Thứ sáu, 20/09/2024 - 04:32

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Sáng nay, tại Hội thảo "Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics", Bộ Công Thương đã công bố Báo cáo Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2021. Trong đó nổi bật là thống kê kết quả xuất nhập khẩu của những tỉnh Top đầu và các địa phương nằm ở vị trí “cuối bảng” của cả nước.

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Là nhà khai thác cảng hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và hơn 60% thị phần cả nước.

Tại hội thảo, chia sẻ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp logistics, ông Trương Tấn Lộc – Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn cho rằng: Giá nhiên liệu tăng đột biến trong năm 2022 (tăng khoảng 33% so với giá trung bình 2021) ảnh hưởng đến chi phí của doanh nghiệp; về thủ tục của các cơ quan hữu quan còn chưa tạo điều kiện thuận lợi như việc kiểm soát hàng quá cảnh qua các cửa khẩu, gây khó khăn cho các hãng tàu, khách hàng… “Dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khiến hoạt động logistics phải có sự chuẩn bị, phương án dự phòng về phương tiện và nhân lực; các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó có thể chịu thêm chi phí phát sinh lớn”- ông Lộc chỉ ra thách thức.

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Ông Trương Tấn Lộc - Giám đốc Marketing, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn

Trong mảng 3PL, hầu hết các doanh nghiệp logistics hàng đầu đã có mặt tại Việt Nam và chiếm tỷ trọng lớn về doanh thu so với các doanh nghiệp nội địa. Đề cập đến thực tế này, bà Phạm Thị Lan Hương – Tổng giám đốc, Công ty CP Vinafco chỉ ra, thị trường logistics Việt Nam nhiều tiềm năng nhưng rất phân tán. Phân tán về quy mô, số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm đa số, hiện 90% doanh nghiệp đăng ký có vốn dưới 10 tỷ đồng; phân tán về loại hình dịch vụ, các doanh nghiệp logistics hoạt động ở nhiều mảng dịch vụ khác nhau.

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Bà Phạm Thị Lan Hương - Tổng Giám đốc, Công ty CP Vinafco

Đồng thời, theo bà Phạm Thị Lan Hương, hiện số lượng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics tích hợp (3PL,4PL) tại Việt Nam còn hạn chế. “Tỷ trọng các doanh nghiệp 3PL, 4PL mới chỉ chiếm 16% tổng số doanh nghiệp trong ngành logistics. Tuy nhiên, miếng bánh này lại nằm chủ yếu trong tay các doanh nghiệp nước ngoài”- bà Hương nêu.

Đại diện cho đơn vị cung ứng cơ sở hạ tầng công nghiệp và kho vận tại khu vực Đông Nam Á, bà Lê Thị Ngọc Diệp – Giám đốc, Trưởng bộ phận Thương mại, Công ty SLP Việt Nam cho biết, Việt Nam đang là ngôi sao sáng của ngành thương mại điện tử tại khu vực; là trung tâm sản xuất mới nổi của khu vực Đông Á. Đặc biệt, sự tăng trưởng mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng nội địa và thương mại điện tử thúc đẩy nguồn cung nhà kho xây sẵn; tỷ lệ lấp đầy và tỷ lệ hấp thụ vẫn duy trì ở mức cao, kéo theo sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của thị trường nhà kho xây sẵn trong tương lai…

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Bà Lê Thị Ngọc Diệp - Giám đốc, Trưởng Bộ phận Thương mại, Công ty SLP Việt Nam

Song, hạn chế cho sự phát triển của logistics chính là Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, nhất là so với một số nước trong khu vực Thái Lan, Singapore chi phí logistics đã giảm, điều này tạo rào cản cho năng lực cạnh tranh trên thị trường của Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng thế giới, chi phí logistics ở Việt Nam dao động từ 20,9-25% GDP.

Với mục tiêu tiên phong ứng dụng công nghệ và nền tảng số trong logistics thương mại điện tử để tối ưu hóa lợi ích cho người tiêu dùng và nhà bán hàng, bà Ngô Thị Trúc Anh – Giám đốc Bộ phận Vận chuyển, Lazada Logistics Việt Nam cho rằng, kiến tạo hệ sinh thái logistics bền vững là năng lực cạnh tranh hiệu quả nhất.

Thời gian qua, đại diện Lazada Logistics Việt Nam cho hay, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong 2 năm trở lại đây, tạo đà bứt phá cho ngành giao vận logistics. Tuy nhiên, các doanh nghiệp logistics cũng đang phải đối mặt với các thách thức lớn trong quy trình vận hành, để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc bộ phận vận chuyển, Lazada Logistics Việt Nam

Bắt kịp xu thế thị trường

Năm 2022 được dự báo là năm tiếp tục có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về địa kinh tế rất thuận lợi để đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ logistics do nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng tập trung giao lưu rất mạnh. Vì vậy, cả xuất nhập khẩu và logistics của Việt Nam đang hội tụ các điều kiện thuận lợi để tiếp tục bứt phá, tăng trưởng nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.

Đánh giá tích cực về cơ hội phát triển của ngành logistics, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, theo dự báo trong tháng 4/2022 của Ngân hàng thế giới (WB), GDP Việt Nam sẽ đạt 5,3% năm 2022 rồi ổn định quanh mức 6,5% năm 2023. Các Hiệp định thương mại tự do dần được thực thi hiệu quả hơn khiến thị trường XNK Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, nhựa, hàng dệt may và thủy sản… “Đây là cơ hội để phát triển các dịch vụ cảng và logistics phục vụ nhu cầu kết nối hàng hóa với các thị trường lớn trên thế giới”- ông Lộc lạc quan.

Doanh nghiệp 'hiến kế' phát triển logistics Việt Nam

Để nắm bắt cơ hội phát triển, ông Lộc kiến nghị cần triển khai nhóm các giải pháp về phát triển hạ tầng logistics, như tiếp tục rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể hệ thống cảng cạn, ICD Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030; Rà soát, bổ sung, hoàn thiện qui hoạch tổng thể và chi tiết hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước; Nhanh chóng triển khai các dự án giao thông đường bộ, cụ thể đường vành đai 3, vành đai 4, đường cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, nâng cấp đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành.

Đối với nhóm các giải pháp hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách, ông Lộc cho rằng, Chính phủ cần xâ dựng cơ chế phát triển logistics xanh theo định hướng cắt giảm ty trọng sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên 1km vận tải; Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ ngành xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp về việc giảm cá loại thuế; Xem xét điều chỉnh Thông tư số 01/2019/TT-BCT về quy định cửa nhập khẩu phế liệu cho mặt hàng giấy…

Các xu thế của thị trường logistics mang đến nhiều cơ hội và cũng đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp logistics Việt Nam trên con đường phát triển để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Đó là thách thức về tự do cạnh tranh, chất lượng dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin và thương mại điện tử, nguồn nhân lực…

Theo đó, để bắt kịp xu thế thị trường, đạt mục tiêu phát triển ngành logistics bà Phạm Thị Lan Hương cho rằng, Việt Nam cần phát triển thêm nhiều doanh nghiệp 3PL, 4PL làm mũi nhọn để kéo thị trường logistics lên.

Từ góc độ Công ty CP Vinafco, bà Lan kiến nghị, Việt Nam cần đầu tư, phát triển quy hoạch, có trung tâm đầu nối vận chuyển; có cơ chế ưu đãi cho các đơn vị họa; doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có chương trình về giải pháp công nghệ cho ngành logistics; tăng cường sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành một cách lành mạnh.

Còn bà Lê Thị Ngọc Diệp đề xuất, Việt Nam cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào ngành logistics để nâng cao hiệu quả, tối ưu năng suất hoạt động và tiết kiệm chi phí vận hành cho doanh nghiệp; kết nối chặt chẽ giữa các đơn vị phát triển và vận hành logistics để nâng cao hiệu quả hoạt động như đơn vị sản xuất, kho vận, 3PLs, vận chuyển; khuyến khích đầu tư vào thị trường logistics Việt Nam…

Nhóm phóng viên
 
Lượt xem: 167
Tác giả: admin1
Tin liên quan