Thứ sáu, 22/11/2024 - 14:54

Tìm giải pháp phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam bền vững

Chiều 26/7, Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng trường Đại học Tài chính Marketing tổ chức Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam: Cơ hội và thách thức”.

Hội thảo được tổ chức nhằm tạo môi trường chia sẻ kết quả nghiên cứu, quan điểm và trao đổi học thuật giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, giảng viên, các bạn sinh viên từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, học viện, doanh nghiệp trong lĩnh vực Logistics tại Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing nhận định: “Với tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 16 - 20%, Logistics là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng đều và vững chắc của Việt Nam trong thời gian qua.

Tuy nhiên, chi phí Logistics của Việt Nam còn cao, tương đương khoảng 20% GDP năm 2022, trong khi với các nước phát triển chi phí này chỉ chiếm khoảng 10 - 14% (chẳng hạn như Singapore là 9%). Chỉ số này càng cao thì thể hiện trình độ phát triển của ngành Logistics càng thấp”.

TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing
TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tài chính - Marketing phát biểu tại hội thảo

Theo các kết quả dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển Logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành Logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, cũng như có nhu cầu khoảng 200.000 nhân lực Logistics. Tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực hiện đạt khoảng 7,5% mỗi năm. Mức tăng trưởng nguồn nhân lực này được cho là thấp hơn mức tăng trưởng trung bình của ngành dịch vụ Logistics, từ 15 - 20% mỗi năm.

Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn nhân lực giữ ở mức 7,5%/năm trong giai đoạn 2016 - 2030, thì có khoảng 117.532 người sẽ cần được đào tạo và hiện đang xảy ra tình trạng thiếu nguồn nhân lực Logistics đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Hội thảo tập trung thảo luận, đánh giá thực trạng về ngành Logistics Việt nam và đưa ra các đề xuất, giải pháp cụ thể để cải thiện năng lực Logistics của Việt Nam; Thông qua đó tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ và giải quyết những thách thức liên quan đến vận chuyển và phân phối hàng hóa trong nước và quốc tế”, TS. Lê Trung Đạo nhấn mạnh.

Các tác giả báo cáo ý tưởng của mình trong phiên báo cáo poster
Các tác giả trình bày ý tưởng của mình trong phiên báo cáo poster cho Ban Giám khảo

Sau thời gian triển khai, hội thảo nhận được 67 bài báo cáo của 137 tác giả gửi tham dự xoay quanh các vấn đề như: Cơ hội, thách thức của ngành dịch vụ Logistics Việt Nam trong bối cảnh mới, giải pháp thúc đẩy hoạt động; Kinh nghiệm các nước và một số bài học để phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam, phát triển chuỗi cung ứng xanh; Vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Logistics; Xu hướng phát triển của ngành dịch vụ Logistics hậu đại dịch COVID-19; Logistics trong nền kinh tế số; Ứng dụng công nghệ số nhằm phát triển hoạt động Logistics và tối ưu hóa chuỗi cung ứng; Phát triển bền vững, đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng Logistics tại Việt Nam với thế giới; Phát triển nguồn nhân lực dịch vụ Logistics; Giải pháp và chính sách đặc thù hỗ trợ, thúc đẩy phát triển dịch vụ Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam…

Các tác phẩm tham gia dự thi 2 phiên: Phiên báo cáo poster và phiên tham luận. Tại các phiên, mỗi tác giả có khoảng thời gian để trình bày về ý tưởng, nghiên cứu của mình. Sau đó, các bạn được lắng nghe những lời góp ý, nhận xét cũng như tiến hành phản biện các câu hỏi từ Ban Giám khảo để làm rõ đề tài của mình hơn.

Trải qua nhiều phiên thi, nhiều tác phẩm xuất sắc đã nhận được các phần thưởng giá trị từ hội thảo bao gồm tiền thưởng và Giấy khen từ Ban Tổ chức.

Nhiều tác phẩm xuất sắc đã nhận được Giấy khen và tiền thưởng từ Ban tổ chức hội thảo
Nhiều tác phẩm xuất sắc đã nhận được Giấy khen và tiền thưởng từ Ban Tổ chức hội thảo

Cũng tại hội thảo, diễn giả PGS.TS Hà Thị Ngọc Oanh, Phó Trưởng ban Kiểm tra Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics VN (VALOMA) và diễn giả Vũ Thị Tâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển Nguồn nhân lực Tân Cảng STC đã có những báo cáo tham luận về thực trạng kinh doanh dịch vụ Logistics cũng như thực trạng nhân lực Logistics tại Việt Nam.

Lượt xem: 9
Tác giả: Bảo Anh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật