Thứ tư, 15/01/2025 - 12:07

“Lên rừng, xuống biển” khởi nghiệp

Lấy cảm hứng từ câu chuyện của mẹ, với nghề xe hương và làm nghề in giấy tiền truyền thống, cô gái 8X Bùi Thị Thủy đã gây dựng sản phẩm hương truyền thống với cách làm thủ công, cải tiến, học tập kỹ thuật của nhiều vùng miền để làm ra sản phẩm hương có nguồn gốc từ thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe.

Nhang bài cỏ tự nhiên

Hương bài cỏ tự nhiêm có thành phần gồm: rễ cây hương bài, keo bời lời, quế, hồi, thảo quả và một số thảo mộc khác. Khi thắp, hương bài có mùi thơm dịu nhẹ, dễ chịu, ít khói, mùi thơm đặc trưng của rễ cây hương bài. Sản phẩm thích hợp sử dụng cho gia đình, văn phòng, các không gian thiền định, tập yoga, spa, quán cafe, khách sạn…

Những nén hương không chỉ nâng cao giá trị hơn, giữ gìn những nét truyền thống lan tỏa không khí ấm áp, sum vầy tới mọi gia đình mà còn tạo công việc cho những người phụ nữ thôn quê, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và những người khuyết tật, kém may mắn.

Mâm ngũ quả tí hon

Nếu yêu thích nghệ thuật miniature (làm các đồ vật mini, tí hon), bạn có thể tham khảo ý tưởng làm trái cây, mâm ngũ quả từ đất sét độc đáo của chị Nguyễn Ánh Hồng (Hà Nội). Chị Hồng cho biết, sản phẩm có kích thước nhỏ hơn 12 lần so với bản gốc. Trong đó, công đoạn khó nhất là tạo chi tiết và tạo màu để sản phẩm giống thật vì mỗi loại rau củ có một đặc trưng riêng. Đất sét qua các công đoạn: nhào đất, trộn màu, tạo hình chi tiết, vẽ màu, phủ bóng, phủ bảo vệ sẽ "hô biến" thành những loại trái cây tí hon, để trang trí, làm quà tặng trong dịp Tết.

Với những "tín đồ" yêu thích sản phẩm mini, có thể đăng ký theo học lớp nặn đất sét của chị Nguyễn Ánh Hồng theo hình thức online. Lớp học có 2 nội dung để lựa chọn, theo từng cấp độ đơn giản đến phức tạp.

Lớp đơn giản sẽ hướng dẫn các kĩ thuật nặn cơ bản và tạo màu với đất sét và các bài thực hành với các mẫu: quả cà chua, củ khoai tây, quả xoài, quả đu đủ, quả na, củ cà rốt, củ cải, chùm nho, quả trứng, quả trứng chiên, hướng dẫn làm khuôn quả xoài và cách làm quả xoài từ khuôn để ứng dụng làm khuôn quả các loại khác. Giá học phí 499.000 đồng

Lớp hướng dẫn các kĩ thuật nâng cao với một loạt mẫu rau, củ, quả phức tạp, mẫu nặn bao gồm: bầu bí, rau bắp cải, rau cải chíp, dưa chuột, củ su hào, củ cải đỏ, quả thanh long, nải chuối, tự làm khuôn lá rau từ hai chất liệu, học phí 599.000 đồng.

Tái chế rác thải nhựa thành gạch 

Được sáng lập bởi Nzambi Matee, một phụ nữ người Kenya vào năm 2017, công ty khởi nghiệp Gjenge Makers đã và đang hiện thực hóa mục tiêu chống rác thải nhựa ở thủ đô Nairobi, tái chế rác thải nhựa thành gạch cứng hơn bê tông từ 5 đến 7 lần.

Với chuyên môn là kỹ sư vật liệu, Matee sử dụng hỗn hợp nhựa tái chế và cát, sau đó đem đi nén và nung để tạo ra loại gạch thay thế bền vững và chắc chắn. Cấu trúc dạng sợi của nhựa khiến sản phẩm được tạo ra không chỉ nhẹ mà còn ít giòn hơn bê tông. Để ngăn hàng tấn rác thải nhựa vứt đi ở các bãi chôn lấp trên khắp Kenya, Matee tìm kiếm các chất thải nhựa polyethylene và polypropylene từ nhà máy đóng gói địa phương, nơi họ không thể xử lý hoặc tái chế các nguyên liệu này được nữa.

Hiện tại, Gjenge Makers có hơn 110 nhân viên và có thể sản xuất 1.500 viên gạch mỗi ngày. Kể từ khi công ty được thành lập vào năm 2017, các nhân viên đã tái chế khoảng 20 tấn rác thải nhựa. Sản phẩm được bán với nhiều mức giá khác nhau, tùy theo độ dày và màu sắc, chẳng hạn loại gạch màu xám thông thường có giá 850 shilling Kenya (khoảng 174.000 đồng) cho mỗi mét vuông. Trong tương lai gần, Matee có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, tạo nên một dây chuyền sản xuất lớn hơn để tăng gấp ba công suất sản xuất của nhà máy.

Gjenge Makers hiện đang hướng đến 4 mục tiêu: giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải bằng cách tái chế và tận dụng nhựa, đồng thời cung cấp các sản phẩm xây dựng thay thế đẹp, chắc và bền; cung cấp cơ hội việc làm cho nhiều thanh niên có kỹ năng và chưa có kỹ năng ở Kenya và châu Phi nói chung; thúc đẩy văn hóa tái chế và nâng cao năng suất ở Kenya và châu Phi và cuối cùng là thúc đẩy, hỗ trợ thế hệ doanh nhân nữ kế tiếp trong lĩnh vực kỹ thuật.

Thực phẩm thay thế thịt

Đầu năm 2020, công ty khởi nghiệp Haofood ra mắt ở Thượng Hải, Trung Quốc, với mục tiêu phát triển các sản phẩm thay thế thịt gà làm từ đậu phộng. Haofood được thành lập bởi 4 thành viên Astrid Prajogo (ảnh nhỏ), Shaowei Liu, Jenny Zhu và Kasih Chen.

Sứ mệnh của Haofood là luôn mang đến cho khách hàng những món ăn chất lượng, từ hương vị, độ an toàn cho đến sự bổ dưỡng. Astrid Prajogo, "mẹ đẻ" của Haofood, một phụ nữ đến từ Indonesia là người có kinh nghiệm dày dặn với hơn 17 năm trong lĩnh vực ẩm thực, dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe. Khi nhận thức được nhiều vấn đề liên quan đến các sản phẩm làm từ động vật, Astrid đã phải đấu tranh để từ bỏ việc ăn thịt. Điều này đã khuyến khích cô chuyển sang lối sống dựa trên thực vật, nhưng có những món ăn từ động vật rất hấp dẫn như gà rán khiến Astrid không thể bỏ qua. Chính vì vậy, Astrid coi các sản phẩm thịt thay thế là cơ hội để bắt đầu công việc kinh doanh, đồng thời có thể giúp những người khác hướng tới lối sống dựa trên thực vật mà vẫn có thể ăn các món họ yêu thích.

Các lựa chọn thay thế thịt gà dựa trên thực vật của Haofood được xây dựng trong một quá trình nghiên cứu - phát triển nghiêm ngặt và khoa học để đảm bảo hương vị và kết cấu đáp ứng được mong đợi của người ăn thịt. Haofood là một trong những công ty khởi nghiệp đầu tiên trên thế giới sử dụng protein đậu phộng làm thành phần chính trong các sản phẩm thịt có nguồn gốc thực vật.

Lượt xem: 598
Tác giả: admin1
Nguồn:khoinghiep.org.vn Sao chép liên kết
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật