Rút ngắn thời gian triển khai, đơn giản hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn, bảo đảm chất lượng công trình nhà ở xã hội
Đây là yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Chiều 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.
Không quy định chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất
Trình bày tóm tắt Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, về các vấn đề chung, đa số ý kiến tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết; nhiều ý kiến nhất trí với các nội dung cơ chế, chính sách của dự thảo Nghị quyết; tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu, rà soát tổng thể các chính sách về nhà ở xã hội để đề xuất thí điểm trong Nghị quyết này; hoạch định rõ chỗ nào là tính chất xã hội, chỗ nào là tính chất thương mại để xây dựng các phương án tiếp cận phù hợp; làm rõ hơn việc học tập kinh nghiệm của một số nước đặt vào bối cảnh ở Việt Nam đã phù hợp hay chưa, có giảm được giá nhà để phù hợp với thu nhập của người dân hay không?
Có ý kiến cho rằng, tại Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội; đề nghị Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, rà soát các tồn tại, hạn chế đã nêu và các nhóm giải pháp Quốc hội đã đặt ra đối với từng chủ thể có thẩm quyền để đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ tối đa vướng mắc, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội.
Báo cáo, tiếp thu ý kiến ĐBQH về các nội dung trên, Bộ trưởng nêu rõ, triển khai thực hiện quy định của Luật Nhà ở năm 2023, Chính phủ đã chủ động rà soát những khó khăn, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện chính sách về phát triển nhà ở xã hội và đã báo cáo Bộ Chính trị về chủ trương ban hành Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Trong đó, tập trung vào 6 nhóm chính sách để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội.
Đồng thời, Chính phủ đã rà soát và bổ sung 3 nhóm chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Tuy nhiên, trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp và ý kiến của ĐBQH, dự thảo Nghị quyết không quy định về chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép chủ đầu tư được tính các chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án.
Chính phủ cũng tiếp thu ý kiến ĐBQH sẽ tiếp tục rà soát những vướng mắc, hạn chế trong phát triển nhà ở xã hội để hoàn thiện Luật Nhà ở năm 2023 trong thời gian tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Nêu ý kiến về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết, đối với nội dung về hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội (Điều 11), Thường trực Ủy ban nhấn mạnh, đây là vấn đề lớn, còn có ý kiến khác nhau, chưa báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền.
Do đó, dự thảo Nghị quyết đã tiếp thu theo hướng lược bỏ nội dung này và thay thế bằng quy định số tiền này được tính vào chi phí đầu tư của dự án, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư và người thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội theo nguyên tắc: Đối với trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất do thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất, số tiền này không vượt quá số tiền được xác định theo bảng giá đất của loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất của loại đất đã nhận chuyển quyền sử dụng đất tại thời điểm nhận chuyển quyền.
Đối với trường hợp chủ đầu tư có quyền sử dụng đất thì số tiền được tính tương ứng với số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà Nhà nước giao đất, cho thuê đất được xác định theo bảng giá đất đối với loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất của loại đất trước khi chuyển mục đích sử dụng đất tại thời điểm cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở.
Về các nội dung lớn đã được tiếp thu, Thường trực Ủy ban nhận thấy, Chính phủ đã nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến của ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Thường trực Ủy ban tán thành với các nội dung Chính phủ đã tiếp thu, chỉnh lý như thể hiện trong dự thảo Nghị quyết kèm theo Báo cáo số 450/BC-CP ngày 27/5/2025 của Chính phủ về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết. Cho ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu thực tế, các dự án nhà ở xã hội triển khai chậm do thời gian xử lý thủ tục hành chính, thủ tục pháp lý mất thời gian. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trong dự thảo Nghị quyết cần quy định “thời gian cấp phép cho dự án nhà ở xã hội do Chính phủ quy định”.
"Cần phải đơn giản hóa thủ tục hành chính mạnh mẽ hơn nữa để làm sao cấp phép cho nhanh", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cùng với việc rút gọn thời gian triển khai dự án nhà ở xã hội, cần quan tâm tới bảo đảm chất lượng công trình và công tác phòng cháy, chữa cháy tại các công trình này. Cần làm rõ giải pháp kiểm soát, bảo đảm chất lượng công trình nhà ở xã hội, bổ sung cơ chế kiểm tra, đánh giá, kiểm định chất lượng công trình sau khi hoàn thành dự án, tránh việc nhà ở xã hội không đáp ứng yêu cầu theo quy định.
“Vấn đề này thì ai chịu trách nhiệm kiểm soát, kiểm tra chất lượng công trình? Bộ Xây dựng hay UBND các tỉnh, thành phố?”
Nêu vấn đề trên, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần làm rõ cơ quan chịu trách nhiệm ngay trong dự thảo Nghị quyết, tránh tình trạng "đổ thừa do luật quy định chưa rõ” dẫn tới không ai chịu trách nhiệm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cơ bản đồng tình với các nội dung tiếp thu, giải trình, tiếp thu dự thảo Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị, Chính phủ cần gửi kèm dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số nội dung liên quan đến thành lập Quỹ nhà ở quốc gia như: nhiệm vụ chi của Quỹ; quy mô của Quỹ; việc bố trí nguồn vốn cho Quỹ; việc sắp xếp, tổ chức lại các quỹ phát triển nhà ở đang tồn tại ở địa phương hiện nay… để ĐBQH xem xét, bảo đảm Nghị quyết sau khi được Quốc hội thông qua có thể đi ngay vào cuộc sống.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận. Ảnh: Lâm Hiển
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về nội dung dự kiến tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, trong đó, thống nhất về các nội dung chỉnh lý các điều 8, 9, 19, 11 dự thảo Nghị quyết theo hướng không quy định về chính sách Nhà nước hoàn trả tiền cho chủ đầu tư có quyền sử dụng đất hoặc thỏa thuận nhận chuyển quyền sử dụng đất hoặc ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đồng thời chỉnh lý dự thảo Nghị quyết theo hướng cho phép chủ đầu tư được tính các chi phí này vào chi phí đầu tư của dự án.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí việc hoàn thiện các nội dung nhằm cắt giảm thủ tục hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương tăng cường hỗ trợ chính sách nhà ở cho người dân, nhất là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về mô hình hoạt động, nguồn vốn, nhiệm vụ của Quỹ Nhà ở quốc gia… được xác định trong dự thảo nghị quyết theo hướng đây là Quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương với nhiệm vụ chính là tập trung hình thành quỹ nhà để cho thuê.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất xác định rõ loại hình dự án, loại hình nhà ở được áp dụng cơ chế giao chủ đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, làm rõ tiêu chí ưu tiên giao chủ đầu tư chỉ áp dụng trong trường hợp có từ 2 nhà đầu tư trở lên đăng ký làm chủ đầu tư; bổ sung trách nhiệm của Chính phủ trong việc quy định về phòng ngừa sơ hở tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, trục lợi chính sách, bảo đảm chất lượng công trình, bố trí cân đối nguồn vốn, hướng dẫn các địa phương bố trí vốn để phát triển nhà xã hội theo quy định của Nghị quyết…