Đà Nẵng có thể chưa phải nơi tốt nhất nhưng là nơi tin cậy để khởi nghiệp
Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được định vị là “hạt nhân” then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội của TP Đà Nẵng. Thời gian tới, thành phố tiếp tục tạo hành lang pháp lý thuận lợi rõ ràng, hỗ trợ trực tiếp cho các hoạt động khởi nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ về khu làm việc, xưởng sản xuất sản phẩm mới.
Ý tưởng khởi nghiệp ghế trải nghiệm xem phim 4D, trải nghiệm tàu lượn ảo trong 3 phút của trường Cao đẳng Điện lực miền Trung (Ảnh: Út Vũ) |
Tuy là hệ sinh thái non trẻ nhưng cùng với Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng được Trung ương xác định là một trong ba trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST) của cả nước.
Để có được những bứt phá như hiện nay, Đà Nẵng đã tận dụng được tối đa lợi thế về địa lý, nền tảng kinh tế - xã hội vững chắc cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Đẩy mạnh khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để người trẻ làm chủ
TP Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ thanh niên, doanh nghiệp trẻ chuyển đổi số trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Ảnh: Đoàn Minh) |
Với phong trào khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên, thời gian qua, Thành đoàn Đà Nẵng đã phối hợp Sở Khoa học và Công nghệ thành phố tổ chức nhiều cuộc thi khởi nghiệp ĐMST, ý tưởng khởi nghiệp ĐMST thu hút hàng ngàn đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia.
Bên cạnh đó, Thành đoàn Đà Nẵng phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: Triển lãm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các chuyến xe hành trình đổi mới tư duy cho học sinh… để khơi gợi tinh thần, tạo động lực khởi nghiệp.
Nhiều Festival khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra sôi nổi, hiệu quả đã trở thành ngày hội của những người trẻ yêu khoa học công nghệ và khát khao khởi nghiệp.
Đây cũng là cơ hội cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên tại Đà Nẵng có dịp trao đổi, giao lưu, tham quan các mô hình, sản phẩm sáng tạo khởi nghiệp tiêu biểu, qua đó nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong sinh viên hiện nay.
Đội Euphoria trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng giành giải Nhất cuộc thi "Thử thách Sáng tạo và Khởi nghiệp IEC-2023" (Ảnh: ĐH Đà Nẵng) |
Shark Liên (thứ 3 trái qua) đưa ra lời khuyên cho sinh viên Đại học Đà Nẵng về lựa chọn nghề nghiệp, thời điểm để khởi nghiệp và hỗ trợ các dự án khởi nghiệp (Ảnh: Út Vũ) |
Theo Thành đoàn Đà Nẵng, về phía thanh niên tại các địa phương, Thành đoàn luôn quan tâm, hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình kinh tế phù hợp, vươn lên ổn định cuộc sống.
Hiện nay, ngày càng có nhiều thanh niên nông thôn tích cực phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp, tận dụng ưu thế cạnh tranh trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp xanh, sạch đang tăng nhanh.
Trong đó, nhiều mô hình nông nghiệp tại huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) do thanh niên làm chủ đã phát huy hiệu quả, mang lại giá kinh tế cao, cải thiện đáng kể thu nhập.
Sản phẩm khởi nghiệp đồ da thủ công thảo mộc của đoàn viên Quận đoàn Hải Châu (Ảnh:Út Vũ) |
Dám nghĩ và dám làm, hai bạn trẻ Lê Thị Ý Loan và Huỳnh Thanh Linh (quận Ngũ Hành Sơn) đã mạnh dạn khởi nghiệp với cửa hàng sửa chữa và mua bán linh kiện điện thoại.
Trên hành trình tạo dựng cửa hàng, hai bạn trẻ luôn nhận được sự đồng hành của Hội Thanh niên các cấp về hướng dẫn thủ tục vay vốn ưu đãi, hỗ trợ nguồn vốn và tạo đầu ra cho sản phẩm. Nhờ đó, cửa hàng Linh Mobile đã bước đầu thành công.
Bên cạnh đó, thanh niên Võ Chiến Công (trú tại thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang) được Hội Liên hiệp Thanh niên TP Đà Nẵng hỗ trợ hơn 100 con gà giống để tiếp tục phát triển chăn nuôi hộ gia đình. Với sự hỗ trợ thiết thực, anh Công quyết tâm lập nghiệp tại chính mảnh đất quê hương mình.
Trường Đại học Kinh tế Đà Nẵng đã vinh danh nhóm sinh viên và giáo viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp và ĐMST năm 2022 (Ảnh: Đoàn Minh) |
Anh Nguyễn Mạnh Dũng, Bí thư Thành đoàn Đà Nẵng chia sẻ: “Thanh niên khởi nghiệp thường không có vốn, có chăng chỉ có một ít vốn tự tích lũy hay sự hỗ trợ của gia đình.
Do đó, việc vay vốn để khởi nghiệp gặp khó khăn do nguồn vốn qua các chương trình cho vay thực chất còn thấp, rất hạn chế so với nhu cầu. Muốn vay nhiều hơn phải cần có tài sản thế chấp và thủ tục giải ngân phức tạp, trong khi, phần lớn thanh niên mới lập nghiệp, khởi nghiệp không có tài sản thế chấp. Vì vậy, các bạn trẻ rất cần được quan tâm hỗ trợ, vay vốn vay ưu đãi và tạo cơ chế đặc biệt tiếp cận nguồn vốn khởi nghiệp”.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, Đà Nẵng đã tăng cường sự kết nối mạng lưới với các thành tố trong hệ sinh thái, thông qua việc tham gia các sự kiện, triển lãm, cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế. Đà Nẵng cũng đã kết nối với đối tác, nhà đầu tư, khách hàng từ CHLB Đức, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hoa Kỳ.
Cùng với việc hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy khởi nghiệp ĐMST, Đà Nẵng tăng cường sự kết nối mạng lưới với các thành tố trong hệ sinh thái thông qua việc tham gia các sự kiện, triển lãm, cuộc thi về khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế (Ảnh: Út Vũ) |
Cùng với đó, các đơn vị trong thành phố đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong việc tổ chức các hoạt động ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao tại khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng; Giữa vườn ươm và cơ sở giáo dục; Kết nối 6 tỉnh miền Trung từ Huế đến Phú Yên và tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội về du lịch; Tổ chức các hội nghị, diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, Festival khởi khởi nghiệp ĐMST.
Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn diện
Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất đối với các dự án khởi nghiệp ở Đà Nẵng hiện tại nằm ở nguồn vốn và sự hướng dẫn bài bản giúp startup hạn chế những rủi ro trong quá trình thực hiện. Nhằm tháo gỡ những khó khăn cho các startup chính quyền thành phố Đà Nẵng đang nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sâu rộng, toàn diện hơn.
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030, hình thành 2 - 5 doanh nghiệp kỳ lân, thu hút từ 1 - 3 doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới, 3 - 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước đến đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại thành phố Đà Nẵng; Đến năm 2030, nâng cấp hệ sinh thái ĐMST của TP Đà Nẵng lên tầm quốc tế, tương đương với một số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lớn trong khu vực Đông Nam Á được các tổ chức quốc tế thừa nhận, đánh giá và xếp hạng.
Ông Lê Đức Viên - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (Ảnh dost.danang.gov) |
TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết, giai đoạn 2022 - 2025, Đà Nẵng sẽ dành 5,4 tỷ đồng cho các hoạt động thúc đẩy đoàn viên, thanh viên thành phố khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ.
Một số dự án tiêu biểu được hỗ trợ gần đây có thể kể đến: Chương trình ươm tạo FINC của Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng và Chương trình tăng tốc khởi nghiệp du lịch VTS 2021 của Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn; Dự án “Giường ngủ thông minh”, dự án “Balo tái tạo năng lượng”, dự án máy tái chế rác, dự án ống hút từ rơm, dự án Happy Mask - Khẩu trang từ bã mía…
Mấu chốt để khởi nghiệp sáng tạo là nguồn nhân lực, hiện nay Đà Nẵng có hệ thống trường đại học công và tư khá tốt. Đà Nẵng cũng đang đặt hàng để các trường đào tạo theo định hướng chú trọng về công nghệ thông tin, công nghiệp tự động hóa, công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng (người ngoài cùng bên trái) nhận định về Đà Nẵng sớm có những bước đi cụ thể để xây dựng một “Trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển (Ảnh: Đoàn Minh) |
Bên cạnh đó, một lợi thế được Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng chỉ ra trong “Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng - SURF 2022”, đó là thành phố cần sớm có những bước đi cụ thể để xây dựng một “Trung tâm khởi nghiệp bên bờ biển”; Thành lập “Hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng”, ban hành đề án “Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tầm nhìn đến 2030” nhằm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và phát huy tiềm năng phát triển cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Để tiếp tục nâng cao vị thế của Đà Nẵng trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, chính quyền và hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng cần tiếp tục tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của địa phương như du lịch, dịch vụ ẩm thực”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nhận định.
Có nhiều tác nhân khác nhau dẫn đến sự phát triển và khởi sắc bước đầu của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Đà Nẵng nhưng điều mang tính quyết định chính là những yếu tố xây dựng nguồn lực nội tại. Trong đó, Đà Nẵng là địa phương duy nhất thành lập và duy trì hội đồng điều phối mạng lưới khởi nghiệp thành phố - la bàn định hướng mang tầm nhìn chiến lược, kết nối toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố.
Bên cạnh các vườn ươm tư nhân, vườn ươm theo mô hình hợp tác công tư, thành phố đã hình thành các vườn ươm của Nhà nước, thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thành lập trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại Đà Nẵng.
Đồng thời, phê duyệt danh mục đầu tư của “Quỹ đầu tư phát triển thành phố” trong đó có hạng mục đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, bố trí trụ sở làm việc và không gian đổi mới sáng tạo trong khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm số 2, hỗ trợ trực tiếp cho các dự án/doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thời gian tới, TP Đà Nẵng tiếp tục ưu tiên cho các dự án khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ và mô hình kinh doanh mới; Các dự án phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, có lợi thế cạnh tranh cao và các dự án đạt giải tại các cuộc thi khởi nghiệp.
Ông Võ Đức Anh Phó, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thành phố Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) ( Ảnh: NVCC) |
Nhận định về phong trào khởi nghiệp trong giới trẻ tại Đà Nẵng, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST thành phố Đà Nẵng (Sở Khoa học và Công nghệ) cho rằng: “Đà Nẵng có hơn 20 trường đại học, cao đẳng với hơn 100 nghìn sinh viên và khoảng 40 tổ chức khoa học công nghệ. Đây chính là “mỏ vàng” về trí tuệ, chất xám trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Tôi tin rằng với khát vọng, trí tuệ và tài năng của các sinh viên và sự hỗ trợ của chính quyền thành phố, sẽ có nhiều mô hình khởi nghiệp thành công hơn nữa trong tương lai”.
Được biết, Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố Đà Nẵng - SURF 2023 với chủ đề "Khát vọng Sông Hàn - Khơi nguồn sáng tạo" và thông điệp "Đà Nẵng - Thành phố đổi mới sáng tạo" sẽ diễn ra từ ngày 20/8 đến 30/12 gồm các hoạt động: Tổ chức họp báo trước sự kiện; Triển lãm về hoạt động khởi nghiệp ĐMST trên nền tảng triển lãm ảo thực tế ảo; Cuộc thi khởi nghiệp ĐMST trực tiếp; Ngày hội khởi nghiệp ĐMST Đà Nẵng - SURF 2023; Trình bày ý tưởng - kết nối đầu tư trong khởi nghiệp; Kết nối cung cầu sản phẩm doanh nghiệp khoa học công nghệ.
“Đà Nẵng có thể chưa phải nơi tốt nhất nhưng sẽ là nơi tin cậy nhất để khởi nghiệp”, TS Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng nhận định. |