Tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
Để góp phần vào mục tiêu của Chính phủ đề ra, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp các chuyên gia cho rằng: Việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, khai thác tốt các tài nguyên bản địa sẽ thúc đẩy phong trào khởi nghiệp phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nêu rõ, Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp Việt Nam, phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp hoạt động; đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định, với chủ trương đúng đắn cùng sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng và Nhà nước, cùng trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt, phong trào khởi nghiệp sẽ tiếp tục lan toả.
Tăng cường liên kết giữa các địa phương để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp
“Việt Nam sẽ có những bước tiến mới trên bản đồ thế giới về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. VCCI cam kết sẽ tiếp tục sát cánh trong việc hỗ trợ hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, góp phần gia tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Là thành viên của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu - GEN, VCCI sẽ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tham gia tích cực các hoạt động khởi nghiệp trong khu vực ASEAN và quốc tế” - ông Phạm Tấn Công nói.
Tuy nhiên, do khởi nghiệp là lĩnh vực khá mới mẻ, vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm, nên các chuyên gia đánh giá, nhiều địa phương triển khai còn chậm, công tác kết nối nhà đầu tư chưa hệ thống, bài bản; Cùng với đó là vấn đề thương mại hóa và tăng nhanh sản phẩm của nhiều dự án khởi nghiệp gặp khó khăn…
VCCI sẽ hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp tham gia tích cực các hoạt động khởi nghiệp trong khu vực ASEAN và quốc tế
Để tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Lê Xuân Định đề xuất, các địa phương cần khai thác có hiệu quả hơn nữa những tài nguyên bản địa. Cùng với đó, cần có những định hướng, chủ trương bao quát làm nền tảng cho sự phát triển. Ngoài các hoạt động, định hướng phối hợp, hợp tác giữa các địa phương, liên kết vùng và Trung ương thì cần đẩy mạnh, thúc đẩy sáng kiến huy động nguồn lực các bên để kết nối các mạng lưới, các trung tâm đổi mới sáng tạo mở tạo thành trung tâm vùng.
“Cần có cơ chế chính sách thí điểm vượt trội cho phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, những ưu đãi mạnh mẽ hơn về thuế, các ưu tiên về đất đai trong cung ứng dịch vụ công, công nhận các sản phẩm dịch vụ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạ, Nhà đầu tư mạo hiểm đều là những nhu cầu hết sức thực tiễn… Không có điều này thì khó có điều kiện để cho hệ thống khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhà đầu tư có thể phát triển một cách lâu dài và bền vững” - Thứ trưởng Lê Xuân Định nói.