Thứ sáu, 22/11/2024 - 15:32

Người kiến trúc sư Ba Lan và tâm nguyện với Mỹ Sơn

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Việt Nam vừa bước ra khỏi chiến tranh với tư thế của người chiến thắng nhưng mang trên mình đầy thương tích. Những di tích lịch sử đã từng chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử như Huế, Hội An, Tháp Chàm… bị hư hại trầm trọng do hậu quả của chiến tranh và thời gian. Trong đoàn quân của tổ chức “phục hồi các di tích quốc gia”(PK2) thuở ấy có một người đã tình nguyện đến Việt Nam và gắn bó nơi đây cho đến khi trút hơi thở cuối cùng, đó là Kiến trúc sư KaZimierz KWiatkowski, tên thường gọi là Kazik.

Người bạn lớn của Mỹ Sơn, Hội An

Kazik sinh năm 1944 tại tỉnh Luplin, nơi có những hàng bạch dương, những làn sương trắng. Thế chiến thứ 2 tàn phá đất nước Ba Lan quê hương ông.

Với lòng say mê và khả năng thiên bẩm của mình trong công cuộc trùng tu Thủ đô Vacxava, ông đã đến với những di tích nằm bên ngoài biên giới của Ba Lan, trong đó có Việt Nam.

Người kiến trúc sư Ba Lan và tâm nguyện với Mỹ Sơn

Kiến trúc sư KaZimierz KWiatkowski, tên thường gọi là Kazik

Thời điểm Kazik đến Việt Nam thật đặc biệt, đất nước Ba Lan đang ồn ào với những cuộc biểu tình của Cách mạng Nhung. Giữa lúc đó, Kazik bỏ mặc những biến động của lịch sử, dành tình yêu, sự quan tâm cho một vùng đất còn rất nhiều khó khăn mà không nghĩ đến tiền tài… Bắt đầu từ đây, ông có một cuộc sống khác, trở thành người bạn, người con của những di tích Việt Nam.

Những ngày ấy, người dân Hội An còn đang đói nghèo, dồn mọi sức lực để hàn gắn vết thương chiến tranh. Thời ấy, người ta chỉ quan tâm đến giá gạo mà chẳng ai chú ý tới “mấy ngôi nhà cổ”. Thế rồi, ở thị xã bỗng xuất hiện một ông Tây mắt xanh, râu rậm. Đôi mắt “khả nghi” của ông như muốn “ăn sống” từng ngôi nhà, góc phố, hỏi chuyện tỉ mỉ từ trang bị nội thất. Nhiều người cho rằng đó là “gián điệp”.

Khi được nhà chức trách giải thích “ông ấy là kiến trúc sư” đến giúp đỡ Việt Nam phục hồi các khu di tích thì mọi người dần tin và bắt đầu có cảm giác đó là một người dân phố cổ.

Những người dân sống ở Hội An sẽ mãi nhớ đến công lao của Kazik, là người đầu tiên cùng giáo sư Hoàng Đạo Kính phát hiện ra “Hội An đô thị cổ” thuộc loại “vô tiền khoáng hậu” ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Những lời nhận xét, đánh giá của ông về Hội An là tiếng chuông vang động từ Bắc chí Nam, vươn ra cả thế giới. Nó khiến mọi người chú ý đến những “kho vàng” đang bị lớp bụi thời gian phủ kín.

Trong bản báo cáo với tổ chức PK2, ông viết: “Hội An là đô thị cổ có vẻ đẹp không trùng lặp với bất cứ đô thị nào khác, thể hiện trong kiến trúc phố phường, sự phong phú kiến trúc, sự hoàn hảo trong nghệ thuật chạm khắc nội thất… Những đặc điểm như vậy đã đưa quần thể kiến trúc di tích phố cổ Hội An lên vị trí hàng đầu trong kho tàng văn hóa nhân loại…”.

Với những nhận xét này, Chính phủ Ba Lan, UNESCO, bạn bè của Kazik đã tài trợ kinh phí để ông và nhóm chuyên gia làm việc.

Ngày nay, chúng ta đã quá quen với dịch vụ “cơm cung đình”, cho thuê những ngôi nhà cổ… nhưng cách đây ngót 40 năm thì không ai nghĩ đến những kiểu kinh doanh này.

Với sự hiểu biết và cách nghĩ của người Châu Âu, Kazik đã mách bảo: “Du khách đến đây không phải để ngủ trong khách sạn 5 sao… Tôi sẵn sàng trả rất nhiều tiền để được ngủ một đêm trong ngôi nhà cổ”. Ý tưởng này hiện nay đã và đang là dịch vụ “hốt bạc” ở rất nhiều nơi như Huế, Hội An.

Người kiến trúc sư Ba Lan và tâm nguyện với Mỹ Sơn

Phù điêu kiến trúc sư Kazik tại Hội An

Với các Tháp Chàm, Kazik là người bạn, là “gã phù thủy” có phép thần đã đưa nhiều di tích từ dạng phế tích trở về vẻ đẹp hoàn mỹ vốn có. Đã nhiều năm, chúng ta quen với kiểu trùng tu “vá áo”, làm biến dạng các bề mặt di tích.

Hơn 10 năm Kazik cầm đầu nhóm chuyên gia nghiên cứu, khảo sát, thiết kế trùng tu các di tích Tháp Chàm và các di tích khắp miền Trung. Với hàng ngàn bản vẽ, trang ghi chép, Kazik đã đưa Tháp Chàm ra ánh sáng sau nhiều năm bị lãng quên.

Trong việc trùng tu bằng đất nung, Kazik tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc “trùng tu khảo cổ học”, đó là giữ gìn di tích gốc, thành phần gốc, không làm sai lệch di tích… Theo nguyên tắc này, ông đã làm sống lại các di tích ở Quảng Nam, Bình Định, Bình Thuận…

Hiệp sĩ Tháp Chàm

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Câu nói này càng đúng khi đoàn tình nguyện sang Việt Nam có nhiều người song chỉ có Kazik là bám trụ đến cùng. Theo như Kazik giải thích “họ sợ đỉa” nhưng chắc hẳn các chuyên gia đó rời Việt Nam vì lý do kinh tế. Nếu họ làm việc ở Ấn Độ, Ai Cập sẽ nhận được lương bằng USD, còn làm ở Việt Nam, PK2 sẽ trả với mức lương chỉ đủ nuôi gia đình trong vòng 1 tuần.

Trong thời gian ở Mỹ Sơn, đã có 8 người trong đoàn khảo cổ của kiến trúc sư Kazik thiệt mạng do bom đạn còn lại sau chiến tranh, do bệnh tật và cuộc sống kham khổ.

Với tấm lòng nghĩa hiệp, Kazik “trọng nghĩa khinh tài”, bất chấp khó khăn. Làm việc ở Mỹ Sơn, đường đi khó khăn, sợ mất thời gian Kazik xin vào ở hẳn trong “khách sạn” Mỹ Sơn, ngủ trong “màn trời chiếu đất”. Khi thấy anh em phải vận chuyển nước ăn từ xa đến, vì sợ nước ở Mỹ Sơn nhiễm độc, Kazik bảo: “Dùng nước suối cho tiện. Cứ cho mình nhiều nước mắm. Nước mắm sẽ giải độc”. Bởi Kazik vốn rất thích nước mắm.

Vẻ đẹp huyền bí của Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Vẻ đẹp huyền bí của Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Kazik rất yêu Tháp Chàm. Mỗi khi nhìn thấy tháp, Kazik đều xuống xe quan sát, ghi chép, phác thảo dự án trùng tu. Khi rộ lên nạn đào trộm tháp để tìm vàng, nhặt những viên gạch lên, Kazik đau xót nói: “Đây mới là những thỏi vàng vô giá”.

Không chỉ coi thường vật chất, Kazik còn biết cách đem về những nguồn tài trợ quý giá. Năm 1990, khi nguồn tài trợ của Chính phủ Ba Lan không còn, Kazik bằng hiểu biết của mình đã “thôi miên” bà Wulf, một người giàu có yêu quý văn hóa Việt Nam thành lập “Hội những người yêu văn hóa Chàm” ở Đức. Tấm ngân phiếu 11 nghìn USD đã giúp đỡ Kazik rất nhiều.

“Nếu tôi chết hãy chôn tôi tại Mỹ Sơn”

Trong thời gian công tác tại Mỹ Sơn, mỗi buổi chiều tà, ngồi trong thung lũng ngắm hoàng hôn, Kazik thường tâm sự: “Mình là người Mỹ Sơn, khi chết, ước nguyện được chôn ở đây”. Không ai dám nghĩ tới điều đó, chỉ coi đấy là câu hài hước của “lão thầy lang” hóm hỉnh.

Ai ngờ câu nói đó trở thành định mệnh, 16h ngày 19/3/1997, Kazik ra đi ở Huế khi đang tham gia trùng tu Đại Nội. Cuộc đời của Kazik không bao giờ ân hận về điều đó.

“Nếu tôi còn có một cuộc đời nữa, đi lại còn đường mình đã đi, tôi lại sang Việt Nam, đến với Tháp Chàm”. Tháp Chàm, Hội An đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Ở nơi xa, Kazik hãy về vui cùng người dân nước Việt và nhận sự biết ơn chân thành!

Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 3
Tác giả: Quang Anh
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật