Thứ sáu, 23/05/2025 - 22:13

Tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư công

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, Việt Nam cần tạo thêm không gian cho tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công.

Giải ngân đầu tư công chưa đạt kỳ vọng

Việt Nam đang hướng tới mục tiêu thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Đây là mục tiêu tham vọng khi hiện nay, Việt Nam tiến gần đến ngưỡng thu nhập trung bình cao, đòi hỏi cần có đột phá trong cải cách thể chế trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động.

Tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư công

Các chuyên gia thảo luận về giải pháp đột phá thể chế cho một tương lai thu nhập cao của Việt Nam

Ông James Anderson, Chuyên gia trưởng về khu vực công của Ngân hàng thế giới phân tích: Một quốc gia muốn vượt qua bẫy thu nhập trung bình cần phải triển khai hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó, cần làm tốt cả về số lượng và hiệu quả đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Việt Nam hiện nay vẫn còn thấp hơn so với mức trung bình 96% ở các nước thu nhập cao. Tuy nhiên, để cải thiện thực chất, hệ thống đầu tư công cần thay đổi từ gốc, tức các quy trình, thể chế và cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành.

Một trong những nội dung quan trọng về cải cách thể chế được các chuyên gia kinh tế đề cập là tạo không gian phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân, bởi đây là khu vực “xương sống” của nền kinh tế.

Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên cho rằng, Việt Nam có đạt được mức thu nhập cao vào năm 2045 hay không phụ thuộc vào sự đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân.

"Theo đó, nếu khu vực kinh tế tư nhân không có cải thiện thì mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam sẽ trở nên xa vời", ông Trần Đình Thiên khẳng định.

Đầu tháng 5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân với nhiều mục tiêu và giải pháp mang tính đột phá để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân phát triển.

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhận định, Nghị quyết 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Tuy nhiên, để khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng nhất, Việt Nam cần tạo thêm không gian cho tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công. Cùng với đó, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo ra sự bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế tham gia đóng góp vào phát triển kinh tế.

Gỡ rào cản triển khai dự án đầu tư công trong thực tế

Cùng chung quan điểm tạo thuận lợi cho khu vực kinh tế tư nhân tham gia vào các dự án đầu tư công, ông James Anderson cho rằng: Nhìn vào những quốc gia đã trải qua giai đoạn chuyển đổi từ thu nhập trung bình đến thu nhập cao có thể nhận thấy, những quốc gia thành công là những quốc gia đã cải thiện được số lượng và chất lượng đầu tư công. Những quốc gia bị "mắc" lại ở ngưỡng thu nhập trung bình là các quốc gia không phát huy được hiệu quả đầu tư công.

Tạo thuận lợi cho khu vực tư nhân tham gia vào đầu tư công

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký VCCI (bên trái) chia sẻ

Cũng theo ông James Anderson, hệ thống pháp lý liên quan đến đầu tư công quá phức tạp và được quản lý điều hành bởi nhiều chính sách và cơ quan khác nhau, điều này gây ra những cản trở cho triển khai dự án đầu tư công trong thực tế.

Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của Việt Nam chỉ đạt 77,55% so với kế hoạch đề ra, trong khi đó các quốc gia thu nhập cao thường đạt trên 96% kế hoạch đầu tư công đã đặt ra. Theo đó, để đạt mức thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần cải cách thể chế, tạo thuận lợi cho đầu tư công phát triển.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề trên, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế, Phó Tổng Thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Việt Nam đang nỗ lực để cải thiện thể chế, hướng tới xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại.

Điều này đã được thể hiện thông qua việc Bộ Chính trị thời gian qua đã ban hành một loạt Nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 68-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân, đồng thời cải thiện về quy trình xây dựng chính sách pháp luật.

Thực tế, thời gian qua Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp cải cách thể chế đồng bộ như: Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 14/8/2023 về ban hành một số giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thi hành pháp luật nhằm ngăn ngừa tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ.

Chính phủ cũng có nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tập trung vào việc hoàn thiện thể chế, nhất là các vấn đề thực tiễn mới phát sinh cần điều chỉnh. Đồng thời, Chính phủ quyết liệt đốc thúc đẩy mạnh các giải pháp cải thiện hiệu quả giải ngân đầu tư công; thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của Chính phủ, nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, cơ quan, địa phương.

Với những nỗ lực trên, hy vọng những điểm nghẽn về thể chế sẽ được khắc phục trong thời gian tới, mở ra không gian phát triển mới để Việt Nam đạt mục tiêu thu nhập cao vào năm 2045.

 

 
Link bài gốc Copy link
 
Lượt xem: 5
Tác giả: Trí Nhân
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật