Thiếu định hướng rõ ràng
Chia sẻ tại toạ đàm "Tăng tốc chuyển đổi, hiệp lực thúc đẩy phát triển nền công nghiệp Việt Nam tự chủ - hùng cường", do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp cùng các cơ quan liên quan tổ chức vào sáng 27/5, ông Lương Minh Huân - Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp – Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng: Doanh nghiệp Việt Nam chưa định hướng rõ ràng khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
![]() |
Ông Chu Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: NH |
Cụ thể, kết qủa khảo sát do VCCI tiến hành cho thấy, 64,7% doanh nghiệp Việt chưa có sự chuẩn bị gì khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; 15,3% doanh nghiệp có chiến lược, định hướng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu tổng thể trong dài hạn; 10,2% doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu trong trung hạn; 5,4% doanh nghiệp đã đề ra giải pháp hành động trong ngắn hạn và chỉ có 4,4% doanh nghiệp đã triển khai các hành động cụ thể.
Khảo sát của VCCI cũng cho thấy, 53,54% doanh nghiệp Việt Nam không xác định mục tiêu khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Về khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, ông Lương Minh Huân cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu về thời gian giao hàng và tiêu chuẩn, kỹ thuật.
Cụ thể, có đến hơn 60% doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn và rất khó khăn về thời gian giao hàng đúng hạn; hơn 70% gặp khó khăn và rất khó khăn về khối lượng đơn hàng và hơn 80% doanh nghiệp gặp khó khăn và rất khó khăn liên quan đến tiêu chuẩn, kỹ thuật khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với khó khăn khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu được ông Lương Minh Huân lý giải do thiếu chính sách hỗ trợ hiệu quả; thiếu kinh phí. Bên cạnh đó, thiếu sự kết nối trong chuỗi và các biện pháp xúc tiến thương mại; khó khăn trong thay đổi tập quán kinh doanh truyền thống...
![]() |
Doanh nghiệp Việt Nam đứng trước cơ hội tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh minh hoạ |
Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo bà Đỗ Thị Thuý Hương - Uỷ viên Ban chấp hành - Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu rất lớn.
Cơ hội này bên cạnh đến từ cơ chế, chính sách của cơ quan chức năng, theo bà Đỗ Thị Thuý Hương, còn đến từ môi trường đầu tư Việt Nam. Việt Nam hiện được đánh giá là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài, với sự xuất hiện của rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu tham gia đầu tư. Các tập đoàn này có nhu cầu lớn về nâng cao tỷ lệ nội địa hoá.
Tuy nhiên, theo phản ánh của ông Lương Minh Huân, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng được cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Điều này được thể hiện rõ qua những con số cụ thể như: Tỷ lệ nội địa hoá ngành điện tử tại Việt Nam hiện mới đạt khoảng 5-10%, các sản phẩm điện tử trên thị trường Việt Nam được lắp ráp bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu nên có giá trị hàm lượng, công nghệ thấp.
Tỷ lệ nội địa hoá ngành dệt may, da giày đạt khoảng 40-45%; cơ khí chế tạo khoảng 30%. Tỷ lệ nội địa hoá trong ngành ô tô tại Việt Nam thấp hơn nhiều mục tiêu đề ra và thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia.
“Về phụ tùng, linh kiện, hiện Việt Nam mới chủ yếu sản xuất được các phụ tùng có công nghệ giản đơn, như: Ghế ngồi, kính, săm lốp… những linh kiện quan trọng có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao như hệ thống phanh, ly hợp, hộp số, hệ thống lái vẫn phải nhập khẩu" - ông Lương Minh Huân thông tin.
Thực tế cho thấy, cần có những giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó, cơ quan nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các bên trong xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Chu Việt Cường – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp, Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương cho rằng: Ngành công nghiệp Việt Nam đang bước vào giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, chuyển đổi xanh – chuyển đổi số, và yêu cầu ngày càng cao từ chuỗi giá trị toàn cầu.
“Trong chiến lược phát triển công nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn 2045, năng lực tự chủ sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu được xác định là yếu tố sống còn để Việt Nam không chỉ là nơi gia công, mà là trung tâm sản xuất công nghệ cao của khu vực” – ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.
Ông Chu Việt Cường thông tin, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã và đang triển khai các hoạt động dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp và triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 đến năm 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Cùng với đó, kết nối doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ với các tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp đầu chuỗi như: Samsung, Toyota… nhằm nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Từ đó, đưa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này trở thành nhà cung cấp của các doanh nghiệp đầu chuỗi.
“Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp cam kết, tiếp tục đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt phát triển vững chắc và đóng vai trò ngày càng lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu” – ông Chu Việt Cường nhấn mạnh.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đã triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu như: Tư vấn hỗ trợ cải tiến năng lực sản xuất, đổi mới quy trình sản xuất áp dụng các công cụ 5S3D, Kaizen, Lean Six Sigma… |