Để doanh nghiệp, hợp tác xã "mặn mà" khi đầu tư vào nông nghiệp
Hiện nay, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản. Do vậy, rất cần các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng.
Theo thống kê, hiện nay, Hà Nội có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới; 9 doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; 250 doanh nghiệp đầu tư sơ chế, chế biến, tiêu thụ nông sản... Song, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội vẫn đang gặp không ít rào cản.
Nguyên nhân chính là do các doanh nghiệp, hợp tác xã đều gặp khó khăn về nguồn vốn và quỹ đất. Hơn nữa, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao, nên việc thuê đất sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Hà Nội có khoảng 20 doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất rau, hoa, cây ăn quả, giống lúa mới |
Để doanh nghiệp là người đồng hành, dẫn dắt và thúc đẩy hoạt động kinh tế nông nghiệp, các địa phương cần có một chính sách nhất quán, hài hòa, đồng bộ về quy hoạch nông nghiệp, định hướng phát triển bền vững.
Theo đó, việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản có vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, giúp nâng cao lợi ích của các bên tham gia chuỗi giá trị, nhất là đối với nông dân, tránh tình trạng "được mùa, mất giá"… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là nông dân vẫn còn "lúng túng" trong sản xuất cũng như hợp tác với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng.
Giám đốc Công ty CP Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên cho biết, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, các sở, ngành cần tham mưu với thành phố có thêm cơ chế về tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương…
Cần phải xây dựng mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản |
Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết: Việc xây dựng chuỗi liên kết đóng vai trò quan trọng trong bối cảnh biến động thị trường, rào cản thương mại, chi phí sản xuất tăng cao.
Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà phân phối trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản còn lỏng lẻo. Nguyên nhân là do quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún; Doang nghiệp chế biến, phân phối hoặc bao tiêu sản phẩm khó có thể ký kết hợp đồng đơn lẻ với hàng trăm hộ nông dân với quy mô sản xuất và trình độ canh tác khác nhau…
Do vậy, rất cần các địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng, gắn với đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật.