Thứ sáu, 20/09/2024 - 06:23

Nhật ký mang thai của nhà thơ Xuân Quỳnh có gì?

Sách "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn" có phần nhật ký của nhà thơ Xuân Quỳnh ghi lại những khó khăn, tủi hờn khi mang thai.

Cuốn sách do Lưu Khánh Thơ - em gái Lưu Quang Vũ - biên soạn, công ty Nhã Nam phát hành dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của Xuân Quỳnh (6/10/1942-6/10/2022).

Nhật ký mang thai của nhà thơ Xuân Quỳnh có gì?
Sách "Trong đáy mắt trời xanh là vĩnh viễn"

Trong đó, có đăng phần ghi chép của nữ sĩ khi mang thai con đầu lòng với chồng đầu - nghệ sĩ violin Lưu Tuấn.

Chẳng hạn như: Vào thời điểm ngày 9/10/1965, nữ sĩ Xuân Quỳnh đã ghi: "Tôi về nhận công tác ở báo Văn nghệ, thấy buồn, tủi và lo cái sự nghiệp mình lại bấp bênh như trước. Đi khám phụ khoa, người ta không rõ gì cả vì bụng tôi còn nhỏ hơn bình thường. Tại tôi gầy quá! Tôi vẫn chưa tin là tôi lại có thể có con. Có con thì thế nào, tôi không hình dung nổi...

Vào ngày 1/11/1965, nữ sĩ viết tiếp: "Lại đi khám phụ khoa. Người ta bảo đã có mang ba tháng. Người ta tiêm cho tôi một mũi tiêm chủng lao cho trẻ con. Và trích máu ở đầu ngón tay tôi để thử. Đó là cái đau về thể xác đầu tiên tôi chịu thay cho con tôi. Tôi vẫn buồn nôn, không thể ăn được nhiều".

Ngày 2/12/1965, nhà thơ Xuân Quỳnh ghi lại: "Càng ngày, thai càng đạp mạnh. Đêm qua nó đạp mạnh quá tôi không ngủ được. Mệt nhưng tôi cảm thấy vui hơn. Niềm vui của tôi mỗi buổi tối là được để tay lên bụng nghe nó đạp. Lúc nào nó không đạp tôi thấy nhớ quá.

Chao! Thật kỳ diệu! Tôi sắp sáng tạo ra một con người , con người đó lại thuộc về của riêng tôi - nó đang nằm trong bụng tôi đây. Nó đã cử động được. Tôi đã bắt đầu thấy yêu thương nó, mặc dù cái tình cảm đó chưa rõ rệt. Tôi chỉ lo rằng, con tôi ra đời trong thời chiến này, biết nó có chịu được những tiếng máy bay, tiếng bom đạn. Không sao đâu. Chao, nó bé bỏng thế! Còn tôi thì chả lo cho bản thân tôi"

Đặc biệt, là những tâm sự rất xúc động vào chiều 29/4/1966 của nữ sĩ: "Vào quãng ba giờ chiều, chị hộ lý bảo mọi người chuẩn bị quần áo, thay cho trẻ con để đón các cháu về đưa các bà mẹ. Mình lấy mũ của Mai Chi, một cái tã mới, một cái áo mới sang đưa cho chị. Một lúc thấy chị bế đứa trẻ về và hỏi: "Con ai đây, mẹ nó diện cho nó quá".

Mình cũng không nhận ra là con mình. Trông thằng bé nó đỏ và xấu. Tại sao mình cứ có ý nghĩ là con mình phải đẹp kia. Nhưng khi nhìn cái mũ và hỏi tên bố thì đúng là con mình (số giường 30, Lưu Tuấn Anh).

Lúc đó mình thấy lạ. Đây con mình đây. Mình đã sinh ra một con người thật sự, mình đã có con. Đứa trẻ nằm cạnh mình, nó ngọ nguậy. Một sinh vật thật kỳ lạ và rồi mình nghe nó khóc. Tiếng khóc yếu và đáng thương làm sao. Nó không gào lên và cũng không khóc oa oa như những đứa khác mà nó lại khóc "Ẹ... hẹ...e...he". Nghe thương quá! Cái giọng lại như um rụm.

Tiếng khóc mỏng manh và cả cái tấm thân tí xíu của nó đều gửi cậy ở mình"...

Một số bình luận để lại, qua nhật ký họ biết thêm phần nào về cuộc sống của nhà thơ tài năng này. "Câu từ đơn giản, chân chất nói lên nỗi cô đơn xen lẫn hạnh phúc lấp ló chân trời của nữ sĩ" - một độc giả bày tỏ.

Nhà thơ Xuân Quỳnh tên thật là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh (sinh ngày 6/10/1942, mất ngày 29/8/1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh. Quê quán xã La Khê, thị xã Hà Đông, Tỉnh Hà Đông, nay thuộc Quận Hà Đông, thành phố Hà Nội. Bà nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như: Thuyền và biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tự hát, Chuyện cổ tích về loài người...

 
Lượt xem: 85
Tác giả: Quỳnh Nga
Nguồn:congthuong.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan