Thứ sáu, 16/05/2025 - 20:14

Doanh nghiệp lo ngại chính sách thay đổi khi vừa dồn lực đầu tư

Đại biểu Quốc hội cho biết doanh nghiệp sợ nhất vừa dồn lực đầu tư thì chính sách lại thay đổi khiến họ phải quay lại điểm xuất phát.

Doanh nghiệp lo ngại chính sách thay đổi khi vừa dồn lực đầu tư

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Tạ Văn Hạ đề nghị cần có sự ổn định của chính sách để doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Phạm Đông

Luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân cất cánh

Sáng 16.5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

Đại biểu Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội - cho biết, hiện doanh nghiệp có rất nhiều điểm nghẽn cần tháo gỡ thì mới phát triển được

Theo đại biểu, Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân không chỉ là đột phá mà còn tạo động lực thúc đẩy khơi thông nguồn lực nội tại, đầy tiềm năng để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đặc biệt, đại biểu cũng kỳ vọng nghị quyết này như một luồng gió thổi cánh diều kinh tế tư nhân Việt Nam cất cánh và bay xa.

Đại biểu cho rằng có những quy định không cần đưa vào dự thảo nghị quyết vì đã có quy định của pháp luật, ví dụ việc đảm bảo nguyên tắc suy đoán vô tội vì đã được nêu rõ trong Hiến pháp. Bởi người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự tố tụng. Đây không phải cơ chế đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân.

Đại biểu góp ý cần bổ sung nội dung hỗ trợ về chính sách thương mại và hội nhập quốc tế, vì hiện nay doanh nghiệp rất khó đưa sản phẩm ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế cũng như hỗ trợ về tư pháp, và mỗi khi tranh chấp thương mại với nước ngoài, Việt Nam luôn chịu thua thiệt.

Ngoài chính sách trên, đại biểu nhấn mạnh doanh nghiệp cũng cần sự ổn định của chính sách. Nhiều doanh nghiệp mới khởi nghiệp rất khó khăn về mọi điều kiện như tài chính, đất đai... nhưng chính sách không ổn định, thay đổi liên tục thì phải mất 10-15 năm hoặc dài hơn thì khởi nghiệp mới thành công được.

Theo đại biểu, doanh nghiệp lo ngại vừa khởi nghiệp, vừa đầu tư về nguồn lực thì chính sách lại quay về điểm xuất phát, rất khó thực hiện.

Đại biểu cũng nhấn mạnh cần tiếp tục cải cách hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước thuận lợi khi làm thủ tục, có điều kiện phát triển.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy phát biểu. Ảnh: Phạm Đông

Đề xuất doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) quan tâm đến quy định không áp dụng quy định hồi tố, bất lợi với doanh nghiệp. Đây là quy định mang tính nguyên tắc đã có trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, Bộ luật Hình sự.

Việc không áp dụng các quy định làm bất lợi hơn thì không chỉ áp dụng với doanh nghiệp mà còn với tất cả các tổ chức, cá nhân. Do vậy, đại biểu nhận thấy đây không phải là chính sách đặc thù của nghị quyết.

Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được áp dụng thí điểm Nghị quyết số 164/2024/QH15 của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự đối với các vụ án thuộc diện Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chỉ đạo.

Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép được áp dụng đối với Nghị quyết đặc thù về kinh tế tư nhân vì trong đó có những biện pháp cho phép doanh nghiệp được đặt tiền bảo đảm để giải tỏa tài sản bị phong tỏa, tiếp tục đưa vào kinh doanh.

Đồng thời cho phép chủ sở hữu doanh nghiệp được được quản lý, sử dụng, khai thác tiếp tài sản đó và bảo đảm việc khai thác đúng quy định, thay vì hiện nay bị “đóng băng”, không đưa được vào nền kinh tế.

Tin liên quan
Đang chờ cập nhật