay chúng ta vẫn sẽ đạt được.

“Năm ngoái chúng ta đạt được con số 7,09% trong bối cảnh chưa có sự khởi động gì mạnh cả. Năm nay, nếu chúng ta huy động hết mọi nội lực, khả năng đạt được con số tăng trưởng trên 8%. Nền kinh tế Việt Nam đang trỗi dậy một cách ngấm ngầm, đang vươn lên mạnh mẽ. Do đó, mục tiêu tăng trưởng kinh tế trên 8% chúng ta vẫn sẽ phải tự tin đạt được và thậm chí đạt được cao hơn”, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho hay.

Từ kết quả tích cực tăng trưởng đạt được trong quý I/2025, trước các khó khăn, thách thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để đạt được mức tăng trưởng tốt hơn trong các quý tiếp theo. Các giải pháp mà chuyên gia khuyến nghị gồm: Đẩy nhanh đồng thời kiểm soát tiến độ giải ngân đầu tư công. Cải thiện môi trường đầu tư, giảm thủ tục hành chính để thu hút thêm FDI. Khuyến khích đầu tư vào các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh để phát triển bền vững.

Về phía các bộ, ngành bám sát diễn biến, thường xuyên cập nhật về tình hình kinh tế thế giới, chính sách của các nước lớn, diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, để kịp thời xây dựng, điều chỉnh kịch bản ứng phó linh hoạt. Tìm kiếm, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các thị trường mới nổi, giảm sự phụ thuộc vào thị trường truyền thống.

Bên cạnh đó, tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính, cắt giảm thủ tục rườm rà, không cần thiết, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý và giải ngân để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Cải thiện cơ sở hạ tầng logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải, kho bãi, ứng dụng công nghệ để cắt giảm chi phí cho hoạt động xuất khẩu. Tiến hành xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm, kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp xuất khẩu với các sàn thương mại điện tử quốc tế; thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - Giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân:

Cần thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp, đồng thời coi trọng việc thành lập doanh nghiệp mới với quy mô lớn hơn, phạm vi rộng hơn. Cùng với thúc đẩy khu vực thị trường trong nước, những yếu tố này nếu cộng gộp lại sẽ tạo ra được sức bật mới cả về thị trường, sản xuất của nền kinh tế.

 
Lượt xem: 18
Tác giả: Nguyễn Hạnh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật