Khởi nghiệp từ cây chè dây, doanh thu 500 triệu đồng mỗi năm
Anh Hà Văn Hưng chọn huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam) để khởi nghiệp từ cây chè dây và hiện cho doanh thu khoảng 500 triệu đồng mỗi năm.
Anh Hưng (bên phải) hướng dẫn các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây và làm đầu mối thu mua giúp bà con địa phương có thêm nguồn thu nhập khá (Ảnh: Đoàn Minh) |
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Quảng Bình, rong ruổi mưu sinh nhiều nơi, anh Hà Văn Hưng (SN 1989) đã chọn gắn bó với huyện Đông Giang (Quảng Nam). Giờ đây, anh đã xây dựng được cơ ngơi của mình là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH, chuyên sản xuất sản phẩm từ cây chè dây.
Cơ duyên với cây dược liệu quý
Kể về quá trình khởi nghiệp của mình, anh Hưng nhớ lại, sau khi học xong phổ thông, anh vào TP Hồ Chí Minh mưu sinh với mong ước xây dựng cuộc sống tươi đẹp trong tương lai. Sau một thời gian, nhận thấy chốn phồn hoa đô thị ấy không phù hợp với mình, anh rời TP Hồ Chí Minh trở về quê hương tìm tòi hướng đi mới.
Được một người bạn giới thiệu về vùng núi Quảng Nam, anh Hưng quyết tâm lên đường với kế hoạch sẽ thuê đất, vay tiền trồng cây để làm vốn sau về quê kinh doanh.
“Khi đến Quảng Nam, tôi chỉ có hai công việc để lựa chọn là đào vàng và khai thác keo. Trong đầu lúc ấy chỉ nghĩ làm gì để có tiền nhanh nên tôi chọn làm vàng. Thời gian làm vàng, tôi quen biết nhiều người đồng bào Cơ Tu. Duyên nợ với vùng đất Đông Giang cùng cây chè dây có lẽ cũng bắt đầu từ đây.
Tôi được người dân mời loại nước uống được nấu từ một loái lá cây rừng, ban đầu sợ khó uống nhưng khi thưởng thức lại bất ngờ với hương thơm nhẹ, vị ngọt thanh đọng ở cổ sau một ngụm nước đầy. Hỏi ra, tôi được biết đây là cây chè dây, tốt cho đường tiêu hóa, đặc biệt rất hiệu quả với bệnh dạ dày, an thần, giúp ngủ ngon... Sau đó, tôi uống nước chè dây hàng ngày. Điều bất ngờ là đến nay bệnh dạ dày nhiều năm của tôi giảm hẳn”, anh Hưng chia sẻ.
Chè dây là một loại dược liệu quý tại huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam (Ảnh: Đoàn Minh) |
Thấy rõ hiệu quả kinh tế từ cây chè dây nhưng làm sao để thương mại hóa các sản phẩm chế biến từ cây chè dây này khiến anh băn khoăn tìm hiểu. Những trăn trở ấy đã giúp anh nhận ra cơ hội của mình và chọn khởi nghiệp với cây chè dây trên vùng đất Đông Giang.
“Tôi lập kế hoạch mười năm sau phải có vốn để kinh doanh chè dây. Tất cả các khoản chi tiêu của tôi đều được thắt chặt. Tháng 4/2012, tôi quyết định một mình vào rừng thuê 5ha đất làm trang trại chăn nuôi trâu bò, chuyên tâm làm để trả nợ ngân hàng và tích góp vốn cho kế hoạch của mình”, anh Hưng nhớ lại.
“Ban đầu, bố mẹ cho mượn 50 triệu đồng mua giống. Sau vài năm, trang trại có gần 100 con trâu bò các loại. Đến năm 2020, duyên đến, tôi quyết định dùng số vốn bao năm tích cóp để thực hiện giấc mơ, thành lập Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH.
Khởi nghiệp đúng mùa dịch COVID-19 nhưng công ty không bị ảnh hưởng vì sản phẩm được sử dụng như nước uống hằng ngày. Năm 2022, doanh thu của công ty lên đến 500 triệu đồng”, anh Hưng phấn khởi cho hay.
Chè dây sau khi được sơ chế (Ảnh: Đoàn Minh) |
Tại huyện Đông Giang, chè dây mọc phân tán tự nhiên dưới tán rừng. Loại cây này sinh trưởng, phát triển tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng trên địa bàn xã Ba, xã Tư và một số thôn của các xã vùng giáp ranh, đặc biệt là ở các vườn đồi, rừng tái sinh sau nương rẫy.
Theo anh Hưng, chè dây là dược liệu quý, có đặc điểm dễ phân biệt. Thân và cành có hình thù như loại dây leo, hóa gỗ. Cành hình trụ, nhẵn, lúc non có thể có lông, tua cuốn dài, đầu chẻ đôi. Lá chè dây có hình lá kép lông chim, mọc so le, có cuống. Hoa chè mọc đối diện với lá, phân nhánh; Nụ lúc nhỏ tròn, khi ra hoa có kích thước nhỏ, màu trắng.
Giúp người dân có thu nhập khá
Với những công dụng đặc biệt của cây chè dây nên thị trường tiêu thụ tương đối lớn. Chè dây hái về phơi khô được thương lái nườm nượp đến tìm mua. Do đó, người dân trong vùng và lân cận đổ xô lên núi tìm chè dây về bán. Việc khai thác ồ ạt loại thảo dược này khiến vùng chè dây tại huyện Đông Giang có nguy cơ cạn kiệt.
Mặt khác, công tác quy hoạch, trồng, phát triển cây chè dây trên địa bàn chưa được triển khai, chỉ có một vài hộ dân tại các thôn trồng mang tính tự phát, nhỏ lẻ. Do khai thác quá mức nên trữ lượng chè dây còn rất thấp, có nguy cơ cạn kiệt, lượng bán ra thị trường nhỏ lẻ, không ổn định.
Bên cạnh đó, khâu chế biến, bảo quản mang tính truyền thống, thủ công của đồng bào Cơ Tu khiến chất lượng sản phẩm không đảm bảo, dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm thị trường chưa được thực hiện. Các điểm thu mua, trao đổi mang tính tự phát, phụ thuộc vào thị trường...
“Đây không chỉ là cơ hội lập nghiệp cho bản thân mà tôi muốn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho chính người dân địa phương, giúp họ bám đất bám rừng, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn quảng bá sản phẩm chè dây và những công dụng tuyệt vời của loại cây này đối với sức khỏe người dùng cả nước”, anh Hưng nói.
Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng, chè dây ở xã Ba, xã Tư (huyện Đông Giang) cho chất lượng tốt (Ảnh: Đoàn Minh) |
Để có được nguồn nguyên liệu ổn định khi cây chè dây trong tự nhiên ngày càng khan hiếm, anh Hưng liên kết với bà con trong xã Ba và các xã lân cận chủ động nguyên liệu sản xuất.
Tham gia liên kết sản xuất, ông Nguyễn Văn Quang (trú thôn Ban Mai, xã Ba), một trong những hộ có diện tích trồng chè dây lớn nhất xã Ba, huyện Đông Giang chia sẻ: “Trước đây, bà con vào rừng thu hái chè dây bằng cách nhổ cả gốc mang về phơi khô để nấu uống dần hoặc ngắt lá nấu chè tươi uống hàng ngày.
Bây giờ, được anh Hưng hướng dẫn các khâu trồng, chăm sóc, thu hái chè dây và làm đầu mối thu mua sản phẩm, bà con chúng tôi có thêm thu nhập cải thiện đời sống”.
Theo anh Hưng, ngày xưa, mật độ chè dây mọc rất dày nhưng bây giờ dần thưa thớt. “Kể từ khi cán bộ huyện tuyên truyền, thực hiện chương trình khuyến nông về loài dược liệu này, bà con đồng bào ý thức hơn. Đến nay, mỗi năm công ty thu mua khoảng 20 tấn chè dây tươi (tương đương 5 tấn khô) của bà con. Ai bán thì mua tất, giúp hàng chục hộ bà con người Cơ Tu có thêm thu nhập, nâng cao đời sống”, anh Hưng cho biết.
Anh Hưng sản xuất và bán ra thị trường trung bình khoảng 1- 2 tấn chè dây khô mỗi tháng, sản phẩm chủ yếu là trà túi lọc (Ảnh: Đoàn Minh) |
Thời điểm hiện tại, giá mua vào khoảng 10 - 15 nghìn đồng/kg chè dây tươi; Giá bán ra khi thành phẩm dao động từ 160 - 500 nghìn đồng/kg tùy loại. Công ty OCH cũng đang giải quyết việc làm cho 4 nhân công với mức lương từ 4 - 4,5 triệu đồng/tháng.
Hiện tại, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại OCH sản xuất và bán ra thị trường trung bình khoảng 1- 2 tấn chè dây khô mỗi tháng. Các mặt hàng chủ yếu là chè túi lọc phục vụ khách hàng từ phân khúc bình dân đến cao cấp.
Đại diện Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Đông Giang cho biết, dù nguồn lực từ khuyến công khá hạn chế nhưng huyện luôn sử dụng có hiệu quả để tiếp sức các đề án phát triển nông nghiệp nông thôn, cơ sở sản xuất. Trong đó, huyện hỗ trợ xúc tiến thương mại, đầu tư trang thiết bị, xây dựng và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Các ngành chức năng đã đồng hành với doanh nghiệp, đơn vị cơ sở kinh doanh cá thể để nâng cao khả năng tìm kiếm thị trường, tăng doanh thu và giới thiệu các sản phẩm, trong đó có sản phẩm chè dây.
Nhờ đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp, chè dây ở xã Ba, xã Tư (huyện Đông Giang) cho chất lượng tốt, được đánh giá cao về hàm lượng dược liệu. Cùng với việc trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ nên chè dây nơi đây được nhiều khách hàng tin dùng.
Quảng Nam hiện có 30 doanh nghiệp, 48 hợp tác xã, 96 tổ hợp tác và 322 mô hình kinh tế do thanh niên khởi nghiệp làm chủ. Tỉnh cũng đang xây dựng “Quỹ khởi nghiệp đầu tư” với số vốn 50 tỷ đồng và thành lập “Câu lạc bộ Thanh niên đầu tư khởi nghiệp”, hỗ trợ phát triển những ý tưởng khởi nghiệp cho thanh niên. |