Doanh nghiệp sản xuất công nghiệp: Khởi sắc ngay từ đầu năm
Bước sang năm mới 2024, các doanh nghiệp công nghiệp cùng chung khí thế quyết tâm thi đua sản xuất kỳ vọng đà tăng trưởng bứt phá.
Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất
Theo Tổng cục Thống kê chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 01/2024 ước tính giảm 4,4% so với tháng trước và tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 15,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 01/2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao.
Ngay từ những ngày đầu năm 2024, khí thế thi đua lao động sản xuất trong các công trường, nhà máy, doanh nghiệp trên địa bàn cả nước diễn ra sôi nổi. Tất cả với quyết tâm giành thắng lợi ngay từ những tháng đầu của năm mới.
Đơn cử tại địa phương như tỉnh Vĩnh Phúc, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là Công ty cổ phần MK Vision - Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc ngay sau khi khánh thành nhà máy và đi vào sản xuất từ tháng 11/2023 đã nhận một số đơn hàng sản xuất camera cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Chính vì vậy, thời điểm đầu năm 2024, toàn bộ công nhân, người lao động trong công ty đã và đang nỗ lực với một tinh thần lao động hăng say, quyết tâm hoàn thành và vượt tiến độ sản xuất các đơn hàng mà ban lãnh đạo Công ty đã giao. Dự kiến, năm 2024 và 2025 sẽ là năm tăng trưởng mạnh mẽ nhất của doanh nghiệp này sau khi đi vào hoạt động. Theo đó, doanh nghiệp đặt ra mục tiêu đạt trên 10.000 sản phẩm trong năm 2024 với 4 bộ sản phẩm, giải pháp về camera chủ lực như: Bộ giải pháp camera gắn trên xe; Bộ giải pháp camera đeo người an ninh; Bộ giải pháp thiết bị xác thực căn cước công dân gắn chíp và Bộ giải pháp camera cho giám sát giao thông.
Có thể thấy rằng, việc hoàn thành tiến độ các đơn hàng ngay từ đầu năm không chỉ đảm bảo được công việc, nguồn thu nhập ổn định cho người lao động, mà còn luôn là yếu tố tích cực để các doanh nghiệp vững tin hoàn thành tốt mục tiêu sản xuất kinh doanh trong năm 2024.
Hiện nay, Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa đang tạo việc làm thường xuyên cho 85 công nhân, với mức lương bình quân 6 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, Công ty còn duy trì kết hợp với 75 đầu mối tập kết sản phẩm thời vụ ở các huyện trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho 5.000 lao động lúc nông nhàn, với mức thu nhập 3-3,5 triệu đồng/ người/tháng. Năm 2023, tổng doanh thu đạt 110 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 5,7 tỷ đồng.
Hay như Công ty TNHH xuất khẩu và đầu tư Thành Hóa (Ninh Bình), một tín hiệu vui đến với Công ty ngay trong tháng đầu năm, Công ty đã ký được đơn hàng đến tháng 6/2024. Hiện Công ty đã bố trí nhân công lao động hợp lý, tranh thủ huy động tối đa công suất 2 lò sấy phục vụ việc phơi sấy sản phẩm, đảm bảo đủ đơn hàng đúng thời gian xuất cho đối tác.
Đối với ngành thép cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, theo CTCP tập đoàn Hòa Phát (HPG) dự kiến xuất khẩu thép trong quý I/2024 sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt là sang EU. Còn theo nhận định mới đây từ Bộ phận phân tích của Công ty chứng khoán ABS, cho rằng kênh xuất khẩu của CTCP Thép Nam Kim sẽ tăng tốc trong những tháng tới.
Bước sang quý đầu của năm 2024, điều mong mỏi không chỉ với lĩnh vực sản xuất dệt may, sản xuất thép mà với các DN trong sản xuất công nghiệp nói chung là thị trường xuất khẩu sẽ cải thiện khả dĩ hơn, để đơn hàng đến với họ trở nên tích cực hơn so với tình hình khó khăn như năm 2023.
Linh hoạt ứng phó, tạo đà tăng trưởng
Để hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo về phía Bộ Công Thương cho hay, năm 2024, Bộ sẽ tập trung những giải pháp trọng tâm như: Chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu.
Ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2024 Cục sẽ tiếp tục chủ động triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ thông qua nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp - đặc biệt trong các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da - giày và các ngành nền tảng như ô tô, cơ khí, thép... "Thúc đẩy đưa vào vận hành các dự án sản xuất công nghiệp mới nhằm phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo thêm năng lực cho phát triển sản xuất và nguồn hàng cho xuất khẩu", ông Trương Thanh Hoài nêu giải pháp.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng như ô tô, thép, sữa, giấy, nhựa... để thống nhất định hướng phát triển ngành trong giai đoạn mới.
Mặt khác, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các chương trình làm việc với các địa phương và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hiện có nhằm khôi phục và phát huy đà tăng trưởng của công nghiệp tại các địa phương và vùng kinh tế trọng điểm.
Theo các chuyên gia kinh tế, có thể thấy sản xuất công nghiệp khởi sắc ngay từ đầu năm là sự khởi đầu tốt đẹp với những tín hiệu tích cực cùng niềm tin của các tổ chức quốc tế với dự báo triển vọng sáng sủa của kinh tế Việt Nam tới đây.Theo đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào một năm khởi sắc của nền kinh tế Việt Nam sau nhiều khó khăn vì tác động của dịch bệnh và diễn biến phức tạp của khu vực, thế giới.