Đề xuất chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học
Với nhiều điểm mới mang tính đột phá, Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ tiếp sức cho đội ngũ khoa học mà còn đặt nền tảng để khoa học - công nghệ thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế bền vững.
Khi Dự thảo luật được thông qua, đội ngũ nhà khoa học sẽ có thêm động lực vì được bảo vệ, hỗ trợ tốt hơn trong quá trình nghiên cứu. Ảnh: H.Tuấn
“Chìa khóa” mở cánh cửa phát triển trong tương lai
Bàn về Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn Chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương - nhận định: “Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là một văn bản pháp lý vô cùng quan trọng. Dự thảo đã khẳng định vai trò, động lực then chốt của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với chuyển đổi số quốc gia; là đột phá quan trọng hàng đầu, động lực chính để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đưa đất nước phát triển bứt phá trong kỷ nguyên mới”.
Đánh giá về dự thảo luật, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, một điểm đột phá đáng chú ý là quy định về chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên theo dự thảo mới, nếu các nhà khoa học đã thực hiện đầy đủ quy trình, nỗ lực nghiên cứu nhưng kết quả không đạt kỳ vọng vì những nguyên nhân khách quan, thì họ không bị yêu cầu bồi thường ngân sách hay phải chịu trách nhiệm dân sự. Đây là cách nhìn rất cởi mở, đúng với bản chất của nghiên cứu khoa học - nơi luôn tiềm ẩn các yếu tố rủi ro” - bà Nga phân tích.
Một điểm tích cực khác trong dự thảo là các quy định liên quan đến thu hút và đãi ngộ nhân tài trong lĩnh vực khoa học - công nghệ. Theo đại biểu, khi luật được thông qua, đội ngũ nhà khoa học sẽ có thêm động lực vì được bảo vệ, hỗ trợ tốt hơn trong quá trình nghiên cứu.
Gỡ rào cản, nhà khoa học tự tin phát triển dự án
Chia sẻ với Lao Động, TS Nguyễn Văn Điệp (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần AVAC Việt Nam) - “cha đẻ” của vaccine dịch tả lợn châu Phi AVAC ASF LIVE cho biết, trước đây, doanh nghiệp từng cân nhắc việc sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cho các dự án khoa học, tuy nhiên điều này gặp nhiều hạn chế do thủ tục báo cáo và giải trình phức tạp.
Bên cạnh đó, việc sử dụng ngân sách Nhà nước cũng có thể làm mất đi tính bảo mật về khoa học - công nghệ của doanh nghiệp. Các sản phẩm nghiên cứu thường cần được triển khai nhanh để bắt kịp tốc độ cạnh tranh toàn cầu, đồng thời phải giữ bí mật công nghệ. Tuy nhiên, khi nhận tiền từ ngân sách, doanh nghiệp phải công khai và giải trình nhiều nội dung, gây không ít khó khăn.
“Bởi vậy, khi nhà nước có những chính sách khuyến khích doanh nghiệp phát triển khoa học - công nghệ, thậm chí tạo cơ chế tăng cường tự chủ cho doanh nghiệp, sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng hơn” - ông Điệp nhấn mạnh.