Ứng dụng AI điều trị rối loạn tiền đình
Rối loạn tiền đình là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra tình trạng chóng mặt, việc ứng dụng AI giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.
Ứng dụng AI điều trị rối loạn tiền đình không xâm lấn và có độ an toàn cao. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Theo thống kê từ Thư viện Y khoa Mỹ (PubMed), có đến 7,4% người trưởng thành từng trải qua triệu chứng này. Tuy nhiên, việc chẩn đoán chính xác rối loạn tiền đình trước đây thường gặp khó khăn do các biểu hiện dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh lý khác.
Trong những năm gần đây, y học đã có bước tiến quan trọng khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào chẩn đoán và điều trị rối loạn tiền đình. Tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, hệ thống đo chức năng tiền đình Interacoustics tích hợp công nghệ ảnh động giãn đồ VNG ứng dụng AI đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong lâm sàng.
ThS.BS.CKI Phạm Thái Duy, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM, cho biết: “Công nghệ này giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn các bệnh lý gây chóng mặt, mất thăng bằng, đồng thời phát hiện được những rối loạn tiền đình tiềm ẩn mà khám lâm sàng thông thường có thể bỏ sót”.
Hệ thống hoạt động dựa trên nguyên lý khảo sát chuyển động mắt thông qua phản xạ tiền đình - mắt. Người bệnh chỉ cần đeo một camera theo dõi chuyển động mắt, từ đó AI phân tích dữ liệu để phân loại rối loạn tiền đình do nguyên nhân trung ương hay ngoại biên. Ngoài việc xác định nguyên nhân, công nghệ còn hỗ trợ theo dõi đáp ứng điều trị bằng cách ghi lại các chỉ số thành đồ thị.
“Việc điều trị bệnh lý tiền đình phụ thuộc rất nhiều vào nguyên nhân. Không phải cứ chóng mặt là do tiền đình - có thể do stress, bệnh nội khoa, hay tác dụng phụ thuốc. Đo tiền đình bằng công nghệ mới giúp phân biệt nguyên nhân chính xác, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp” - bác sĩ Duy nhấn mạnh.
Ví dụ, nếu nghi ngờ người bệnh bị sỏi tiền đình, bác sĩ sẽ chỉ định các bài tập phục hồi qua tư thế cụ thể. Với trường hợp suy giảm chức năng tiền đình, người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu để khôi phục khả năng thăng bằng. Trong trường hợp viêm tiền đình, phác đồ điều trị nội khoa sẽ được áp dụng.
Đáng chú ý, hệ thống đo tiền đình ứng dụng AI này không xâm lấn và có độ an toàn cao. “Chống chỉ định chỉ ở mức tương đối - như người bệnh có vấn đề đặc thù về mắt hoặc cột sống. Một số trường hợp đang trong giai đoạn cấp tính của bệnh, chóng mặt quá nhiều thì nên trì hoãn đo để tránh gây hoảng loạn hoặc nôn ói”, bác sĩ Duy chia sẻ thêm.
Cuối cùng, việc xác định chính xác nguyên nhân giúp bác sĩ tiên lượng được mức độ nghiêm trọng và khả năng hồi phục. “Nếu chẩn đoán đúng và điều trị sớm, bệnh lý như sỏi tiền đình có thể hồi phục tới 90% chỉ sau 1 - 2 tuần. Với các bệnh lý mạn tính như suy tiền đình, việc phục hồi chức năng sớm cũng giúp người bệnh duy trì cuộc sống ổn định” - bác sĩ kết luận.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong đo và điều trị rối loạn tiền đình đã mở ra một kỷ nguyên mới trong y học chính xác, giúp người bệnh sớm thoát khỏi cơn chóng mặt quay cuồng, lấy lại sự cân bằng trong cuộc sống hàng ngày.