Thứ sáu, 20/09/2024 - 05:07

Quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi rửa tiền trên không gian mạng

Theo Giám đốc Công an thành phố (CATP) Hà Nội Nguyễn Hải Trung, Việt Nam hiện không thừa nhận tiền ảo, điện tử và tiền kỹ thuật số, nhưng thực tế có thị trường ngầm hoạt động sôi động. Phần lớn tội lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền. Vì vậy, để cấm, quản lý, xử lý với giao dịch tiền ảo cần có quy định.

 

Sáng 1/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật phòng, chống rửa tiền (sửa đổi).

Sử dụng khoa học công nghệ để rửa tiền

Đại biểu Hoàng Thị Đôi (đoàn Sơn La) cho rằng, khoa học công nghệ phát triển tác động tích cực, làm thay đổi cuộc sống, tuy nhiên các tội phạm công nghệ cũng từ đó mà tăng theo, đặc biệt các hành vi lợi dụng dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện trao đổi, giao dịch cá nhân có xu hướng toàn cầu.

Quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi rửa tiền trên không gian mạng
Đại biểu Hoàng Thị Đôi

Đại biểu cho biết, tội phạm lợi dụng khoa học công nghệ để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật có chiều hướng gia tăng, không loại trừ có các hành vi rửa tiền. Hiện tại, có một loại dữ liệu trên không gian mạng được một số người gán cho giá trị, được gọi là tiền mã hóa, tiền kỹ thuật số, tiền điện tử.

Có tình trạng sử dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trên không gian mạng để thực hiện các thỏa thuận trao đổi giữa các cá nhân trên phạm vi toàn cầu, vượt qua các quy định về mặt tài chính, tiền tệ của các quốc gia, khu vực.

Đại biểu nhấn mạnh, đây là giao dịch trên các nền tảng trực tuyến, hoặc thỏa thuận cá nhân không chính thức, không hề được kiểm soát, do loại dữ liệu này chưa được pháp luật công nhận về mặt giá trị nhưng không vì thế mà không tồn tại các giao dịch, trao đổi thỏa thuận với chức năng như có đồng tiền riêng thực thụ.

Đại biểu cho rằng, ở khía cạnh nào đó, đã tồn tại thị trường giao dịch loại dữ liệu trên không gian mạng này, xét về kinh tế thì có tiền thật, tài sản thật đổ vào tài nguyên này, chưa có pháp luật kiểm soát, dẫn tới hậu quả là gây nhiều thiệt hại cho nhiều người dân.

Đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 theo hướng, quy định khung pháp lý để kiểm soát toàn bộ các hình thức chuyển đổi, thỏa thuận trao đổi tiền thông qua các công cụ mã hóa trên không gian mạng, nhằm thực hiện phòng, chống rửa tiền và các loại tội phạm có liên quan. Đồng thời, cần lưu ý về định kỳ đánh giá tốc độ phát triển và nguy cơ rủi ro về rửa tiền trong hoạt động mà đại biểu đã đề cập ở trên.

Cần có quy định quản lý tài sản ảo, tiền ảo để đưa vào đối tượng báo cáo rửa tiền

Cũng liên quan tới không gian mạng, đại biểu Nguyễn Hải Trung (đoàn Hà Nội) cho biết, hiện Công an TP Hà Nội đang điều tra vụ án với tội danh lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và rửa tiền với số tiền ước tính có thể lên đến nhiều nghìn tỷ. Đối tượng chủ mưu, tổ chức các hoạt động phạm tội này là người nước ngoài, thuê rất nhiều người nước khác, trong đó có người Việt Nam, trụ sở, địa điểm tổ chức thực hiện hành vi phạm tội là ở nước ngoài và công cụ, phương tiện, thiết bị phạm tội cũng ở nước ngoài.

Phương thức phạm tội rất tinh vi. Sau khi nhận tiền của người bị hại thì chia nhỏ gửi qua nhiều tài khoản, sau đó chụm vào 1 tài khoản ảo, rồi rút ra tiền mặt.

Quy định chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi rửa tiền trên không gian mạng
Đại biểu Nguyễn Hải Trung

Góp ý vào một số nội dung tại Dự án Luật phòng, chống rửa tiền, đại biểu Nguyễn Hải Trung nêu lên 4 vấn đề:

Thứ nhất, cần đảm bảo tính chính danh khi đăng ký mở sử dụng tài khoản. Thời gian qua nổi lên việc sử dụng thông tin, giấy tờ giả hoặc thuê người mở tài khoản, sau đó bán lại tài khoản cho đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

Mục đích của hành vi này nhằm che giấu thông tin về tài sản cá nhân, tổ chức sở hữu tài sản, tránh né, gây khó khăn cho việc phát hiện tội phạm cho cơ quan quản lý Nhà nước.

Do vậy, theo Trung tướng Nguyễn Hải Trung, nếu nhận diện xác định rõ đối tượng sử dụng tài khoản sẽ góp phần triệt tiêu được việc giả mạo thông tin tài khoản.

“Cần có cơ chế phối hợp, đối chiếu thông tin tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phòng tránh các trường hợp sử dụng tài khoản giả”, đại biểu Nguyễn Hải Trung nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, tổ chức cung cấp tài khoản, dịch vụ ngân hàng điện tử, giao dịch điện tử phải có đầy đủ, đồng bộ cơ sở vật chất trang thiết bị nhận diện, và xác định thông tin người dùng.

Ngoài ra, cần đưa hành vi mua bán tài khoản, sử dụng thông tin, giấy tờ giả mở tài khoản vào hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 8 của Dự thảo luật để tạo cơ sở xem xét, xử lý đối tượng phạm tội, đảm bảo răn đe với các cá nhân và tổ chức khác.

Thứ hai, cần bổ sung thêm 1 điều luật quy định riêng về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong phòng, chống rửa tiền trong việc quản lý ban hành văn bản, hướng dẫn phòng chống rửa tiền như yêu cầu Văn phòng đăng ký đất đai rà soát phát hiện giao dịch đáng ngờ liên quan đến các cá nhân sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn…

Thứ ba, cần có quy định quản lý tài sản ảo, tiền ảo để đưa vào đối tượng báo cáo rửa tiền.

Cũng theo Giám đốc CATP Hà Nội, Việt Nam hiện không thừa nhận tiền ảo, điện tử và tiền kỹ thuật số, nhưng thực tế có thị trường ngầm hoạt động sôi động. Phần lớn tội lừa đảo đều thông qua tiền ảo để rửa tiền. Vì vậy, để cấm, quản lý, xử lý với giao dịch tiền ảo cần có quy định.

Thứ tư, cần có cơ chế sớm hơn, nhanh hơn để trì hoãn giao dịch, phong tỏa tài khoản đáng ngờ có dấu hiệu phạm tội. Bởi lẽ, phương thức thủ đoạn của các đối tượng phạm tội lừa đảo qua mạng là trong thời gian sớm nhất, nhanh nhất sau khi lấy tiền của bị hại sẽ thực hiện rút tiền. Nếu chờ bắt và tạm giữ được đối tượng thì sẽ quá muộn, gây khó khăn cho quá trình điều tra và thu hồi tài sản cho bị hại.

Liên quan tới nội dung này, trong phần giải trình của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết: Trong quá trình xây dựng, cơ quan soạn thảo đã đưa các hoạt động cung cấp dịch vụ tài sản ảo hay kinh doanh tài chính tiền tệ trên nền tảng về công nghệ vào trong dự thảo luật nhưng trong quá trình tham vấn ý kiến qua nhiều vòng, các ý kiến cho rằng các hoạt động này chưa được quy định trong các văn bản quy định pháp luật hiện hành vì vậy chưa nên đưa vào dự thảo Luật.

Chính vì vậy, quy định này sẽ giao Chính phủ bổ sung đối tượng báo cáo sau khi được sự chấp thuận, đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Lượt xem: 64
Tác giả: Hạnh Nguyên
Tin liên quan