TP Hồ Chí Minh xây dựng phương án đảm bảo hàng hóa phục vụ Tết
Chiều 3/11, UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức họp báo về tình hình phát triển kinh tế, xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022; Nhiệm vụ, giải pháp tháng 11 năm 2022...
Tại buổi họp báo, các đơn vị chức năng đã giải đáp nhiều thắc mắc liên quan đến việc cung ứng hàng hóa dịp Tết 2023.
Quang cảnh buổi họp báo |
Thông tin về tình hình cung ứng hàng hóa từ nay đến dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, TP đã xác định nhiệm vụ trọng tâm phải đảm bảo nguồn cung, lưu thông, tiếp nhận, vận hành hiệu quả các hệ thống phân phối để đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho người dân.
"Hiện ngành Công thương TP Hồ Chí Minh đang tập trung đôn đốc các doanh nghiệp bình ổn thị trường xây dựng phương án tạo nguồn hàng, thu mua, dự trữ đúng tiến độ kế hoạch của UBND TP đã ban hành; Đảm bảo sản lượng cung ứng ra thị trường đầy đủ, giá bán ổn định phục vụ cho người dân.
Theo kế hoạch, lượng hàng bình ổn thị trường trong tháng Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 dự kiến đáp ứng từ 25 - 43% nhu cầu thị trường”, ông Lê Huỳnh Minh Tú cho biết thêm.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, ngành Công thương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các hệ thống phân phối trên địa bàn, vận động chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác trong giai đoạn hiện nay để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu online, kết nối cung cầu chuyên đề, mùa vụ, trong đó trọng tâm là hoạt động kết nối tập trung.
Bên cạnh đó, TP tiếp tục tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại kích cầu tiêu dùng, nổi bật là đợt 2 chương trình “Shopping Season 2022” với chủ đề “Rộn ràng mua sắm mùa xuân” sẽ diễn ra từ ngày 15/11 đến 15/12/2022 và hội chợ hàng tiêu dùng cuối năm.
Mặt khác, ngành Công thương cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường không để xảy ra việc đầu cơ, găm hàng, lưu thông hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc.
Theo Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến nay, trên toàn địa bàn TP có 10.983 điểm bán hàng bình ổn thị trường, bao gồm 4.209 điểm bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu; 881 điểm bán các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng; 1.711 điểm bán sữa và 4.182 điểm bán các mặt hàng dược phẩm.
Chương trình bình ổn năm 2022, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn chiếm 79% thị phần; Thịt gia cầm chiếm 34%; Dầu ăn chiếm 28%; Đường chiếm 21%; Thịt gia súc chiếm 19%... Tổng doanh thu của chương trình năm 2022 ước đạt gần 22.400 tỷ đồng.