Thứ hai, 14/10/2024 - 02:54

'Em bé quốc dân' Pam òa khóc tại sự kiện: Đừng để tuổi thơ con em trở thành 'content'

Việc bé Pam òa khóc tại sự kiện fan meeting là bài học về trách nhiệm của phụ huynh và xã hội trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em trước sức ép của thời đại số.

Những ngày qua, cộng đồng mạng xã hội đang xôn xao, bức xúc khi chứng kiến hình ảnh bé Pam, một nhóc tì có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL), òa khóc tại một buổi giao lưu với người hâm mộ (fan meeting).

Vụ việc bé Pam òa khóc tại sự kiện: Đừng để tuổi thơ con em trở thành 'content'!
Bé Pam trong buổi giao lưu với người hâm mộ tại TP.HCM. Ảnh: MXH

Cụ thể, trong một sự kiện được tổ chức công khai mới đây tại TP.HCM, gia đình của bé Pam là KOL duy nhất tham gia giao lưu, nên đã rất đông fan kéo đến chờ đón sự xuất hiện của “idol nhí”. Tuy nhiên khi xuất hiện, Pam đã la khóc rất lớn, phải mất khá lâu để bố mẹ cũng như MC sự kiện giúp sức mới có thể dỗ dành, giúp Pam bình tĩnh lại.

Đỉnh điểm là khi gia đình Pam ra về, đã có một lượng người hâm mộ vây xung quanh bé, thậm chí còn đưa dài những cánh tay ra với mong muốn được chạm vào người Pam. Tuy nhiên, bố mẹ của Pam không có bất kì động thái nào để bảo vệ con của mình, qua đó đã khiến không ít những người đã làm cha, làm mẹ cảm thấy bức xúc.

Trên mạng xã hội Threads, nhiều người đã bày tỏ sự phản đối khi biết một em bé chỉ hơn 2 tuổi đã phải tham gia những sự kiện đông đúc, ồn ào, náo loạn như trên. Ngoài ra, nhiều người đã bày tỏ sự thiếu cảm tình, thất vọng cũng như khó hiểu với cách lựa chọn công việc của bố mẹ Pam dành cho em bé.

Vụ việc bé Pam òa khóc tại sự kiện: Đừng để tuổi thơ con em trở thành 'content'!
Một số ý kiến phản đối hành động của bố mẹ bé Pam trên mạng xã hội Threads. Ảnh chụp màn hình

Các "KOL nhí" như bé Pam có thể là hiện tượng mới trên mạng xã hội Việt Nam, nhưng tại Mỹ, đây đã trở thành một "công nghiệp" có giá trị khổng lồ, với giá trị ước tính vào khoảng 21 triệu USD vào năm 2023, theo trang web Influencer Marketing Hub. Mặc dù là "ngôi sao chính", nhưng trong một ngành công nghiệp lớn như vậy, nguy cơ các "KOL nhí" bị lợi dụng vẫn luôn hiện hữu.

Tháng 3 vừa qua, tạp chí Cosmopolitan (Mỹ) đã đăng tải một bài phóng sự điều tra với tiêu đề: “Cái giá cho một tuổi thơ bị biến thành content là bao nhiêu?”. Nhân vật chính của bài phóng sự là Vanessa, một cựu “KOL nhí” đã phải tạo “content” để nuôi sống gia đình xuyên suốt thời thơ ấu của mình, chỉ để nhận ra rằng, một khi chị bước sang tuổi 18, gia đình của chị không để lại cho chị một đồng nào.

Trả lời phỏng vấn, chị Vanessa chia sẻ: “Nếu như tôi không cố gắng duy trì hình ảnh tốt đẹp trước máy quay, gia đình tôi sẽ chuyển sang buộc tội tôi vì đã không quan tâm đến họ. Mẹ tôi đã từng nói với tôi: "Con muốn chúng ta chết đói hay sao? Con muốn chúng ta không thể trả tiền thuê nhà vào tháng tới hay sao?"

Bên cạnh những áp lực về tài chính, việc trở thành những “KOL nhí” còn có ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình phát triển của trẻ. Một nghiên cứu của Đại học bang Missouri (Mỹ) vào năm 2020 đã chỉ ra rằng, nếu tiếp xúc với danh vọng từ quá sớm, trẻ em có thể sẽ phải bỏ lỡ cơ hội được đến trường, được tham gia các chương trình thể thao và vừa được giao lưu với những đứa trẻ khác.

Đặc biệt, trẻ em nổi tiếng trên mạng xã hội còn phải đối mặt với một số rủi ro nghiêm trọng hơn. Các em có thể sẽ mất đi quyền riêng tư, khi mọi hoạt động, suy nghĩ của các em có thể được đăng tải lên mạng Internet. Các em cũng thể bị tổn thương tâm lý do tiếp xúc với mạng xã hội quá nhiều ở độ tuổi còn quá nhỏ, đặc biệt là từ các hành động bắt nạt trên mạng và thậm chí là những lời đe dọa bạo lực từ người lạ.

May mắn thay, một số phụ huynh KOL cũng đã nhận ra được sự nguy hiểm khi cho con em mình xuất hiện trên mạng xã hội. Tiêu biểu như chị Bobbi Althoff, một Tiktoker 27 tuổi với 8,2 triệu người theo dõi, đã nỗ lực che dấu tên, cũng như khuôn mặt của các con mình trên Tiktok kể từ khi con cả của chị lên 2 tuổi.

Trả lời phỏng vấn tạp chí TeenVogue, chị Bobbi Althoff nói rằng, quyết định trên được đưa ra sau khi chị đăng tải một đoạn video về hành trình học nói của con và nhận được vô số những bình luận ác ý. Chị chia sẻ: “Điều gì xảy ra nếu con tôi lớn lên và đọc được những bình luận đó? Tôi muốn con tôi có cơ hội viết nên câu chuyện của riêng mình. Ngành giải trí là công việc của tôi, nhưng đó không phải là công việc của con tôi, và tôi không muốn biến nó thành công việc của chúng.”

Sau hành động của chị Althoff, nhiều KOL khác trên mạng xã hội Tiktok cũng đã hạn chế chia sẻ những hình ảnh về con của mình, do lo sợ chúng có thể ảnh hưởng đến tương lai các em. Tiêu biểu như chị Maia Knight, một tiktoker lớn với 7,8 triệu người theo dõi, hiện chỉ quay con mình từ phía sau lưng, thay vì quay trực diện như trước đó.

Vụ việc bé Pam òa khóc tại sự kiện: Đừng để tuổi thơ con em trở thành 'content'!
Maia Knight, một tiktoker với 7,8 triệu người theo dõi, chỉ quay con mình từ phía sau lưng để bảo vệ con mình trước áp lực từ mạng xã hội. Nguồn ảnh: Maia Knight - Instagram

Giải thích cho quyết định của mình, chị Maia nói: "Tôi đã quyết định làm điều này vì các cô con gái của mình, với mục đích để bảo vệ chúng". Tương tự, chị Laura Fritz, một KOL với 2,7 triệu người theo dõi, đã tuyên bố chị sẽ dừng hoạt động trên TikTok với lý do: “Tôi muốn các con mình có một cuộc sống bình thường khi lớn lên, mà không có áp lực từ mạng xã hội".

Quay trở lại câu chuyện của bé Pam, nhiều người đã cho rằng, bố mẹ bé luôn biết cách chăm sóc bảo vệ con gái, và thậm chí là đưa con đi sự kiện để giúp bé “mạnh dạn” hơn. Tuy nhiên, những hành động trên dường như lại đi ngược với chính những gì mà mẹ em đã từng chia sẻ trên mạng xã hội.

Vụ việc bé Pam òa khóc tại sự kiện: Đừng để tuổi thơ con em trở thành 'content'!
Dòng trạng thái của KOL Salim (mẹ bé Pam) trên mạng xã hội Threads nói về việc hạn chế cho bé tiếp xúc với máy quay. Ảnh chụp màn hình

Hiện nay, các quy ước pháp luật quốc tế nhằm bảo vệ quyền lợi cho những "KOL nhí" vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Điển hình là tại Mỹ, trong tổng số 50 bang, chỉ có duy nhất bang Illinois cho phép các em nhỏ nhận được một khoản thu nhập từ các video có sự tham gia của mình.

Vì vậy, trước khi luật pháp hoàn thiện, người có trách nhiệm cao nhất để bảo vệ những "KOL nhí" là chính phụ huynh của các em. Với cương vị là người chăm sóc con em của mình, mỗi phụ huynh đặc biệt phải có trách nhiệm trong việc lắng nghe, để ý đến tâm trạng của các em, cũng như phải mạnh mẽ bảo vệ các em khỏi các mối nguy hiểm trên mạng xã hội cũng như ở ngoài đời.

Ngoài ra, những người hâm mộ các KOL cũng cần phải nâng cao trọng trách của mình. Với tư cách là fan của các “KOL nhí”, cộng đồng phải có trách nhiệm chỉ tên, lên án những hành vi tiềm ẩn nguy cơ gây hại đến sức khỏe của các em. Ngoài ra, nhiều người hâm mộ cũng cần nhìn lại, tự vấn bản thân, để tránh có hành động gây hại đến tâm lý của các "KOL nhí". Qua đó, những người như bé Pam có thể sống một tuổi thơ yên bình, hạnh phúc giống như bao em nhỏ khác.

Bé Pam (hay còn được gọi là Pam Yêu Ơi hoặc Pamiuoi) là con gái của KOL Salim (tên thật Hoàng Kim Ngân) và thiếu gia Hải Long của tập đoàn may mặc DHA Garment. Hiện tại, em có hơn 1 triệu người theo dõi trên mạng xã hội Instagram, cùng 2,3 triệu người theo dõi trên trang TikTok. Bé Pam có được một lượng fan hâm mộ rầm rộ nhờ năng lượng rất tích cực, dễ thương của em trong những video trên mạng xã hội.
 
Lượt xem: 4
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật