Thứ sáu, 22/11/2024 - 22:14

DN FDI hưởng nhiều ưu đãi nhưng liên tục báo lỗ, nộp ngân sách thua xa DN nội

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, có tới 55% số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020. Chưa kể, số nộp ngân sách nhà nước của DN FDI vẫn đứng sau khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam.

55% DN FDI đang hoạt động báo lỗ

Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2021 của hơn 26.000 doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (chiếm 91,8% trong 28.329 doanh nghiệp FDI chi phối), Bộ Tài chính đã khắc họa bức tranh tài chính của khối doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với nhiều gam màu tối so với năm 2020.

Theo đó, năm 2021 tổng tài sản doanh nghiệp (DN) FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020. Vốn chủ sở hữu 3,6 triệu tỷ đồng, tăng 12,3%. Tuy nhiên, nợ phải trả lên tới 5,2 triệu tỷ đồng, tăng 14,7%.

 
dn fdi huong nhieu uu dai nhung lien tuc bao lo, nop ngan sach thua xa dn noi hinh anh 1

Năm 2021 tổng tài sản doanh nghiệp (DN) FDI đạt 8,8 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2020 nhưng có tới 55% số DN báo lỗ, tăng 11% so với năm 2020 (Ảnh minh họa: KT)

Bộ Tài chính cho biết, dù quy mô tài sản tăng nhưng tốc độ tăng của nợ phải trả cao hơn tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu. Điều này cho thấy sự mở rộng của tài sản đến từ khoản nợ nhiều hơn từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tăng trưởng nguồn vốn của DN FDI phần lớn đến từ nguồn tài trợ bên ngoài. Chỉ tiêu sinh lời của một số lĩnh vực còn âm, chưa được cải thiện.

“Số nộp ngân sách của DN FDI chưa tương xứng với tổng mức đầu tư. Số DN FDI báo lỗ, doanh nghiệp lỗ lũy kế, lỗ mất vốn có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và giá trị lỗ. Sản phẩm nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu chủ yếu hàng gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, sử dụng nhiều lao động, công nghệ chưa cao, tỷ lệ nội địa hóa còn thấp”, Bộ Tài chính đánh giá.

Năm 2021, cả nước có hơn 14.200 DN FDI báo lỗ, chiếm 55% tổng số doanh nghiệp, tăng 11% so với năm 2020. Tổng giá trị lỗ lên tới hơn 168.000 tỷ đồng. Số DN lỗ lũy kế hơn 16.200 DN, chiếm 62% tổng số DN FDI, tăng 8% so với năm trước. Có hơn 4.400 DN lỗ mất vốn chủ sở hữu, tăng 15% so với năm 2020.

Đặc biệt, một số lĩnh vực có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ lớn như: Thông tin truyền thông (4,06 lần); Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (3,85 lần); Hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (2,95 lần). Sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí (2,93 lần).

“Tỷ trọng DN lỗ, lỗ lũy kế lớn hơn DN báo lãi và có tốc độ tăng cao so với năm 2020 cho thấy việc sử dụng tài sản, vốn đầu tư của một bộ phận lớn DN FDI chưa đạt hiệu quả, chưa phát huy được tiềm lực. Điều này cần phải thu hút có chọn lọc, đánh giá hiệu quả đầu tư để nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, Bộ Tài chính nêu rõ.

Một doanh nghiệp làm nghề sản xuất kinh doanh lâu năm trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, trên cùng 1 quy mô đầu tư thì doanh nghiệp nội địa như họ đầu tư trong cụm công nghiệp so với doanh nghiệp FDI, thì doanh nghiệp nội địa không được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như các doanh nghiệp FDI. Điều này làm sức cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI bị kém đi. Đồng thời khi doanh nghiệp này bán hàng vào các doanh nghiệp chế xuất thì sẽ mất thuế 5%, nhưng doanh nghiệp FDI khi nhập khẩu hàng về thì thuế nhập khẩu lại là 0%. Vô hình chung là giá bán của doanh nghiệp như của công ty "nội" sẽ tăng lên 5%. Do đó sức cạnh tranh sẽ yếu hơn. Đây là 2 nội dung chính mà doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nội địa đang vướng mắc phải. Ngoài ra, ở cụm công nghiệp mọi phí quản lý và các quy định trong cụm đều giống trong khu công nghiệp nên khiến các doanh nghiệp nội địa gặp nhiều khó khăn.

Ưu đãi nhiều sao hiệu quả lại thấp?

Bình luận về những con số 55% doanh nghiệp FDI báo lỗ, PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan chức năng cần tìm hiểu rõ nguyên nhân thực sự khiến DN FDI thua lỗ. Ngoài tác động khó khăn của nền kinh tế, liệu có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế?

dn fdi huong nhieu uu dai nhung lien tuc bao lo, nop ngan sach thua xa dn noi hinh anh 2

PGS. TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế

“Việt Nam thu hút đầu tư với nhiều ưu đãi nhằm mục đích cùng chia sẻ lợi nhuận khi DN này hoạt động ở Việt Nam. Khi DN vào Việt Nam kinh doanh không có lợi nhuận, cần xem lại chính sách thu hút đầu tư và giải quyết gốc rễ vấn đề từ khâu thu hút ban đầu”, ông Long nói.

Chuyển giá là một hành vi rất phức tạp, nhiều chiêu trò. Để đánh giá được hành vi đó, ông Long cho rằng, cần phải xét trong từng trường hợp cụ thể, không thể nhận định theo hướng chung chung. Đến nay, Tổng cục Thuế đã chỉ ra hàng loạt các dấu hiệu và đưa ra biện pháp cụ thể cho từng dấu hiệu. Nhưng đó không phải là việc đơn giản.

“Giá tham chiếu và giá so sánh là phạm trù rất khó thực hiện. Ví dụ, bên nước ngoài giá là 10 đồng nhưng họ cố tình đẩy vào Việt Nam 12 đồng. Chúng ta khó để so sánh với nước ngoài. Để kiểm soát việc này không phải là điều đơn giản. Muốn xử lý thì cần phải biết hành vi của doanh nghiệp đó đang thực hiện như thế nào. Đặc biệt ở các công ty có liên kết kinh doanh, công ty mẹ - con thì việc chuyển giá thường diễn ra”, ông Long cho biết.

Còn theo PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính, hiện chính sách ưu đãi thuế đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần điều chỉnh để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Hệ thống chính sách, quy định về ưu đãi thuế và trợ cấp xây dựng riêng cho các ngành, lĩnh vực FDI được ưu tiên, chọn lọc chưa hiệu quả. Mức ưu đãi cao, diện ưu đãi còn rộng và dàn trải. Việc lồng ghép chính sách xã hội vào chính sách ưu đãi thuế thu nhập DN làm cho chính sách thuế thêm phức tạp, khó quản lý.

“Tuy kê khai lỗ liên tục, song nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, cơ quan Thanh tra thuế đã chứng minh hành vi chuyển giá của một số doanh nghiệp FDI với số tiền truy thu lên đến hàng trăm tỷ đồng. Ví dụ như đã truy thu Metro Việt Nam 507 tỷ đồng, Hualon Corporation Việt Nam 78,1 tỷ đồng”, PGS.TS Lê Xuân Trường nêu thực tế.

Doanh nghiệp Việt đóng góp cho ngân sách nhiều hơn

Dù được đánh giá không mạnh bằng và không được hưởng nhiều ưu đãi như các DN FDI, nhưng nhiều năm qua, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh của Việt Nam lại có mức đóng góp cho ngân sách Nhà nước cao hơn hẳn so với các DN FDI. Trong danh sách 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất 2021 được Tổng cục Thuế công bố cũng ghi nhận nhiều con số đáng chú ý. TOP 10 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất có 8 doanh nghiệp “nội”, và 2 doanh nghiệp FDI. Top 50 doanh nghiệp nộp thuế TNDN lớn nhất ghi nhận sự hiện diện của hơn 30 doanh nghiệp “nội”.

Sách trắng doanh nghiệp 2022 được Tổng cục Thống kê biên soạn cũng cho thấy: Giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút nhiều lao động nhất, đứng thứ hai là doanh nghiệp FDI và cuối cùng là doanh nghiệp nhà nước.

Giai đoạn 2016-2020, doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra doanh thu chiếm tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp. Bình quân mỗi năm doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 13,2 triệu tỷ đồng, chiếm 57,0% doanh thu toàn bộ doanh nghiệp, tăng 101,3% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; doanh nghiệp FDI tạo 46 ra 6,6 triệu tỷ đồng, chiếm 28,8%, tăng 118,6%; doanh nghiệp nhà nước tạo ra 3,3 triệu tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 15,1% (trong đó doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tạo ra 2,1 triệu tỷ đồng, chiếm 9,0%, tăng 16,4%).

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, sau hàng chục năm, doanh nghiệp tư nhân, kinh tế tư nhân tại Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, nhưng điều đáng buồn là đất nước vẫn chưa có được những doanh nghiệp đứng vào tốp đầu của thế giới. Và dù đã rất nỗ lực nhưng môi trường kinh doanh Việt Nam vẫn chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm này, Chuyên gia kinh tế TS Cấn Văn Lực cho rằng, doanh nghiệp tư nhân đang đối diện môi trường kinh doanh nhiều rủi ro, nhiều yếu tố khó đoán định về chính sách và pháp lý. Vì vậy, quan điểm kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho phát triển cần được thực hiện nhất quán, tạo điều kiện cho khu vực này hoạt động trong môi trường cạnh tranh bình đẳng, công bằng, không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023 tiếp tục đặt mục tiêu thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh cao nhất với 312.919 tỷ đồng; Thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 229.714 tỷ đồng. Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước 168.582 tỷ đồng. Số nộp ngân sách của khu vực FDI chưa tương xứng với tiềm năng, ưu đãi là những cảnh báo xuyên suốt để các nhà quản lý, hoạch định chính sách cần có cách điều hành phù hợp./.

Lượt xem: 34
Tin liên quan
Đang chờ cập nhật